Aa

Đi bộ vào đâu? Thưa Chủ tịch Thành phố!

Thứ Sáu, 17/05/2019 - 06:01

Trong tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng tràn lan hiện nay, không hiểu người dân đi bộ vào đâu hay sẽ bị hất văng xuống lòng đường, nếu nghe lời kêu gọi của lãnh đạo thành phố.

Trong một tháng qua, ít nhất hai lần Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kêu gọi người dân đi bộ!

Lần thứ nhất: Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố Hà Nội sáng ngày 9/4, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng phải tuyên truyền để người dân Hà Nội có tác phong, thói quen khi di chuyển trong phạm vi từ 1 – 1,5km đổ lại thì nên đi bộ.

Lần thứ hai: Tại buổi đối thoại với công nhân lao động Thủ đô sáng 11/5, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung lại bày tỏ mong muốn các công nhân trong phạm vi 1 – 1,5km trở lại nên tăng cường thói quen đi bộ và chuyển đổi sang đi xe đạp cho thân thiện với môi trường.

Đi bộ - Điều đó là rất tốt! Cá nhân tôi nhiệt liệt ủng hộ và tiên phong thực hiện.

Nhưng đi bộ vào đâu? Thưa Chủ tịch Thành phố!?

Nói đến đây, chắc hẳn hầu hết bạn đọc đều hình dung ra cái cảnh chiếm dụng vỉa hè ở Hà Nội hiện nay. 

  
  
  
Trận đồ bát quái các loại trên hè phố, đi bộ vào đâu?

Trận đồ bát quái các loại trên hè phố, đi bộ vào đâu?

Về danh nghĩa, vỉa hè là không gian công cộng dành cho người đi bộ. Nhưng thực tế đến nay thì rất rất nhiều vỉa hè bị biến thành của riêng, trở thành nơi để xe máy, kinh doanh bán hàng, tập kết vật liệu… vân vân và vân vân. Nói gọn lại, vỉa hè trước cửa nhà ai, cơ quan, đơn vị nào là lập tức trở thành sở hữu riêng của cá nhân, cơ quan, đơn vị đó. Để rồi, người đi bộ thường xuyên phải luồn lách giữa trận đồ bát quái những xe cộ, bàn ghế, hàng quán giăng kín; thậm chí nhiều chỗ không còn cả luồn lách nổi, buộc và phải đi xuống lòng đường.

Nói có sách, mách có chứng: Nhiều lần tôi đi bộ từ đầu phố Trần hưng Đạo, Lý Thường Kiệt về phố Hoa Lư, bắt đầu ra khỏi cửa là đã vấp ngay phải quán chè chén ở đầu phố Phan Huy Chú. Đến phố Lê Văn Hưu là bát quái trận đồ đã giăng kín. Rẽ xuống phố Thi Sách thì các cửa hàng, nhà hàng cũng không ngốc nghếch gì mà không biến vỉa hè thành nơi để xe của cả chủ và khách. Tạt ngang sang Trần Xuân Soạn, nhất là khu vực Chợ Hôm thì càng ngột ngạt. Thoát được mấy con phố nhỏ, rẽ ngang ra dù là Hòa Mã - Tuệ Tĩnh hay Nguyễn Công Trứ - Tô Hiến Thành cũng đều vấp phải các quán ăn. Mà đã quán ăn thì ắt là có đỗ xe, thậm chí là cả bàn ăn tràn ra hè. Còn ba con phố chạy theo trục Bắc – Nam là Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân thì… thôi rồi. Phố nhỏ, hè nhỏ, lại dày đặc các quán ăn, nhà hàng, quán cà phê…, chỉ cần một chiếc xe máy đã choán hết vỉa hè… Cả dãy phố đều như thế, nên chỉ còn cách đi bộ xuống lòng đường.

Thậm chí lề đường thì ô tô đỗ nối đuôi nhau, nên người đi bộ phải liều mạng đi ra giữa đường. Không ít lần qua phố Bùi Thị Xuân, cả một đoạn rất dài tôi đã bị hất văng ra giữa đường như thế, để bất cứ lúc nào cũng có thể xơi tai nạn như chơi. Thì đến xe để trên vỉa hè còn bị ô tô tông vào, huống hồ giữa lòng đường. 

  
Người đi bộ bị hất văng xuống lòng đường...

Người đi bộ bị hất văng xuống lòng đường...  

... thậm chí là ra giữa đường

... thậm chí là ra giữa đường 

Chẳng nói đâu xa, ngay con phố Hoa Lư được tiếng là vắng vẻ mà cũng còn không len nổi trên vỉa hè. Thôi thì cuối phố các cửa hàng kinh doanh quần áo trẻ em lấn vỉa hè đã đành, ngay đến gần hết chiều dài con phố toàn là cơ quan Nhà nước mà vỉa hè cũng chẳng được tha.

Ví dụ như tòa nhà số 10 Hoa Lư, mặc dù đã có hầm để xe, nhưng người ta vẫn căng thêm dây chắn một đoạn vỉa hè để dựng xe. Tệ nhất là đoạn qua Trung tâm Triển lãm Văn hóa – Nghệ thuật. Vỉa hè đã hẹp, mấy quán cà phê, hàng ăn hay bán thực phẩm mà Triển lãm cho thuê, chắc là để có thêm nguồn thu, lại ngang nhiên dựng xe máy choán hết luôn.

Tệ hơn nữa, đoạn phố này còn được dành để kinh doanh chỗ đỗ xe ô tô dưới lòng đường. Thế là, các nhân viên trông giữ xe ấy (mặc đồng phục hẳn hoi) cũng kê luôn cái bàn ra vỉa hè để thu tiền. Một cái bàn kê gần hết chiều ngang vỉa hè chưa thỏa mãn, các nhân viên còn kê luôn cái ghế ra nốt phần vỉa hè còn lại cho người đi bộ… biết mặt. Không ít lần tôi ngứa mồm nhắc nhở, nhưng hoặc là người ta quay lơ chẳng thèm để vào tai, hoặc là thậm chí còn nhận ánh mắt trợn trừng nhìn lại. Thế là tôi cũng khiếp, vì biết đâu chẳng bị thượng cẳng chân, hạ cẳng tay; góp ý đừng vượt đèn đỏ còn bị đâm chết nữa là. 

  
Điều trớ trêu là người ta chiếm dụng vỉa hè ngay tại nơi đặt tấm biển Tuyến phố văn minh đô thị

Điều trớ trêu là người ta chiếm dụng ngay tại nơi đặt biển: Tuyến phố văn minh đô thị "Không để ô tô, xe máy, xe đạp, kinh doanh, buôn bán trên hè phố", hay: Tuyến phố VMTM "Cấm chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán"

Thưa Chủ tịch Thành phố, tôi là một trong số những người nhiệt tình ủng hộ lời kêu gọi của Chủ tịch, vì tôi cũng tự nhận thức, đi bộ là rất cần thiết và lợi cả trăm đường. Nhưng tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng như thế thì thử hỏi, đi bộ vào đâu???

Đấy là bây giờ, người đi bộ còn ít, thậm chí là rất rất ít. Thử hỏi đến khi nhiều người hưởng ứng lời kêu gọi tạo thói quen đi bộ của Chủ tịch Thành phố thì không biết lấy chỗ nào mà… đi???

Vẫn biết, giải quyết vấn nạn chiếm dụng vỉa hè là cực kỳ phức tạp và cam go. Tôi cũng biết, không ít lần thành phố ra tay và ra quân dẹp nạn chiếm dụng vỉa hè. Nhưng đều thất bại. Nguyên nhân hoặc là do giải pháp chưa đến đầu đến đũa, hoặc là do có lợi ích nhóm trong cái sự gọi là “kinh doanh vỉa hè” nên làm chưa cương quyết, chưa triệt để, bỏ dở giữa chừng chăng, nên mọi chuyện… nguyễn y vân lại… vẫn y nguyên.

Nhưng đây là việc không thể không làm. Có nghĩa là trước sau gì cũng phải làm. Nếu Chủ tịch không làm, có nghĩa là đẩy sang đời chủ tịch sau; nếu đến đời chủ tịch sau vẫn không làm thì có nghĩa đến đời chủ tịch thứ “n” nào đó cũng vẫn phải làm. Chỉ có điều, càng để lâu càng khó làm và càng làm khổ dân mà thôi.

Hơn nữa, Chủ tịch Thành phố đã kêu gọi, khuyến khích người dân đi bộ và tạo thói quen đi bộ thì việc lấy lại vỉa hè để có chỗ cho người đi bộ lại càng cần thiết và cấp bách. Nếu không, lời kêu gọi của Chủ tịch dù có thật lòng, dù có tâm huyết, dù có thống thiết đến mấy cũng chỉ là lời nói suông. Thậm chí còn là sự lừa dối. Vì nếu người dân nghe lời Chủ tịch mà chuyển sang đi bộ thì biết đi vào đâu? Hay để rồi sẽ bị hất văng xuống lòng đường!?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top