Aa

Di dời nhà máy, trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô: Hai thập kỷ chỉ để… chạy đà! 

Thứ Sáu, 23/06/2023 - 06:00

Gần hai thập kỷ trôi qua nhưng việc di dời trụ sở cơ quan, trường đại học, khu công nghiệp… ra khỏi nội đô vẫn rất ì ạch. Do đó, Chỉ thị 23 của Ban Bí thư mới đây, một lần nữa yêu cầu thực hiện nghiêm lộ trình này.

Khi nội đô đã quá chật chội

Theo kết quả Tổng điều tra dân số nhà ở năm 2019 và Niên giám thống kê TP. Hà Nội năm 2020, mật độ dân số toàn thành phố đã phát triển cao hơn dự báo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Cụ thể, dân số đô thị tại 12 quận của Hà Nội đã tăng 19,43%. Mật độ dân số trung bình tại các quận là 10.8330 người/km2. Mật độ dân số phát triển tại khu vực trung tâm đã đạt 9.570 người/km2, vượt gần gấp đôi so với dự báo.

Đặc biệt, dân số thuộc khu vực nội đô lịch sử duy trì mật độ cao và đã vượt quá quy định. Dự kiến dân số khu vực này đến năm 2030 phải giảm còn 0,8 triệu người, nhưng đến nay quy mô đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người. 

Điều này tiếp tục lặp lại ở tại một số quận thuộc khu vực nội đô mở rộng như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Chỉ có một số quận thành lập sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây (Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm) là còn có điều kiện về quỹ đất để phát triển đô thị, phát triển dân số và đảm bảo được các chỉ tiêu sử dụng đất theo quy hoạch.

Trước thực tế gia tăng dân số một cách nhanh chóng tại các quận lõi nội đô đã khiến Hà Nội ngày càng chật chội và chịu sức ép từ nhiều phía, như: Quá tải đối với công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quản lý an ninh, trật tự công cộng, bảo đảm môi trường sống… Chính vì vậy, việc tái cân bằng đô thị thông qua các hoạt động di dời nhà máy, xí nghiệp, trụ sở cơ quan, trường đại học… ra ngoài vùng ven Thủ đô được xem là giải pháp cấp thiết. 

quá tải hạ tầng

Hà Nội ngày càng chật chội và chịu sức ép từ nhiều phía, như: Quá tải đối với công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quản lý an ninh, trật tự công cộng... (Ảnh: Tùng Dương)

Theo TS.KTS. Vũ Hoài Đức, Tổng Thư ký Hội Kiến trúc sư Hà Nội, hệ thống công sở của các bộ, ngành, Trung ương trên địa bàn Thủ đô hiện nay phần lớn được xây dựng từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước. Vì vậy, hầu hết có vị trí nằm trong các quận nội thành. Bên cạnh yếu tố thuận tiện trong giao dịch công tác, phối hợp giữa các cơ quan, việc hệ thống trụ sở cơ quan cấp quốc gia nằm xen lẫn trong khu dân cư mật độ cao đã gây ách tắc giao thông vào giờ cao điểm và thiếu các dịch vụ đô thị đi kèm. 

Từ những cơ sở của một cấu trúc không gian lịch sử có quy mô nhỏ, nên đại bộ phận công sở không đạt tiêu chuẩn, hầu hết thiếu về diện tích và chức năng sử dụng và diện tích dành cho các hoạt động dịch vụ công. 

“Trong số 25 bộ, ngành mới có 17 bộ, ngành sử dụng nhà cấp I; 8 bộ, ngành sử dụng nhà cấp II, cấp III. Ngoài ra, trong công sở chính của các bộ, ngành còn 398 ngôi nhà cấp IV, 196 ngôi nhà cấp III, 164 ngôi nhà cấp II và 50 ngôi nhà cấp I... Con số khái lược trên cho thấy thách thức không nhỏ trong việc hiện đại hóa để công sở xứng tầm với vai trò cơ quan hành chính nhà nước”, KTS. Vũ Hoài Đức cho biết. 

Cũng theo KTS. Vũ Hoài Đức, Hà Nội chiếm đến 1/3 tổng số trường đại học và cao đẳng và 40% tổng số sinh viên cả nước. Tuy nhiên, mạng lưới trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm cơ bản như: Cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu đào tạo, một lượng lớn sinh viên tập trung vào khu vực nội thành, mô hình đào tạo chưa theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội... Quỹ đất các trường vốn đã hạn hẹp lại bị chuyển đổi, lấn chiếm khá nghiêm trọng. 

Lấy ví dụ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Đức cho biết, Trường có diện tích 34ha, theo quy hoạch cũ, được thiết kế cho 2.000 sinh viên vào những năm 60 của thế kỷ XX, đến nay diện tích đất còn không đầy một nửa trong khi quy mô sinh viên đã gấp 10 lần. 

KTS Vũ Hoài Đức
TS.KTS. Vũ Hoài Đức, Tổng Thư ký Hội Kiến trúc sư Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Nhiều trường đại học, cao đẳng khác cũng bó buộc trong những “manh áo cũ”, như Trường Đại học Mỏ - Địa chất với gần 10.000 sinh viên vốn là một khu khách sạn cải tạo lại. Hoặc từ những cơ sở đào tạo cấp thấp như trường hợp của Đại học Kiến trúc, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong khuôn viên của hai trường trung cấp, trung học chuyên nghiệp... 

Một số dự án lại dồn vào những cao ốc ở ngay những nút giao thông lớn, như dự án cho 15.000 sinh viên của Đại học Kinh tế Quốc dân; hoặc ngược lại, không ít trường lại bố trí ở những khu đất trong ngõ, không thuận tiện về giao thông.

“Với một bức tranh phác thảo như vậy, thật khó để các cơ sở đào tạo hiện nay đáp ứng được mô hình chuẩn của quốc gia và quốc tế, đồng thời càng khiến cho khu vực trung tâm Hà Nội chịu thêm sức ép về dân số, dịch vụ đô thị và hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là giao thông đô thị. 

Vì vậy, việc di dời các nhà máy, xí nghiệp, trụ sở cơ quan, trường đại học ra khỏi nội đô là nhiệm vụ cấp thiết cần phải triển khai thực hiện. Công tác này chậm ngày nào là Hà Nội còn chật chội, bí bách và khó phát triển ngày đó”, KTS. Vũ Hoài Đức nhìn nhận.

Công tác di dời vẫn nằm trên giấy

Có thể nói, bất cập từ những “manh áo chật” buộc các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM không thể trì hoãn việc di dời các nhà máy, trụ sở cơ quan, trường đại học ra ngoài khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này không chỉ trì hoãn một hai ngày, hay một hai năm mà đã trì hoãn suốt gần hai thập kỷ qua. 

Từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngay sau đó, UBND TP. Hà Nội lập tức ra quyết định chuyển các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, nguy cơ ô nhiễm môi trường khỏi nội đô.

Đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm lây nhiễm cao, sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội.

Đến cuối năm 2016, UBND TP. Hà Nội đưa ra lộ trình đến 2020 di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành theo 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 là di dời các cơ sở ở 4 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng; giai đoạn 2 là di dời các cơ sở vừa gây ô nhiễm môi trường vừa không phù hợp quy hoạch; giai đoạn 3 là di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; giai đoạn 4 là di dời các cơ sở còn lại.

Mới đây nhất, Ban Bí thư có Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chỉ thị này đã đề ra 06 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đáp ứng yêu cầu tình hình mới. 

Trong đó, nổi bật là nhiệm vụ thứ sáu: “Khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông; quan tâm phát triển hệ thống công trình giao thông ngầm, giao thông trên cao. Thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp… ra ngoài khu vực trung tâm thành phố theo quy hoạch”.

Như vậy, Chỉ thị này một lần nữa yêu cầu phải thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trường đại học, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp… ra ngoài khu vực trung tâm thành phố.

Có thể thấy, quy định về di dời các trụ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, nguy cơ ô nhiễm môi trường khỏi nội đô đã có cách đây 20 năm; quy định về di dời bệnh viện, trường đại học, trụ sở cơ quan nghề nghiệp đã có cách đây 8 năm. Thế nhưng, đến nay Hà Nội mới chỉ di dời được khoảng 70/117 cơ sở sản xuất, rất nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vẫn cố duy trì hoạt động sản xuất trong nội đô.

nhà máy
Công tác di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô vẫn còn ì ạch. (Ảnh: VOV)

Đối với các trụ sở cơ quan, mặc dù đã có 9 bộ, ngành, cơ quan hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới, song chỉ có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan Trung ương quản lý nhưng đến nay địa điểm này cũng đã chuyển cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sử dụng. Còn lại các cơ quan khác tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho TP. Hà Nội khai thác, sử dụng.

Đối với các trường đại học, cao đẳng, đến nay cũng chỉ có số ít là thực hiện công tác di dời ra khỏi vùng trung tâm như Đại học Y tế cộng đồng hay Đại học Quốc gia Hà Nội chuyển trụ sở ra Hoà Lạc (huyện Thạch Thất). 

Đánh giá về tốc độ di dời này, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính đã nhiều lần nhấn mạnh với báo chí rằng, việc di dời trụ sở cơ quan, trường đại học, khu sản xuất công nghiệp… vẫn còn quá chậm.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, đã gần hai thập kỷ trôi qua nhưng nhiệm vụ vốn được xem là cấp bách này vẫn chỉ là những kế hoạch nằm trên giấy. Nhiều cơ sở công nghiệp mặc dù nằm trong danh sách buộc phải di dời gấp vẫn chây ỳ chưa chịu thực hiện, do các cơ sở mong muốn có nhiều lợi ích hơn từ vị trí đắc địa của trụ sở cũ. Chính vì vậy, nội đô Hà Nội trong những năm qua không những không giảm bớt áp lực về hạ tầng, đô thị mà còn càng ngày càng chật chội, bí bách, chất lượng cuộc sống người dân có xu hướng đi xuống./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top