Đang mùa Covid-19 thế này mà nói chuyện hoa bưởi, xem chừng có vẻ không được phải cho lắm, dễ bị trách là kẻ vô tâm?
Nhưng phòng dịch, chống dịch thì vẫn cứ phải làm, còn việc ngắm nghía một vầng hoa bưởi, ăn một khúc mía ướp hoa bưởi, thì vẫn cứ được phép chứ sao, miễn đừng vì cái này mà quên cái nọ.
Thì là tự nghĩ thế thôi, chứ tôi dám chắc, bất cứ ai cho dù bận bịu bằng mấy, mải nghĩ đến đâu, khi đi qua một vầng hoa bưởi, khứu giác cũng phải "động đậy", hà hít, tận hưởng cho được làn hương thơm thanh mát mà tinh khiết của loài hoa thân thuộc đầu mùa.
Nếu có thời gian rỗi, xin phép chủ nhà, tạt vào mảnh vườn mà nhìn ngắm, rồi không quên ngắt một vài chùm hoa bưởi bỏ túi mang về. Cả một vầng hoa bưởi trắng muốt, tinh khôi, cứ thế lặng lẽ tỏa hương, chẳng cần gió thổi. Mỗi chùm hoa chi chít các bông hoa. Có bông chúm chím. Có bông đã mãn khai, ở giữa lòng đầy phấn mịn vàng. Thỉnh thoảng nghe tiếng rù rì những cánh ong cần cù làm mật.
Cả một vầng hoa bưởi trắng muốt, tinh khôi, cứ thế lặng lẽ tỏa hương, chẳng cần gió thổi... (Ảnh: Bùi Văn Doanh)
Tôi nhớ ngày còn nhỏ, vào mùa hoa bưởi sau Tết, u tôi thường hay dặn con ở nhà lấy sẵn hoa bưởi, để u đi chợ mang mía về ướp hương bưởi mà ăn. Mấy anh em tôi làm theo, rồi ngồi nhà chờ đợi. Mang mía về, dóc vỏ, u tôi lấy dao tiễn ra thành từng đốt, chẻ ra làm tư, làm tám, đựng vào chiếc đĩa to, rồi đặt những bông hoa bưởi vào, sau lấy tờ giấy báo làm thành một cái chụp nhọn bọc kín đĩa mía.
Làm xong, u tôi đặt đĩa mía lên tầng cao của chạn bát, anh em tôi thèm thuồng lắm, nhưng u tôi dặn để sau khi ăn cơm xong mới được ăn. Cái giống đã chờ đợi lại càng sốt ruột. Cuối cùng thì mỗi đứa cũng được chia dăm bảy miếng. Cái ngọt giòn của mía cùng cái thơm thanh của hương bưởi tan trong miệng như thấm vào từng chân tóc.
Có một cách ướp mía hoa bưởi nhanh hơn, thường là làm đãi khách mỗi khi bất chợt khách đến chơi. Cũng vẫn mía dóc chẻ sẵn, cũng hoa bưởi như thế. Sau khi hơ một cái nồi/chảo trên bếp lửa cho ấm già lên (không để nóng quá), xong rải mía và hoa bưởi vào, rồi đậy vung lại. Chỉ một lúc, khoảng 5 phút, là hương hoa bưởi quyện vào từng miếng mía. Mang ra ăn, miếng mía thơm giòn, có mùi thơm thanh thanh của mật mía tươi, lại phảng phất mùi hương bưởi như hư như thực. Thật nhã thú biết bao.
Hoa bưởi vào phố. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)
Hoa bưởi còn nhiều công dụng, đặc biệt là ướp bột sắn dây. Đây là một loại đặc sản rất nhiều người ưa chuộng. Để có được một lọ bột sắn dây ướp hương hoa bưởi thật ưng ý, để lâu vẫn ngậm hương, phải có bàn tay người làm tinh tế tầm cỡ nghệ nhân. Hoặc đơn giản hơn, có người dùng hoa bưởi rắc lên bát chè, bát tào phớ để lấy hương, khi ăn cũng thú lắm… Đây lại là một câu chuyện khác.
Mấy hôm nay, vừa mới qua Giêng, bước vào tháng Hai, đi trên đường phố Hà Nội, đã thấy lác đác đôi gánh hàng hoa chuyên bán hoa bưởi. Hoa chùm, hoa cành, hoa bông rời. Ai muốn mua về thắp hương thì mua hoa cành hoa chùm. Ai muốn mang về ướp mía, ướp chè… thì mua về hoa gói.
Viết đến đây, tự nhiên nhớ đến chi tiết trong truyện “Đôi mắt” của nhà văn Nam Cao tả về việc vợ chồng nhà văn Hoàng, sống ở vùng tản cư, vẫn giữ cuộc sống phong lưu, xa hoa, nhuốm mùi thị dân: Giường mắc màn tuyn, trước khi đi ngủ đọc truyện Tam Quốc, ăn mía ướp hoa bưởi… Ôi, đó là ngày kháng chiến, chứ thời bình mà con người giữ được những thú vui tao nhã ấy thì cuộc sống đẹp lên biết mấy.
Chả là hôm nay, chúng tôi lại rủ nhau về quê. Vẫn căn nhà của tuổi thơ tôi, hiện giờ bố mẹ tôi không còn nữa. Đón tôi ngay cạnh cổng nhà là mấy cây hoa bưởi đang nhất loạt trổ bông trắng muốt. Ngước lên cao, cơ man nào là hoa. Mảnh sân dưới gốc cây, đã lấm chấm đôi cánh trắng rụng xuống. Chúng tôi hà hít thật sâu tận hưởng làn không khí thơm tho thanh sạch vườn nhà.
Trước khi đi, vợ tôi đã không quên hái mấy chùm hoa bưởi, bảo để về thắp hương ban thờ cho thơm. Cô em dâu đã nhanh nhảu từ lúc nào hái một bọc đu đủ, quả trứng gà để cho anh chị mang theo.
Hương hoa bưởi thảo thơm cứ thoang thoảng vấn vít suốt đường về…
Tháng Hai Canh Tý