Aa

Nếu nghỉ việc công sở, tôi sẽ làm gì?

Thứ Hai, 17/02/2020 - 06:30

Ai cũng mong đại dịch Corona mau chấm dứt, cuộc sống sớm trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong khi dịch bệnh đang hoành hành, đe dọa tới bất cứ ai, ngồi nhà một cách “bất đắc dĩ”, ngẫm ra nhiều chuyện.

Do là một số cán bộ, công nhân viên chức khối hành chính công (đặc biệt là ngành giáo dục) được nghỉ dài ngày để phòng tránh dịch Covid-19, có một số người kêu trời đòi được đi làm trở lại với một lý do rất “hồn nhiên”: Nếu không đi làm thì ở nhà biết làm gì?

Quả thật, họ không biết làm gì thật. Ngày ngày đi chợ và lo ba bữa cơm, xong rồi lại vắt vẻo ngồi xem ti vi, vào điện thoại lên trang Facebook…, chán rồi lại ngáp ngắn than dài. Nghỉ một tuần thì được. Nghỉ 2 tuần, thôi thì cố chịu. Nghỉ đến 3 tuần (và biết đâu, có thể còn nghỉ nữa), thì dẫu chẳng phải do virus Corona cũng phát ốm, chán mà phát ốm.

Thế nên, có khi họ lại tìm cách đi chơi. Không tụ tập gần thì tụ tập xa. Không tụ tập đông thì tụ tập ít. Họ lại lên đường. Và lại gieo rắc nguy cơ Covid.

Nhìn vào đội ngũ các thầy cô trong hệ thống giáo dục chẳng hạn. Khi được nghỉ sang tuần thứ hai, một số trường có sáng kiến phát động các thầy cô dạy học online trực tuyến, hoặc qua bài giảng ghi hình rồi đăng lên mạng. Một sáng kiến rất hay. Nếu được thực hiện nghiêm túc, các thầy cô cũng bận rộn, và cũng có hiệu quả tốt. Nhưng thực ra, số giáo viên dạy qua online không nhiều. Đa số vẫn “ngủ đông”. Lại có một số giáo viên vẫn lùa học sinh đến nhà học thêm như thể chưa có chuyện gì xảy ra vậy.

Giáo viên với các hình thức ghi hình và dạy học trực tuyến giữa mùa dịch Corona. (Ảnh: vietnamnet.vn)

Vì thế, tự nhiên một câu hỏi được đặt ra: Nếu được/bị nghỉ việc nơi công sở, thì tôi sẽ làm gì?

Vâng, có thể nghỉ việc nơi công sở lắm chứ. Không kể trường hợp nghỉ hưu. Có thể do giảm biên chế. Có thể do bị cắt hợp đồng lao động. Có thể sức khỏe không đảm bảo. Có thể nghỉ ngắn hạn, dài hạn. Và chính là do virus Covid-19 như đang thấy…

Nếu tạm nghỉ ở nhà, ngoài các công việc thông thường, sao lại không nghĩ đến việc đọc sách, hoặc “cùng con đọc sách”? Ở Việt Nam mình, người có nhu cầu đọc sách thực sự chưa phải đã nhiều. Thậm chí có không ít người cho việc đọc sách là chuyện phù phiếm, xa xỉ. “Đọc sách có bán chữ lấy ăn được không?” – có người vặn vẹo, mỉa mai như vậy.

Liệu có xa xỉ không nếu ta bảo nhau hãy tranh thủ học ngoại ngữ, tại sao không? Học ngoại ngữ luôn luôn tốt cho tất cả mọi người. Ngay cả đối với người lớn tuổi, ngoài công dụng thiết thực, học ngoại ngữ còn rèn luyện khả năng chống lại nguy cơ suy giảm trí nhớ, tăng cường độ minh mẫn hơn.

Trong trường hợp được nghỉ ở nhà, sướng nhất vẫn là cánh lao động trí óc, thí dụ các nhà khoa học, các nghệ sĩ, đặc biệt là cánh nhà văn. Họ khởi động một dự án, một công trình, một cuốn sách. Họ sửa chữa, hoàn chỉnh một bản thảo đã có sẵn. Họ dịch thuật một số tài liệu nước ngoài cần thiết cho công việc của chính họ hoặc cho cộng đồng. Họ trả “món nợ lòng” mà họ đã nhận lời viết cho/về một ai đó mà chưa có dịp thực hiện… Vậy thì, với những người này, khi “cấm cung” ở nhà, lại là một cơ may để mà hoàn thành bao việc.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Lâu nay, thỉnh thoảng vẫn thấy ai đó than phiền cánh giáo viên ít đọc sách, phần lớn họ chỉ đọc mấy cuốn sách giáo khoa, sách công cụ hướng dẫn giảng bài, thế là xong. Họ bằng lòng với điều đó. Không đọc thêm sách để mở mang kiến thức, để biết lĩnh vực chuyên ngành của mình đang như thế nào, hoặc rộng ra không biết đến đời sống trí thức, đời sống tinh thần của xã hội đang có những gì đáng quan tâm. Với họ, điện thoại, Facebook là đủ. Sách đối với họ trở nên xa lạ, thậm chí “thù địch”. Đã có lần, nhà văn Đỗ Tiến Thụy lên tiếng báo động về tình trạng các giáo viên dạy văn không đọc sách văn học khiến một số người tự ái. Biết tự ái cũng là một dấu hiệu tích cực, hy vọng vào một sự đổi thay có thể.

Nghĩ rộng thêm, nhu cầu soi vào đời sống nội tâm, biết chăm sóc đời sống nội tâm, biết tự ngẫm và suy xét chính mình, biết trả lời những câu hỏi tưởng như không đâu nhưng thực ra lại rất quan trọng: Ta đang là ai, ta muốn trở thành như thế nào, ta nên hay không nên thế, ta cần quan tâm đến chuyện/việc gì, ta nên làm những việc gì trong ngắn hạn/dài hạn, ta có nên sắp xếp lại cuộc sống của mình không và theo hướng nào, ta cần buông bỏ những gì… Vô vàn các câu hỏi, nếu ta biết tự đặt ra và trả lời nó một cách nghiêm túc, rốt ráo, chắc chắn sẽ rất tốt cho cuộc sống riêng tư của mỗi người, nhờ đó mà có thể cuộc sống mỗi ngày sẽ tốt lên/đẹp lên một chút.

Có một ai đó đã từng đặt ra câu hỏi: Giả dụ, nếu biết trước cái chết sẽ đến với ta vào một ngày giờ chính xác, thì việc cần làm đầu tiên của bạn sẽ là việc gì? Ô, té ra câu trả lời không hẳn dễ dàng…

Ai cũng mong đại dịch Corona mau chấm dứt, cuộc sống sớm trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong khi dịch bệnh đang hoành hành, đe dọa tới bất cứ ai, ngồi nhà một cách “bất đắc dĩ”, ngẫm ra nhiều chuyện.

Thôi thì “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, với tôi, ngồi nhà đọc sách, viết nọ viết kia cũng xem như được an ủi đôi phần.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top