Aa

Đọc sách

Thứ Năm, 20/02/2020 - 09:16

Vấn đề ở đây là lựa chọn sách đọc, cách đọc sách và cách suy nghĩ độc lập sau khi đọc sách để tìm ra bản chất sự vật, tìm ra hướng đi đúng của mình…

Mấy năm rồi, trong giới những người nhiều chữ ở nước ta, luận bàn khá sôi nổi về chuyện đọc sách. Người bảo: Dân nước ta chưa có thói quen đọc sách, chuyện đọc sách chỉ tập trung ở tầng lớp trên, ở các đô thị, giới trí thức… Còn lại bảy, tám mươi phần trăm dân chúng vẫn coi chuyện đọc sách là xa xỉ… Số khác lại khăng khăng khẳng định: Ông cha ta từng có truyền thống đọc sách từ nhiều trăm năm trước, và hiện nay truyền thống ấy đang được phát huy đáng tự hào. Bằng chứng là số lượng sách in ra hằng năm nhiều chưa từng có trong lịch sử sách nước Việt. Thứ bảy, chủ nhật ở bất cứ hiệu sách nào, từ tư nhân đến nhà nước, người đến mua sách đông như trẩy hội, cớ gì lại bảo dân ta lười đọc…

Thật ra, chuyện đọc sách nhiều hay ít cũng không phải mất công bàn bạc quá lắm. Vì nhu cầu này là do quá trình phát triển tự thân của nền văn hóa văn minh. Sự phát triển ấy lệ thuộc vào nhu cầu và sự tiến bộ của mỗi cá nhân và xã hội. Mà trong đời sống tinh thần thì không phải như đi mua một chiếc ô tô, cứ có tiền là “đổi đời”. Nó ngấm từ từ, chắc, sâu và lan tỏa. Không thể ép buộc, cưỡng chế.

Vậy vấn đề cần bàn là gì? Là đọc sách gì và đọc như thế nào. Đúng vậy! Vì đọc sách gì mới là khó. Thà đọc một cuốn sách Kinh Thánh chẳng hạn, nó có giá trị, có ích còn hơn đọc nghìn cuốn sách mà toàn sách dở. Bởi lẽ, sách là do con người tự ghi lại quá trình sống của mình. Mà đã là con người thì có hay có dở. Sách họ viết ra cũng vậy, có hay có dở. Còn nữa, những cuốn sách được viết ra đang bán trên thị trường không phải hoàn toàn từ những bộ óc lớn hướng thiện, vì con người, vì cái đẹp; có không ít sách viết ra chỉ để câu khách kiếm tiền hoặc háo danh, tìm sự nổi tiếng. Mà con người ta lại dễ cả tin làm theo sách, nghe theo sách… đó quả thật là một bi kịch. 

Ở đây chưa nói tới chuyện, nếu chỉ đọc sách và làm y như trong sách là anh đã tự chuốc lấy thảm họa. Vì người ta không phải là cỗ máy biết nói, nó còn có trái tim và khối óc. Nên dập khuôn như sách sẽ nhanh chóng tước đoạt của anh quyền độc lập tìm tòi suy nghĩ. Chính sự độc lập tìm tòi suy nghĩ mới mang lại cái mới, có ích, sự thành công. Vì vậy đọc sách là để suy ngẫm, tìm ra cách làm độc lập của riêng mình chứ không phải để “ăn theo nói leo”. 

Như vậy, nếu ta đọc được sách tốt, ta có thể chiêm nghiệm, tham khảo, rồi tự mình tìm ra cách làm phù hợp với mình, tìm ra con đường đi của riêng mình. Còn sách dở không những vô ích mà còn dẫn ta đến tối tăm, bệnh hoạn (không tin cứ theo dõi các vụ án mạng xảy ra trong nước và nước ngoài do thanh, thiếu niên bị đầu độc bởi phim ảnh, sách vở đồi trụy).

Có người cho rằng phải đọc thật nhiều sách mới có ích, mới mang lại thành công… Thật ra, đọc quá nhiều sách, lại chỉ làm theo sách sẽ có hại cho tư duy. Vì nếu thiếu bản lĩnh, khi đọc thấy cuốn sách này viết một kiểu, cuốn sách khác viết ngược lại. Trong trường hợp này nó thường làm ta bối rối, không biết nghe theo sách nào. Thậm chí nó đưa ta vào sự u mê, vào trận đồ bát quái, không còn khả năng tỉnh táo để định hướng đúng đắn cuộc sống, đúng đắn con đường đi vào tương lai. Dân gian bảo “loạn chữ” là vậy. 

Học, đọc là đương nhiên để dẫn tới tri thức, nhưng chỉ khi nào sự đọc, sự học được quên đi ta mới thực sự có suy nghĩ, có mày mò sáng tạo để khẳng định mình và hoàn thiện mình. Chưa làm được điều này thì vẫn chỉ là người có trí nhớ tốt, chỉ nói theo, làm theo người khác; vẫn còn là khốn khổ, luẩn quẩn trong vô số mớ bòng bong của chữ mà thôi. Tất cả các vĩ nhân bậc thầy đều nhất nhất một khả năng tìm tòi độc lập rất cao. Họ luôn kỳ công khổ hạnh tìm kiếm con đường đi riêng biệt của mình mới có được thành công mỹ mãn. Không ai và chưa bao giờ họ chỉ đọc sách và làm như sách.

Vấn đề ở đây là lựa chọn sách đọc, cách đọc sách và cách suy nghĩ độc lập sau khi đọc sách để tìm ra bản chất sự vật, tìm ra hướng đi đúng của mình… Điều này không phải ai cũng đồng ý nhưng đó là sự thật!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top