Không ở trên đất liền, ngôi đền Itsukushima rất khác biệt, nằm ở ngay trên biển, phía trước là núi Misen, thuộc hòn đảo Miyajima, thuộc tỉnh Hiroshima (Nhật Bản). Trước khi đến nơi thờ Thần Mặt trời, lữ khách phải đi qua một con phà lớn khoảng gần nửa tiếng sẽ tới bờ, rồi đi bộ ven đường biển chừng mươi phút nữa mới tới nơi.
Ngôi đền linh thiêng thờ Thần Mặt trời có một huyền thoại: Ngày xửa xưa lâu lắm, từng có một nữ thần ngủ trên cây dâu ngay trên mép biển, người được trời cho biệt phái đến đây để cứu độ dân lành khi gặp hoạn nạn. Sau này tạ ơn người, ngôi đền được xây dựng để thờ Nữ Thần Mặt trời ở xứ sở Phù Tang. Trước đền, có cổng Torri màu đỏ thắm. Mùa nước biển dâng cao, cổng đền vẫn rực rỡ dưới mặt trời và nước. Đến mùa cạn, chim ở đâu bay đến đậu rợp trời dưới cổng đền.
Người đến đây đủ các màu da của 5 châu lục, họ đều được hướng dẫn cách rửa sạch tay mới được vào đền lễ Thần. Cách lễ Thần Mặt trời rất độc đáo, được hướng dẫn: Hãy vái hai cái, vỗ tay hai cái, rồi đi giật lùi. Người mộ đạo kính cẩn đi giật lùi, họ xin Thần những thứ mà họ khát khao, xin Nữ Thần điều mà đời sống con người cần có: Sức khỏe, tiền tài và danh vọng. Họ dâng thần một đồng tiền 5 yên để trên một khay gỗ lớn, có một lỗ tròn nhỏ, có chữ nhưng không có số. Người dân bản địa cho rằng đó là đồng tiền mang ý nghĩa may mắn, có tên gọi là đồng tiền “ngự duyên”. Đồng tiền này cũng hàm nhiều nghĩa mang lại hạnh phúc cho mỗi người cầu nguyện điều gì may mắn đều ở trong tay.
Cổng thần đạo của ngôi đền cao 24m. Đứng từ trong đền nhìn ra biển phía có cổng là một khung cảnh rất đẹp. Người Nhật và lữ khách thập phương đều cung kính dâng lễ, nhưng không thấy lễ vật, thức ăn, đồ uống, vật chất bày biện như ở đền chùa Việt Nam. Nơi đây đặt lễ duy nhất chỉ có một đồng yên có ý nghĩa “ngự duyên” dâng lên Thần Mặt trời một cách cung kính là đủ.
Ngoài đền chính còn có những gian nhỏ, ai cần sẽ xin sớ. Sớ được gói trong một túi nhỏ rất đẹp, có chữ thể hiện điều mà mình ước nguyện như cầu duyên, cầu con, cầu xây nhà, mua xe… Có nhiều hành lang trong đền, có những ngọn đèn rất đẹp, những sản phẩm ghi dấu sử thi của một thời quá vãng. Khi rời khỏi đền, bạn sẽ đi thăm thú rất nhiều những ngõ nhỏ bán hàng lưu niệm. Sản phẩm du lịch ở đảo Miyajima rất phong phú, đặc sắc và mang nét truyền thống Nhật Bản.
Đền nhìn ra phía biển còn là nơi có thể tổ chức sân khấu nhỏ, kỷ niệm chụp ảnh đám cưới, cầu an lành hay làm nơi tổ chức hòa nhạc, đặc biệt là âm nhạc truyền thống của nhân dân xứ sở mặt trời mọc. Phong thái của người Nhật đến đây rất thung dung tự tại, an nhiên. Họ lễ thì đi giật lùi. Tôi cũng nhập gia tùy tục đi giật lùi, nhưng nghĩ tới người Nhật, họ có một vẻ đẹp văn hóa rất đặc biệt. Người Nhật luôn đặt hai chữ "chúng ta" đứng trước chữ "ta". Nói nôm như người Việt ta là "mình vì mọi người" trước đã.
Chỉ đơn cử một chi tiết nhỏ, một số người Việt Nam thi nhau chụp ảnh, chụp hàng chục kiểu giống nhau rồi ôi, rồi a, rồi cười, nhưng khi chụp giúp người khác thì lại quấy quá, chụp cẩu thả, máy rung và ảnh thì thôi không muốn nhìn nữa. Nhưng nếu tôi nhờ một người Nhật đang quét dọn rác dưới lòng suối, họ sẵn sàng bỏ găng tay chụp cho mình thật cẩn thận, thật đẹp họ mới gật đầu hài lòng. Sau này đi tới đâu tôi cũng nhớ người bạn Nhật Bản dù đang xén lá hay đang dọn rác dưới suối cũng tháo găng tay chụp cho tôi những tấm ảnh kỷ niệm thật đẹp. Đường xa vạn dặm. Gương mặt họ ân cần và tôi thấy họ luôn vui vẻ khi giúp người khác.
Tôi cứ nghĩ mãi về cách giúp nhau của người Nhật so với người Việt. Cũng có một khoảng cách, khoảng cách trong văn hóa xếp hàng, khoảng cách trong lối hành xử biết nghĩ đến người khác. Những năm chiến tranh, người Việt chúng ta từng sống vì nhau và yêu thương nhau hơn thế, chỉ đến thời công nghệ 4.0, hình như bệnh vô cảm mới lây lan, và thế giới của tuổi trẻ bây giờ có cách đối thoại khác, có khi ngồi bên nhau mà vẫn mỗi người "ôm" một chiếc điện thoại "chít chát", chứ không nói với nhau bằng tiếng người, tiếng của hơi thở trong ngực áo!
Con đường dẫn đến ngôi đền ven đảo có rất nhiều ngõ nhỏ với những quán ăn như tôm hoàng đế, hàu nướng và các loại hải sản của biển đảo. Khi rong ruổi đến nhiều tỉnh, thành phố từ Hiroshima, tôi ghé thăm bảo tàng lịch sử về Thế chiến II, đài tưởng niệm chiến tranh ghi dấu ấn tại công viên thành phố lớn.
Tôi tạm biệt ngôi đền sau hai cái vỗ tay. Đi giật lùi, rồi cắm cúi sang tỉnh Tottori, tạm biệt hòn đảo Miyajima tuyệt đẹp với những món ngon ẩm thực mang hương vị Nhật Bản. Tottori cũng là đảo có nhiều món ngon như cua hoàng đế, tôm hoàng đế chấm với mù tạt, thịt bò nướng hành tây và các loại bánh lê, kem lê. Nơi này còn có một bảo tàng văn hóa chuyên đề chỉ giới thiệu lê.
Lê và vườn lê là đặc sản của xứ này. Lữ khách có thể trải nghiệm du lịch nhà vườn chuyên đề về lê, trái thơm vàng và thưởng thức quả thoải mái ngay tại vườn. Khách châu Á nói chung và người Việt nói riêng đều rất thích thú với điểm đến thăm vườn lê, tự hái trên cây rồi ngồi ăn phía dưới. Phía ngoài vườn lê trĩu quả là những vườn lê khác có tuổi cây chưa đến ngày ra quả, xanh mướt mát, được nhân giống rộng ở nơi đây để kinh doanh du lịch.
Không đi giật lùi mà nhìn xe du lịch chạy hàng trăm cây số, ở bất cứ đâu trên đảo, cũng thấy luật giao thông ở nước bạn thật đáng kính nể. Xe lớn nhường cho xe con, họ luôn nhường đường cho nhau. Cũng từ cách xếp hàng khi mua hoa quả, rau trái, đều thấy người Nhật luôn vì người trước khi vì mình. Những ngôi làng biển của tỉnh lỵ, đặc biệt nhỏ, nhưng ngăn nắp. Khu vệ sinh sạch như khách sạn 5 sao. Ngay cả ở thành phố, các chung cư cũng không hề thấy ban công đua ra, nhô ra lõm vào như ở Việt Nam. Đâu đâu cũng thấy nhà nhỏ và thẳng thớm, sạch sẽ và sắp xếp khoa học từ nhà ra vườn.
Tôi không đi giật lùi mà thấy mình đang giật lùi, người Việt mình giật lùi, cách rất xa so với nước bạn. Phải nhìn cách ứng xử của người Nhật, để trông người mà ngẫm đến ta. Vì sao họ có trách nhiệm công dân trước cộng đồng như vậy? Họ sống lặng lẽ, không cao giọng to tiếng chốn đông người. Họ dùng vừa đủ khi ăn, không lấy thừa mứa rồi bỏ đó như một số vị khách người Hoa, người Việt. Nhưng họ cũng không trách khách Trung Hoa hay khách Việt khi ăn sóng nói gió, khi tắm suối khoáng nóng cũng vậy. Họ ứng xử vừa đủ, nhã nhặn và để đối phương tự nghĩ.
Tôi đã đi tắm nước khoáng nóng ở hòn đảo này, phòng tắm ít người, có những cánh hoa hồng trải trên mặt nước. Không gian ấm, thoáng, đủ để người ta sống trong tĩnh lặng thư thái. Nhưng chỗ nào có người Hoa thì người Nhật tránh đi tắm ở bề khác, đơn giản lặng lẽ không nói gì, không tỏ thái độ. Mới hay cách ứng xử ấy khiến người tinh ý sẽ xấu hổ lắm, vì sao họ lại tránh mình, mình nói to rồi “tám” cũng cao giọng, khiến người bên cạnh khó chịu. Tôi lại nhìn ra được cách xử sự thật tế nhị của người Nhật, không thích thì tránh đi.
Có thể nói người dân vùng biển Tottori rất hiếu khách, bãi biển đầy chim hải âu. Họ khai thác biển, tổ chức tour du lịch làm bạn với hải âu trên sóng; khai thác du lịch từ lịch sử, đền đài, lâu đài, hoa ngân hạnh mùa xuân; khai thác du lịch từ vườn lê và sa mạc cát. Tôi đi xa để đi giật lùi nhìn lại mình, thấy nước mình có tài nguyên, biển đẹp lắm, thung lũng hoa, cao nguyên đá, ngay dưới chân mình. Nhưng không đi một ngày đàng thì làm sao hiểu thấu được, làm sao biết trân quý vẻ đẹp thiên nhiên dưới chân ta, đất nước Việt của ta rực rỡ biết bao nhiêu?