Tháng hai này đang rét lộc, mưa như rây bột và rét cũng vừa đủ cho gió nồm ẩm ướt. Ở chợ, hoa hồng đắt lên và rau cũng đắt lên, giá cũng đẩy lên vì dịch Corona. Một cú điện thoại lúc nửa đêm, ở đầu dây bên kia: “Valentine ơi, mai lên với chị, cho chị quyển sách của em, còn chị phần cho em ít vỏ quýt hôi đúng quýt Bắc Kạn 100% thái nhỏ để dành làm chả rươi nhé. Thời tiết thế nào mà tháng hai cũng có rươi bán ở chợ, vùng nước lợ rươi nổi quanh năm. Ăn rươi tình yêu nhé".
Chẳng ai nghĩ quà tặng là từ một bà bán nước tuổi tám mươi từng chạy chợ, bán nước vối ở chợ Bắc Qua, sau bán nước vối ở vỉa hè gần ngôi đền Bạch Mã. Bà vừa bán nước vừa ghi số đề, tự kiếm sống. Bà là bạn hàng xóm láng giềng của tôi bao nhiêu năm ở phố Hàng Buồm. Hồi tôi lấy chồng, nghèo lắm, không có nhà nên ở nhờ trên nóc khu vệ sinh của Hội Văn nghệ Hà Nội, số 19 Hàng Buồm.
Chúng tôi ở từ năm 1985. Dù chỉ có 9 năm sinh sống phố cổ, nhà chật 8 mét vuông mà phải đi qua ba lần khóa của mới vào đến cửa nhà mình. Có lúc giật đứt giây chuông khi quên chìa khóa cổng vẫn chưa thấy chồng ra mở cửa. Tôi không cáu mà chỉ cúi xuống nhận lỗi vì quên mang chìa. Chín năm ở phố cổ, tôi chẳng biết ngày tình yêu là gì. Vì mỗi ngày cứ 2 giờ sáng phải dậy bơm nước. Phải dải dây bơm nước 80 mét, chờ đến 4 giờ sáng mới có 1 phuy nước để dùng trong một ngày, nấu ăn và giặt giũ.
Có một năm, hai vợ chồng tôi làm báo đều không nhớ ngày Valentine, mà chỉ thấy đêm ngày 13 tháng 2 năm…, chồng tôi (nhà văn Triệu Bôn) cặm cụi một mình dải 80 mét dây bơm nước từ nhà ra hè phố, rồi quấn dây lại, hì hụi cả đêm một mình để cho vợ ngủ. Không quà tặng, không một bông hoa hai mươi năm chung sống, có mỗi một lần chồng tặng vợ một đêm ngủ trọn giấc không phải dậy bơm nước trong 9 năm sống ở phố cổ, nhà cổ.
Nghĩ đến những năm tháng ở Hàng Buồm, nơi không có cát, không có nước, khác gì sa mạc phố. Ngày nóng phải đem hết nồi niêu, xoong chậu ra đặt dưới gậm giường, có ngày đi xin từng bát nước để rửa mặt cho con. Nửa đêm, dậy sớm 1 giờ sáng bơm nước, thấy hai chị em - con chị Liên khênh cái ghế dài, hai đứa trẻ khênh ghế có lúc đặt xuống nằm lăn ra giữa đường. Chị Liên quát tháo con, chúng như trứng gà trứng vịt mới chịu khiêng tiếp.
Có hôm nhà tôi bơm nước xong còn vào nhà ăn mì tôm, có hôm không còn mì tôm vì nhường cho ông ăn mày ở chợ Bắc Qua ngủ nhờ mái hiên của Hội quán bên đường. Sau đó anh Bôn uống tạm chén nước lọc đi ngủ. Giấc ngắn để dậy đi làm. Thế mà Hàng Buồm của Valentine, tôi từng gắt chồng: “Sao anh cứ đứng nói chuyện dông dài với cái ông ăn mày thế? Anh có biết hôm nay là ngày tình yêu không?”.
Chồng tôi ngạc nhiên, bước qua ba dấu chấm tình yêu: “Ơ, em chớ có coi thường ăn mày nhé, anh không dông dài, mà là anh đang trò chuyện với nhân vật của anh đấy, mì tôm mua chưa em, cho bác ấy hai gói đi em, ngày này, bác ấy không có tình yêu. Anh và em tặng hẳn hai gói mì tôm cho bác ấy đi”.
“Em biết không, anh giặt quần áo cho hai mẹ con, nhờ cái máy nước công cộng ở góc chợ Bắc Qua, chính là nhờ bác ăn mày chỉ cho đấy”.
Có những lần, phố Hàng Buồm mất nước sạch vài ngày, nhà tôi khăn gói vào cái rổ xảo rõ to, chuẩn bị một miếng ni lông để lót rổ, thay chậu, nhờ cái máy nước chỉ chỏ của bác ăn mày để xách can nước, giặt giũ đêm hôm. Tình yêu của vợ chồng tôi dành cho nhau lại là chuyện nhờ vả bác ăn mày chỉ cho cái máy nước ở góc chợ. Sung sướng hỉ hả vì được mặc sạch sẽ thơm tho. Anh dặn: “Sau này em chớ có xem thường khi người ta cơ hàn”.
Chồng tôi tặng tôi món quà ngày tình yêu là chỉ có vài lời như thế. Tôi im, đem chuyện bác ăn mày ra kể với chị Liên, chị ấy bảo: “Lão ấy tên Tiệm, nhưng sống tử tế ra phết, có hôm xin được lộc ở đền Hàng Đường, đem tất cho con nhà tớ. Chắc đêm đói không biết có về xin mì tôm của bác Bôn không?”. Tôi chỉ biết: thế ạ, thế ạ.
Chị Liên số cũng truân chuyên, chồng mất rất sớm, một nách ba đứa con nhỏ, có một cái quán chè chén, mấy bao thuốc lá Tam Thanh với thuốc lá Thủ đô mà nuôi chúng khôn lớn, có công ăn việc làm ổn cả.
Hồi đó căn phòng ở nhờ, giột nát 8 mét vuông còn có một cái sân sau, sân xinh xinh tiếp giáp với hai cửa sổ nhà hàng xóm. Đúng kiểu gần nhà xa ngõ. Nhà bác Cảnh và nhà chú Dân. Mẹ chú Dân nấu các món thịt kho đậu xị hay phở vịt quay xứ Lạng thì tôi phải hỏi cách nấu rất nhiều lần. Qua cái cửa sổ song sắt ấy, bà mẹ chú Dân chỉ cho tôi cách nấu mì vằn thắn sao cho ngon, bánh bao và cách muối trứng vịt để làm nhân thế nào. Những món ngon của người Hoa phố Hàng Buồm rất đáng để học.
Chứ kể những món ăn thuần Việt biết nấu ngon cũng phải công phu tỉ mỉ, nấu kỹ mới ngon được. Bà bảo tôi chịu khó đi chợ sớm ven chợ Bắc Qua, chỉ cần qua Ô Quan Trưởng là đầy rau cá thịt, giá bán buôn bằng giá bán lẻ. Sống ở Hàng Buồm, ít tiền khéo mua khéo nấu là ngon lắm. Con khỏe không phải đến bệnh viện. Bà mẹ chú Dân dặn thế. Tôi nghe bà dạy món há cảo khi nào vặn to lửa bếp dầu, khi nào vặn nhỏ lửa để có món cá om xương nhừ, muốn ăn nhanh cho thêm miếng đu đủ xanh, thì chóng ăn cá om mà không phải gỡ xương. Nhiều lắm, nỗi nhớ láng giềng phố Hàng Buồm.
Valentine chỉ có một ngày của năm, mà tình yêu thì cần một đời. Một lần cũng ngày Valentine mà chồng tôi đi công tác tận Sài Gòn, con lên cơn sốt cao, co giật, chú Dân phải cạy cục, dựng cả nhà gọi đồng thanh “ông Chử ơi ông Chử”, ông bảo vệ mở cửa để giúp tôi đưa con đi cấp cứu. Những ngày ấy đối với tôi là ngày tình yêu láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, tôi sống gần với những người chạy chợ.
Vợ chú Dân, cô Thịnh bán bánh mì ở bến xe Giáp Bát, cứ 3 rưỡi sáng nhà tôi dọn máy bơm thì cô Thịnh đi làm. Cô xuống tận ga Giáp Bát bán bánh mì. Có một lần con gái nhắc cô Thịnh quà của bố Dân tặng mẹ là cái đồng hồ đánh chuông kia, để mẹ sớm hôm chạy chợ nuôi con ăn học, cô Thịnh bảo: "Hôm nay là ngày gì?".
"Ơ, thế mẹ không biết à? Ngày tình yêu đấy"
"Ôi dào vẽ vời. Hôm nay ở bến xe có đứa trẻ cướp giật hai cái bánh mì một ngàn đồng, thấy chú bảo vệ đuổi giữ lại, mẹ nói tha cho đứa trẻ, còn cho nó một cái bánh, dặn: “Lần sau đói bụng, đến đây cô cho 1 chiếc, đừng làm thế người ta đánh cho thì mẹ cháu xót ruột lắm”. Tính đòi một cái bánh để bán lấy vốn, rồi mẹ lại cho luôn ông bố đang bế con đi bệnh viện. Ngày hôm nay không có lãi, nhưng vui, giúp được người, sau này các con ra đường có ngã, mẹ không lo không có người đỡ".
Đấy là Valentine của cô Thịnh chạy chợ, còn chị Liên thì Valentine của chị càng không bao giờ có quà, không có hoa, chị chỉ mong bán nước đủ tiền đong gạo cho con là tình yêu lớn nhất. Tôi mang sách lên cho chị Liên, nghe chị gọi “Valentine ơi, em lên với chị đấy à?”, gặp nhau mặt cười như hoa nở.
Lại nói về hàng xóm cũ, về tình yêu của ông họa sỹ Nguyễn Đình Phúc dành cho bà Nguyễn Thị Bảo, bao năm chật hẹp từng sống trên căn gác số 13 Hàng Buồm. Hai ông bà chỉ có một chiếc giường một, đêm đêm phải nằm trở đầu đuôi. Bao năm, ông vẽ chân dung hàng trăm nhân vật nghệ sỹ nổi tiếng nước Việt. Bao năm, nhạc sỹ của bài hát Lời du tử, bất tử. "Chiều nay biết về nơi đâu, dừng chân nơi ấy lòng bao la buồn…", chị Liên hát. Valentine tình yêu, dù chị chẳng có học hành gì cao, chẳng có bằng cấp gì, nhưng rất chịu khó đọc sách, nghe nhạc.
Chị kể chuyện tình yêu của họa sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc ở số 13; chuyện về nhà văn Hà Minh Tuân; nhà thơ Mai Hồng Niên ở số nhà 55, chuyện về nhà văn Triệu Bôn ở 19 Hàng Buồm. Bốn người cùng phố, họ đã về thế giới bên kia cả rồi. Nước mắt chúng tôi cùng rơi, nhớ về những người nghệ sỹ tài hoa, cùng khổ bao nhiêu năm của thời bao cấp khốn khó mà không bỏ nghề. Đó là tình yêu văn hóa, tình yêu đồng loại không có barie, rào chắn, trong gió rét mưa phùn, chuyện của 1980 thế kỷ trước xin sẽ viết tiếp ở một bài không phải ngày Valentine.