Tại tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, thời gian qua, đa số chủ đầu tư dự án và các doanh nghiệp bất động sản đều làm ăn chân chính, đúng luật nhưng đã xuất hiện một số chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp dịch vụ môi giới có những hoạt động kinh doanh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến tính minh bạch, bền vững của thị trường bất động sản.
Ông Châu cho rằng, đó là hành vi bán chênh, thế chấp dự án và căn hộ đã bán cho người tiêu dùng, một căn hộ bán cho nhiều người, giao nhà không đúng tiến độ, không đảm bảo chất lượng như đã cam kết, doanh nghiệp môi giới mạo nhận là chủ đầu tư dự án, hoặc có những thủ đoạn, đưa thông tin không đúng sự thật về dự án nhằm mục đích lừa dối khách hàng.
Chủ tịch HoREA lấy dẫn chứng cụ thể về trường hợp của địa ốc Alibaba mà Hiệp hội đã phát đi cảnh báo. Theo đó, HoREA đã chỉ ra địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII - 3, có diện tích 97,58ha, pháp lý: sổ đỏ thổ cư 100%", thuộc Khu đô thị Tây Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.
Hiệp hội khẳng định, dự án này cũng chưa được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chưa được giải phóng mặt bằng, chưa làm cơ sở hạ tầng, chưa có văn bản của Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, nên Địa ốc Alibaba, Alibaba Tây Bắc TP.HCM không có quyền công bố dự án, không có quyền huy động vốn kể cả hình thức đặt cọc giữ chỗ.
Trước đó, Chủ tịch HoREA cũng đã phát đi cảnh báo khẩn cấp với người tiêu dùng về trường hợp 2 công ty môi giới là Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát và Công ty Việt Hưng Phát có dấu hiệu lừa đảo khách hàng.
Theo ông Châu, 2 công ty môi giới đã dùng những thủ đoạn như đổi tên dự án, đổi tên chủ đầu tư để khách hàng không tìm được chủ đầu tư thật sự.
Thậm chí, công ty môi giới còn tự ý vẽ lại quy hoạch 1/500, thêm thắt nhiều tiện ích không có trong dự án hay nâng giá bán so với giá chủ đầu tư đưa ra từ 100 – 200 triệu đồng. Các dự án có những lùm xùm này nằm tại huyện Nhơn Trạch, Long Thành và Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai.
Ngoài ra, công ty môi giới trên còn dùng “chim mồi” để dẫn dắt khách hàng đi các dự án khác với dự án được giới thiệu ban đầu. Chẳng hạn phía môi giới mời khách hàng đi mua đất quận 2, đón khách lên xe rồi nói chỗ này đất đã bán hết hàng, dùng "chim mồi" hỏi còn chỗ nào khác thì dẫn đi xem. Tiếp theo đó, họ dẫn đoàn đi Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom…
Liên quan đến tình hình điều tra Địa ốc Alibaba, ông Nam cho biết: “Hiện nay, Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi đang kêu gọi nhà đầu tư. Khu đất mà Alibaba cho rằng mình là chủ đầu tư thì qua kiểm tra xác minh, thu thập hồ sơ, khu đất này thành phố chưa chấp thuận giao cho Alibaba làm chủ đầu tư. Việc công ty đứng ra huy động tiền khách hàng ký phiếu đặt cọc giữ chỗ với danh nghĩa chủ đầu tư là trái pháp luật”, Thanh tra Sở Xây dựng khẳng định.
Ông Nam thông tin thêm, hiện nay, khu đất trên chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng, hiện còn nhiều hộ dân sinh sống. Trên cơ sở thông tin của báo chí, Hiệp hội, chỉ đạo của Sở, Thanh tra Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc để có hướng tìm ra giải pháp xử lý theo pháp luật.
“Công ty chưa là chủ đầu tư của dự án này, tự phân chia quy hoạch, vẽ sơ đồ nền để huy động phiếu cọc của người dân là không đúng. Với vai trò Thanh tra sở, chúng tôi có thông tin chính thức như vậy. Mong các doanh nghiệp đầu tư bất động sản trên địa bàn thành phố đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để không có Alibaba thứ 2”, ông Nam chia sẻ.
Ngoài việc xử lý hành chính, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã phát hiện hàng loạt hành vi vi phạm địa ốc Alibaba. Cụ thể, địa ốc Alibaba không chỉ vi phạm huy động vốn sai quy định đối với bất động sản hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh bất động sản, mà còn vi phạm một số quy định khác.
Hiện Sở Xây dựng đang tập hợp hồ sơ và lấy ý kiến các sở, ngành để xác định xử lý sai phạm đối với Địa ốc Alibaba. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng cũng tham mưu và báo cáo UBND Thành phố để có hướng xử lý đối với Địa ốc Alibaba.
Tuy nhiên, theo ông Nam, khi Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM yêu cầu Địa ốc Alibaba hợp tác, cung cấp hồ sơ để thuận lợi cho công tác điều tra, Địa ốc Alibaba vẫn cố tình không hợp tác.
Được biết, cho đến thời điểm bị phát hiện hành vi sai phạm, Địa ốc Alibaba và Công ty Alibaba Tây Bắc TP.HCM đã thu tiền giữ chỗ của hơn 400 khách hàng. Vào ngày 26/11 vừa qua, bất chấp mọi cảnh báo và chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước, Công ty này vẫn ngang nhiên tổ chức buổi bán hàng tập trung quy mô lớn, giới thiệu dự án Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại buổi lễ này, Alibaba vẫn cho khách hàng đặt cọc giữ chỗ, có rất nhiều khách hàng không chỉ đặt cọc 1 nền mà đặt từ 5-7 nền.