Aa

Địa ốc Long Thành giá cao, sốt ảo

Thứ Ba, 02/07/2019 - 14:11

Từ đầu năm 2019, khi chính quyền tỉnh Đồng Nai nới lỏng việc kiểm soát, thị trường bất động sản huyện Long Thành tiếp tục dậy sóng với cảnh tự vẽ dự án, đẩy giá cao, gây sốt ảo.

Loạn giá, dự án tự vẽ

Bất động sản Long Thành trước đây không hề được chú ý, nhưng cách đây 4 năm, khi Dự án Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua, đất ở khu vực này bắt đầu tăng giá. Các dự án chỉ là phân lô từ đất nông nghiệp, giá lúc đầu chỉ vài trăm ngàn đồng/m2, nhưng được đẩy lên 5 triệu đồng/m2 vào năm 2016 và tới năm 2017, đã lên tới 10 triệu đồng/m2, đẩy thị trường vào cảnh sốt ảo.

Chính vì sự phát triển sôi động, tự phát, phá vỡ quy hoạch của thị trường bất động sản Long Thành, nên tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành đã có nhiều động thái siết lại thị trường, như cấm phân lô bán nền, cấm giao dịch bất động sản tại đây. Những cố gắng này đã có hiệu quả khi thị trường Long Thành được hạ nhiệt ngay sau đó.

Tuy nhiên, từ tháng 11/2018 tới nay, khi Dự án thu đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Chính phủ phê duyệt, thì giá đất nơi đây lại bước vào thời kỳ tăng nóng.

Đặc biệt, khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính để phục vụ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính thức được công bố, thì bất động sản khu vực này lại lên cơn sốt.

Thị trường bất động sản huyện Long Thành tiếp tục dậy sóng với cảnh tự vẽ dự án, đẩy giá cao, gây sốt ảo.

Thị trường bất động sản huyện Long Thành tiếp tục dậy sóng với cảnh tự vẽ dự án, đẩy giá cao, gây sốt ảo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sôi động nhất là khu vực xung quanh quy hoạch sân bay Long Thành. Tuy nhiên, vì khu vực này đang bị địa phương kiểm soát khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, nên việc ra dự án mới gặp khó khăn, giao dịch chủ yếu ở các dự án phân lô trước đó.

Giá đất tại đây đang được giao dịch quanh mức 14 triệu đồng/m2, trong khi năm 2018, khi thị trường đóng băng, giá chào bán chỉ từ 7 đến 9 triệu đồng/m2.

Trên các tuyến đường nhỏ khu vực xã An Lộc (một trong những xã giáp Quốc lộ 51), những biển hiệu của các công ty bất động sản, môi giới địa ốc mọc lên như nấm. Ghé vào một sàn môi giới cạnh chợ An Lộc, phóng viên được một nhân viên môi giới tên Thúy giới thiệu một dự án khu đô thị cao cấp gần sân bay Long Thành.

Đưa chúng thôi tới một khu đất đang được đào bới để làm đường nội khu và lắp ống nước, Thúy giới thiệu, dự án này có hơn 200 nền, hiện mở bán được 4 ngày và đã bán được hơn 50 nền. Diện tích mỗi nền là 5x20m, 4x20m, giá chào bán từ 1,3 - 1,4 tỷ đồng. Nếu khách đồng ý mua thì đặt cọc trước 40%, sau 3 tháng có sổ riêng thì thanh toán toàn bộ.

Gần khu vực này, cũng có một nhóm môi giới khác giới thiệu những lô đất rộng 100m2 với giá 1,6 tỷ đồng/lô. Một nhân viên tên Tùng khoe đã bán được hơn 200 lô, hiện chỉ còn lại 2 lô là đất của khách Hà Nội gửi bán. Liên hệ với UBND xã Lộc An để xác minh tính pháp lý của các dự án này, chúng tôi được ông Nguyễn Tấn Long, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết, không nắm được các dự án nêu trên.

Theo ông Mai Văn Thắng, Giám đốc một công ty bất động sản tại Long Thành, các dự án trên đều phát triển từ các khu đất trồng cây cao su, cây ăn quả lâu năm. Sau đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp mua lại các lô đất này với giá chỉ vài trăm ngàn tới hơn 1 triệu đồng/m2 rồi tự vẽ quy hoạch và bán dự án. Khách hàng mua chủ yếu là dân đầu cơ thứ cấp tại TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai… không hề có người mua ở thực.

Kiểm soát dự án “ma”

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, các dự án “ma” phát triển chủ yếu ở huyện Long Thành. Điểm chung của các dự án này là xây dựng trên đất nông nghiệp, có diện tích không lớn, sản phẩm chủ yếu là phân lô bán nền, chưa làm hạ tầng, pháp lý không có, các đơn vị bán chủ yếu là công ty mới thành lập.

Phương thức làm các dự án trên là một cá nhân đứng tên mua đất với diện tích lớn, rồi giao cho công ty môi giới phân lô bán. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản nêu rõ, muốn làm dự án bất động sản để bán thì pháp nhân phải là một công ty có ngành nghề đăng ký là kinh doanh bất động sản phát triển, chứ không phải là cá nhân.

Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2019 tới nay, tỉnh đã xử phạt hành chính 4 dự án tại huyện Long Thành vì xây dựng, phát triển trái phép. “UBND tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân khi muốn giao dịch mua bán đất, cần hỏi cán bộ địa phương để tránh thiệt hại”, ông Chánh nói.

Theo ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, huyện chưa phát sinh bất kỳ dự án phân lô bán nền nào mới từ tháng 5/2018 tới nay. Cơ quan chức năng của huyện đang lập hồ sơ chuẩn bị cưỡng chế một số trường hợp xây dựng trái phép, trong đó có dự án của Công ty Alibaba. Một số cán bộ tại địa phương đã bị kỷ luật vì liên quan tới việc để dự án “ma” phát triển rộng khắp.

Lượng hồ sơ xin chuyển nhượng đất tăng cao

Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Long Thành cho biết, trong tháng 4 và tháng 5/2019, Văn phòng đã tiếp nhận gần 2.800 hồ sơ xin chuyển nhượng đất. Trong đó, chỉ riêng tháng 5, con số hồ sơ mà Văn phòng tiếp nhận là gần 1.600, tăng gấp 1,5 lần so với những tháng trước đó.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top