Aa

Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR): Sẽ mở rộng quỹ đất KCN và kho vận, phát triển chuỗi giá trị bất động sản khép kín

Thứ Tư, 24/04/2024 - 05:50

Theo định hướng đề ra đến năm 2030, SCR sẽ là một công ty địa ốc khép kín bao gồm BĐS công nghiệp, dân dụng và kho vận. Để thực hiện mục tiêu này, công ty sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất, hướng đến năm 2025 đạt 2.000ha đất khu công nghiệp và giai đoạn 2025 - 2026 đạt 1 triệu m2 sàn kho.

Dự đoán thị trường bất động sản vẫn gặp khó, SCR đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2024 đi ngang

Sáng 23/4, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - HOSE: SCR) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 và thông qua các tờ trình quan trọng. Cuộc họp có sự tham dự của 171 cổ đông (trực tiếp và ủy quyền), đại diện 276 triệu cổ phần, tương đương 50,72% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Về tình hình sức khoẻ doanh nghiệp và những kết quả đã đạt được trong năm vừa qua, trong bối cảnh thị trường nói chung và ngành bất động sản 2023 nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của SCR lần lượt thực hiện được đạt 68,7% và 81,8% kế hoạch.

Đặc biệt, trong 3 năm vừa qua, thị trường bất động sản gặp khó ở tất cả các khâu (pháp lý, vốn, tâm lý thị trường) dẫn đến tình hình kinh doanh khó khăn. Chính vì vậy, HĐQT trình cổ đông sẽ không chia cổ tức, giữ lại toàn bộ lãi sau thuế lũy kế hơn 406 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh.

Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR): Sẽ mở rộng quỹ đất KCN và kho vận, phát triển chuỗi giá trị bất động sản khép kín- Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, phát biểu tại đại hội với tư cách cổ đông lớn. Ảnh: TM

"Có thể thấy kết quả những năm gần đây và 2023 cả ngành địa ốc rất khó khăn, 36 ngàn cổ đông có thể thấy những khó khăn đó và có những điều không hài lòng với kết quả báo cáo với cổ đông. Nói lên vấn đề này không phải chúng tôi bảo vệ những gì chúng tôi không làm được mà chúng ta phải đối chiếu với bối cảnh chung của ngành", ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC chia sẻ với vai trò cổ đông lớn của TTC Land.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của công ty tăng thêm 9,7% lên khoảng 940 tỷ đồng, chủ yếu tăng trả trước cho người bán. Cơ cấu tài sản có sự chuyển dịch từ dài hạn (chiếm tỷ trọng 29,2%) sang ngắn hạn (chiếm tỷ trọng 61,9%). Nợ phải trả tăng hơn 19% lên 883 tỷ đồng, tương đương 47,7% nguồn vốn.

Theo đánh giá của HĐQT, cơ cấu tài chính giai đoạn 2022 - 2023 không biến động quá nhiều nhưng công ty sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức khá lớn, nợ vay hiện khá cao, tồn kho chiếm 48,6% tài sản ngắn hạn, tiền và tương đương tiền ở mức thấp nên có thể rủi ro về thanh toán trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, trong bức tranh hoạt động kinh doanh có phần ảm đạm, năm 2023 vẫn có một số điểm sáng: SCR đã ký kết hợp đồng tổng thầu với Coteccons, Ngân hàng BIDV chi nhánh Mỹ Đình sẽ là đối tác tài trợ vốn cho dự án TTC Plaza Đà Nẵng, làm việc với Aeon Mall Việt Nam để ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác dự án này vào đầu năm 2024. Bên cạnh đó, công ty đã tái khởi động mở bán dự án Panomax River Villas.

Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR): Sẽ mở rộng quỹ đất KCN và kho vận, phát triển chuỗi giá trị bất động sản khép kín- Ảnh 2.

Trong năm 2023, SCR đã tái khởi động mở bán dự án Panomax River Villas.

Ở thời điểm đầu năm 2024, nền kinh tế và thị trường bất động sản đã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn sẽ còn khó khăn. Do đó, ban lãnh đạo CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín đặt mục tiêu kinh doanh năm nay đạt 705 tỷ đồng doanh thu thuần và 16 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 90% về doanh thu và tương đương lợi nhuận đạt được ở năm 2023.

Để đạt được mục tiêu kể trên, TTC Land sẽ tập trung công tác bán hàng và nghiên cứu chiến lược kinh doanh các dự án trọng điểm như: TTC Plaza Đà Nẵng, Panomax River Villas, Selavia Phú Quốc…

Trong chiến lược đến năm 2030, TTC Land sẽ mở rộng thêm mảng bất động sản công nghiệp, bất động sản dân dụng và bất động sản kho vận tại khu vực phía Nam.

Cụ thể, doanh nghiệp nhận thấy, phân khúc bất động sản khu công nghiệp và hậu cần trở nên vượt trội hơn hầu hết loại tài sản khác, nhờ vào sự phát triển của ngành sản xuất và xuất khẩu, thương mại điện tử, vận tải và kho bãi kể từ năm 2018. Nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới Việt Nam như một điểm đến mới cho việc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á và dự báo thị trường bất động sản công nghiệp sẽ tăng trưởng ít nhất 2 lần trong 10 năm.

Cùng với đó, tỷ lệ hấp thụ nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhờ thị trường hưởng lợi từ việc dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhu cầu thuê kho sẽ tiếp tục được duy trì bởi tiêu dùng trong nước, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam và sự tăng trưởng của thị trường logistics và thương mại điện tử. Như vậy, theo định hướng chiến lược trên, bất động sản công nghiệp và bất động sản kho vận sẽ là sự cộng hưởng để TTC Land tiếp tục mở rộng phát triển.

Chiến lược đến năm 2030, TTC Land là một công ty bất động sản khép kín

Tại phiên thảo luận Đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông về hoạt động trong năm 2024 để mang lại lợi nhuận, đại diện TTC Land cho biết, hiện công ty đã triển khai loạt dự án để bán hàng gồm văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại tại Đà Nẵng; dự án Panomax River Villas, dự án Selavia Phú Quốc và hoàn thiện pháp lý dự án ở TP.HCM.

Về định hướng phát triển mảng bất động sản công nghiệp, ông Nguyễn Thành Chương, tân Chủ tịch HĐQT TTC Land (bắt đầu từ ngày 23/4/2024, thay cho bà Huỳnh Bích Ngọc) chia sẻ, chiến lược đến năm 2030, TTC Land là một công ty bất động sản khép kín. Toàn tập đoàn TTC đến nay có khoảng 1.300ha và hơn 700.000m2 kho vận, mục tiêu đến năm 2025 đạt 2.000ha đất khu công nghiệp và giai đoạn 2025 - 2026 đạt 1 triệu m2 sàn kho.

Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR): Sẽ mở rộng quỹ đất KCN và kho vận, phát triển chuỗi giá trị bất động sản khép kín- Ảnh 3.

Ảnh minh họa: VnExpress

Đồng thời, chú trọng phát triển khu công nghiệp đi kèm phát triển dân cư, tái định cư. Theo ông Chương, điều này rất phù hợp với định hướng phát triển TTC Land vì mục tiêu của công ty không chỉ gói gọn ở thị trường TP.HCM mà còn phát triển ra các tỉnh vùng ven ở miền Nam.

Cũng trong phiên thảo luận, khi đưa ra những giải pháp để thị giá cổ phiếu SCR không đi lùi, ông Đặng Văn Thành cho biết, việc cổ phiếu giảm là trong bối cảnh chung của thị trường. 

"Năm 2024 được dự báo là năm bản lề của Địa ốc Sài Gòn Thương Tín khi các nút thắt về pháp lý đã dần được tháo gỡ với việc Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua. Điều này sẽ tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng cho các chủ đầu tư có hồ sơ pháp lý và năng lực tốt có thể triển khai dự án. 

Ngoài ra, 2024 cũng được dự đoán là một năm khởi sắc hơn cho kinh tế thế giới cũng như Việt Nam khi các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có nhiều dư địa giảm lãi suất sau một thời gian duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Đó là những yếu tố thuận lợi mà Ban lãnh đạo TTC Land đã xác định, coi đó là cơ hội để chuẩn bị cho một cuộc bứt phá cho chu kỳ thịnh vượng tiếp theo của ngành bất động sản'', Chủ tịch Tập đoàn TTC chia sẻ. 

Ông Đặng Văn Thành cũng cho biết thêm, định hướng đến năm 2030, TTC Land sẽ M&A trong hệ sinh thái và hợp tác với đối tác ngoại./.

Trước đó, ngày 12/4, bà Huỳnh Bích Ngọc đã có đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và hai thành viên HĐQT gồm ông Hoàng Mạnh Tiến, bà Trần Diệp Phượng Nhi cũng đã có đơn từ nhiệm trong cùng ngày vì lý do cá nhân. Do đó, các cổ đông tiến hành bầu bổ sung nhân sự mới.

Ông Nguyễn Thành Chương là Chủ tịch HĐQT TTC Land từ ngày 23/4/2024. Ông Võ Thanh Lâm là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty.

Hai nhận sự được đề cử và trúng cử vào HĐQT gồm: Ông Phạm Trung Kiên (chuyên gia kiểm toán nội bộ CTCP Đầu tư Thành Thành Công), ông Lê Quang Vũ (Phó Tổng Giám đốc CTCP Khu công nghiệp Thành Thành Công).


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top