Thị trường giảm sút
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, TP.HCM chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND Thành phố công nhận chủ đầu tư với quy mô diện tích chỉ có 2,2ha và 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018.
Tại Hà Nội, trong cùng thời gian, số lượng mở bán mới là 6 dự án, con số rất thấp so với cùng kỳ các năm 2016 - 2018.
Sự chững lại của 2 thị trường bất động sản lớn nhất nước không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, mà còn ảnh hưởng tới các ngành nghề phụ trợ, liên quan như vật liệu xây dựng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sáu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thạch cao Gypro Việt Nam (chuyên sản xuất về gạch không nung, tấm tường thạch cao, kết cấu thép) cho biết, doanh thu công ty giảm sút đến 30% so với cùng kỳ năm 2018, sản xuất cầm chừng. Số lượng các đầu mối tiêu thụ vật liệu xây dựng đang tạm ngưng không có công trình mới, chỉ các công trình đang làm dở hoặc nhà dân cư mới mua hàng.
“Ảnh hưởng của thị trường bất động sản tác động rất lớn đến thị trường vật liệu xây dựng. Bán chậm, thu hồi công nợ kém, có vẻ như các doanh nghiệp bất động sản thiếu tiền, mọi thứ đều rất chậm”, ông Sáu nói và cho biết thêm, tiêu thụ chậm nên giá bán vật liệu xây dựng cũng giảm, thậm chí xuống dưới giá thành.
Cụ thể, gạch không nung giá bán tại nhà máy là 850 đồng/viên, trong khi giá thành sản xuất là 900 đồng/viên. Nếu vận chuyển đến công trình, thì giá là 1.000 đồng/viên.
Theo khảo sát của phóng viên cuối tuần qua trên các tuyến phố bán vật liệu xây dựng tại Hà Nội như Cát Linh, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... thấy rất vắng khách.
Trao đổi với phóng viên, đại diện cửa hàng phân phối vật liệu xây dựng Quang Thu (phố Cát Linh) cho biết, những năm trước thường vào thời gian cuối quý III là thị trường nhộn nhịp vào mùa, nhưng năm nay lèo tèo.
“Thị trường vật liệu xây dựng là một bức tranh muôn hình vạn trạng, có vui có buồn, có thăng, có trầm. Thế nhưng, chưa bao giờ người kinh doanh mặt hàng này lại đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Thậm chí, chúng tôi đã phải dừng hoạt động nhà máy sản xuất gạch siêu nhẹ được đầu tư cả trăm tỷ đồng. Sự cầm chừng của thị trường bất động sản dẫn đến thị trường vật liệu xây dựng cũng long đong theo”, đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật và Thương mại Trường Hải chia sẻ.
Theo vị này, không chỉ riêng công ty ông, mà nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng khác cũng rơi vào cảnh “cầm hơi”. Hiện nay, do sức mua không cao, nên giá bán ra của các mặt hàng chỉ tăng nhẹ, thậm chí nhiều mặt hàng như gạch không nung phải giảm giá để cạnh tranh với gạch đất nung. Vì vậy, đối với các đơn hàng có giá trị lớn còn có chút lãi, còn với những người mua lẻ, số lượng nhỏ, thì chỉ là bán để giữ khách là chủ yếu. Các doanh nghiệp sản xuất gạch, đá xây dựng cũng khá vất vả do nhu cầu thấp.
“Nếu bình thường cùng một lò đốt chúng tôi làm đến 3 ca, thì hiện nay chỉ còn 1 ca để giữ chân công nhân và các mối hàng. Nếu tính chi phí, mỗi tuần doanh nghiệp mất 7,5 triệu đồng tiền nhóm lò, như vậy mỗi tháng mất khoảng 200 triệu đồng”, vị này xót xa.
Phải đa dạng thị trường
Không chỉ các loại vật liệu xây dựng, mà các vật liệu hoàn thiện, nội thất cũng gặp khó khăn theo khi tiêu thụ chỉ cầm chừng ở những công trình nhà dân nhỏ lẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Kinh doanh Chi nhánh miền Trung Hãng Sơn Zaro, nguyên nhân của sự trầm lắng này là do thị trường bất động sản chững lại, ít dự án bất động sản được triển khai mới, khiến nhu cầu giảm.
“Các công trình lớn ngày càng ít, còn những công trình đang xây thì cũng đã có “mối” hết rồi. Chúng tôi chỉ trông chờ vào những hộ dân xây nhà ở cá nhân. Bán buôn mà lúc nào cũng ngóng người mua như thế này thì cũng đủ thấy khốn khó thế nào rồi”, anh Việt, chủ cửa hàng kinh doanh gạch lát nền trên phố Trường Chinh (Hà Nội) tâm sự.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, đại diện Công ty Cổ phần Gỗ An Cường cho rằng, thị trường đồ nội thất tuy có chậm, nhưng lượng tiêu thụ vẫn tốt. Nhu cầu thay mới, mua mới vẫn ổn định.
Dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ sự chững lại của thị trường bất động sản, nhưng nếu nhanh nhạy, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng vẫn tìm được đầu ra tốt cho sản phẩm của mình, trong đó đáng kể là các công trình đầu tư công, các nhà máy, xí nghiệp… Chẳng hạn, Chương trình xây dựng nông thôn mới là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất xi măng tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, để vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động trong việc tìm kiếm thị trường nước ngoài. Tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành vật liệu xây dựng ở nước ngoài, đầu tư hơn nữa cho việc quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam, tích cực liên hệ với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để được tư vấn, giới thiệu các cơ hội hợp tác kinh doanh.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sáu cho biết, ngoài việc sản xuất cầm chừng, giữ mối, Công ty đang tìm kiếm thêm các đối tác, thị trường nước ngoài, tuy nhiên cũng chỉ với số ít sản phẩm, ví dụ như tấm tường thạch cao.
“Trước thực trạng này, chúng tôi kiến nghị với cơ chức năng cần thực hiện nghiêm các quyết định, nghị định, kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng đã đề ra, như việc cấm gạch đỏ, đẩy mạnh gạch không nung”, ông Sáu kiến nghị.