Thời điểm đầu năm 2020, thị trường bất động sản ghi nhận có khoảng 50% lực lượng môi giới bất động sản hưởng kỳ nghỉ Tết dài bất đắc dĩ. Một số quay trở lại thành phố nhưng không có việc làm nên tìm nghề khác làm tạm như buôn bán, livestream hoặc đi phát tờ rơi… Đến hiện tại, cận kề Tết Tân Sửu, dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng hơn những lần trước, giới chuyên gia dự báo thị trường bất động sản lại chịu ảnh hưởng sau một thời gian phục hồi. Điển hìn tại một số địa phương, thị trường bất động sản dừng hoạt động, nhân viên môi giới tại các sàn giao dịch đã buộc phải nghỉ tết sớm, thậm chí có lo ngại kỳ nghỉ tết năm nay sẽ còn dài hơn năm trước.
Anh Trần Văn Toàn, một nhân viên môi giới làm việc trong một công ty bất động sản ở Hà Nội nhớ lại, cũng vào thời điểm này năm ngoái, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, toàn bộ hoạt động của công ty nơi anh làm việc đều tê liệt bởi dịch bùng phát. Mỗi ngày nhân viên vẫn đến công ty đều đặn nhưng không có việc để làm. Đa phần môi giới chỉ đến công ty cho vui, một số ngồi máy tính xem phim cả ngày vì không có sự kiện, không có sản phẩm, cũng không có khách hàng hỏi mua đất, mua nhà trong thời điểm dịch bùng phát.
Anh cho biết, vì sốt ruột muốn kiếm tiền nên anh và nhiều đồng nghiệp khác liên tục gọi điện, nhắn tin cho các mối quen để giới thiệu các sản phẩm căn hộ trên thị trường thứ cấp nhưng hầu hết khách hàng đều từ chối gặp mặt do lo sợ lây nhiễm dịch.
Chưa kịp hồi lại sau nhiều lần bùng dịch thì thời điểm cận Tết năm nay, dịch lại bùng phát, khiến công ty anh phải cho nhân viên nghỉ sớm để tiết kiệm các chi phí văn phòng. Anh Toàn chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ thấy nghề môi giới lại khó khăn như thời gian vừa qua. Đến giờ dịch lại bùng và lan rộng, đúng là khó khăn này chưa qua mà khó khăn khác đã tới. Cả mấy tháng nay không có đồng thu nào rồi. Cứ tưởng năm 2021 mọi chuyện sẽ khá lên nhưng ngay từ đầu năm đã không có dấu hiệu khả quan nào. Kiểu này khi qua mùa dịch có khi phải kiếm nghề khác mà làm thôi”.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hải, một nhân viên môi giới tự do cũng cho biết cả anh và nhiều đồng nghiệp đều không có thu nhập kể từ sau Tết Nguyên đán năm 2020. Trong thời điểm dịch bùng phát ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, bất động sản vốn đã khó khăn nay càng lâm vào cảnh tê liệt, nhân viên cũng khổ sở theo vì không có giao dịch. Theo lời Hải, nhiều đồng nghiệp của anh đã quyết định bỏ nghề chuyển qua kinh doanh mặt hàng khác hoặc xin vào các siêu thị làm thu ngân, chạy xe công nghệ, giao hàng…
“Giờ chỉ chờ qua Tết năm nay, hy vọng thị trường sẽ có những biến chuyển tốt hơn khi dịch được kiểm soát”, anh Hải than thở.
Còn anh Vũ Đức Toản, môi giới nhà đất tại Quảng Ninh cho biết chỉ cách đây 1 tuần, khách anh chăm sóc nhiều lần hẹn lịch xuống dự án để tham quan căn hộ mẫu. Tuy nhiên, thời điểm gần đến ngày khách xuống xem thì dịch bùng phát ở cảng Vân Đồn, khách đã gọi lại, thông báo do dịch bệnh nên hạn chế ra ngoài sẽ để qua tết. Dù anh có thuyết phục khách là thời điểm cuối năm, dự án rất vắng người nhưng khách vẫn từ chối với lý do không muốn tiếp xúc với nhiều người và hẹn sẽ báo lại lịch sớm nhất. Không riêng gì anh Toản mà rất nhiều nhân viên môi giới tại các sàn đã “trở tay không kịp” khi dịch Covid-19 xuất hiện và lan rộng.
Ghi nhận trước đó từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong năm 2020, sau khi dịch bùng phát đợt 1, trong khoảng 1.000 sàn hoạt động trong lĩnh vực môi giới, đã có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản, tức hơn 300 sàn phải đóng cửa. Ngoài ra, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Một số sàn vẫn còn hoạt động là do có những hợp đồng bán. Và đến khi dịch bùng phát trở lại lần 2, lần 3, nhiều sàn giao dịch tại các địa phương gần như “ồ ạt” đóng cửa”.
Báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, có khoảng 80% sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới thất nghiệp…
Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BHS, hoạt động môi giới có những nét đặc thù rất khác các hoạt động kinh doanh khác, khi thị trường trầm lắng, nhiều sàn có thể tự giải thể, dừng hoạt động, nhưng chỉ cần thị trường sôi động trở lại các sàn sẽ lại hồi phục nhanh chóng khi các sàn nhỏ lẻ đa số đều là do một nhóm môi giới quen biết nhau hình thành nên rất cơ động.
Do vậy, sau khi dịch được kiểm soát, các chính sách mới được ban hành nếu hỗ trợ nhà đầu tư sát thực tế sẽ tạo ra ngay các tín hiệu tích cực cho thị trường cũng như tạo động lực cho hoạt động của môi giới bất động sản trở lại.