Aa

Dịch vụ lưu trú tại Hà Nội vẫn chờ thời phục hồi

Thứ Hai, 14/08/2023 - 06:15

Với những chính sách hỗ trợ tích cực từ nhà nước kèm dự báo FDI tích cực, thị trường khách sạn và căn hộ dịch vụ dự kiến hồi phục hoàn toàn sau năm 2024.

Nguồn cung khách sạn tăng trở lại

Trong nửa đầu năm 2023, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục đón những tín hiệu tích cực. Theo báo cáo của Savills Việt Nam, nửa đầu năm vừa qua Việt Nam đón 70 triệu lượt khách du lịch, đạt 63% chỉ tiêu của năm 2023. Trong đó, lượt khách nội địa tăng 5% theo năm, đạt 64 triệu lượt. Lượng khách quốc tế tăng 826% theo năm, đạt và 5,6 triệu lượt. Tỷ trọng khách Hàn Quốc dẫn đầu, chiếm 29% tổng lượng khách quốc tế, theo sau là Trung Quốc với 10% và Mỹ với 7%.

Số liệu cho thấy, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu doanh thu du lịch trong 6 tháng đầu năm 2023. Theo UBND thành phố, trong nửa đầu năm 2023, ngành du lịch Thủ đô đã đón 10,3 triệu lượt khách nội địa, tăng 22,6% so với cùng kỳ và 2,03 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch tại Hà Nội ước đạt 44.880 tỷ đồng, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Sự quay trở lại của ngành du lịch đồng thời tác động tích cực tới hoạt động của thị trường khách sạn. Theo Báo cáo thị trường quý II/2023 của Savills, nguồn cung khách sạn tại thị trường Hà Nội đã tăng 7% theo quý và 10% theo năm, đạt 10.962 phòng. Giá thuê trung bình đạt mức 2,5 triệu đồng/phòng/năm, tăng 26% theo năm sau phục hồi giảm tốc.

Tuy nhiên, tốc độ phục hồi này được đánh giá còn chậm, chưa thể đạt mức trước đại dịch. Tại thị trường Hà Nội, công suất phòng trong quý II/2023 đạt 62%, thấp hơn nhiều so với mức 73% của cùng kỳ năm 2019. Tốc độ phục hồi một phần bị ảnh hưởng bởi số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng.

Lotte Mall West Lake Hanoi bắt đầu mở cửa thử nghiệm từ 28/7, chào đón người dân và khách du lịch đến tham quan, mua sắm và tận hưởng các dịch vụ đa dạng trước khi chính thức khai trương vào 22/9 tới.

Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, số lượng khách du lịch quốc tế tới Hà Nội có tăng, nhưng chưa đạt mức trước dịch. Đặc biệt đối với khách du lịch Trung Quốc, sau khi chính thức mở lại các đường bay quốc tế vào tháng 3/2023, chỉ có khoảng 55.000 lượt du khách tới Việt Nam, thấp hơn 77% so với nửa đầu năm 2019.

Kích cầu tăng độ mở cho ngành du lịch

Để kích cầu du khách nước ngoài đến Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt trong đó là ưu đãi về thị thực.

Cụ thể, từ ngày 15/8 tới, Việt Nam sẽ tăng thời hạn thị thực từ mức 30 ngày với giá trị một lần nhập cảnh lên mức 90 ngày và nhiều lần nhập cảnh. Chính sách này được hy vọng sẽ làm tăng độ mở cho ngành du lịch, tạo cơ hội phát triển đột phá trong thời gian tới.

Bên cạnh những chính sách ưu đãi, ngành du lịch Hà Nội cũng có nhiều chương trình quảng bá, các hoạt động trải nghiệm để tăng sức hút đối với khách du lịch quốc tế và trong nước thông qua các sản phẩm du lịch hấp dẫn, các tour khám phá văn hóa độc đáo.

Ngoài ra, theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, từ nay đến cuối năm 2023, để thu hút khách du lịch tới Hà Nội, đơn vị sẽ tổ chức thêm nhiều sự kiện, chương trình, lễ hội quảng bá du lịch Thủ đô.

Theo ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành, Savills Việt Nam, dù chính sách thị thực mới sẽ hỗ trợ tăng trưởng, nhưng thị trường khách sạn tại Hà Nội dự kiến chỉ phục hồi hoàn toàn sau năm 2024.

Từ nay đến cuối năm 2023, Hà Nội sẽ đón thêm nguồn cung mới từ các thương hiệu khách sạn quốc tế với L7 West Lake Hà Nội được vận hành bởi Lotte sẽ đi vào hoạt động với 264 phòng tại quận Tây Hồ. Giai đoạn 2024-2025, thị trường dự kiến sẽ đón thêm hơn 2.600 phòng tới từ nhiều thương hiệu quốc tế khác nhau. Điển hình như Dusit Hà Nội – Từ Hoa Palace, Fairmont Hotel, Shilla Hotel, Four Seasons và Hyatt Regency.   

Trong khi phân khúc khách sạn phải sang tới cuối năm 2024 để hoàn toàn hồi phục, mảng căn hộ dịch vụ lại được dự báo có triển vọng khả quan. Theo báo cáo của Savills, vốn FDI đăng ký trong nửa đầu năm 2023 đạt mức 13,4 tỷ USD trên cả nước với vốn FDI đăng ký mới tăng 31% theo năm. Trong đó Hà Nội ghi nhận lượng FDI đăng ký cao nhất, theo sau là TP.HCM, Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng. Singapore là quốc gia đầu tư lớn nhất, chiếm 22% tỷ trọng, theo sau là Nhật Bản với 16% và Trung Quốc với 15%.

Tỷ lệ lấp đầy căn hộ dịch vụ tại Hà Nội trong quý II/2023 đạt 82%, tăng 2 điểm theo quý và 6% điểm theo năm. Giá thuê trung bình đạt 572.000 đồng/m2/tháng, tăng 3% theo quý và theo năm. Về triển vọng tương lai, 4.013 căn hộ sẽ được giới thiệu tại thị trường. Trong đó, quận Tây Hồ sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 45% tổng nguồn cung tương lai.

Ngoài ra, chuyên gia Savills cũng dự đoán, việc dự án Vành đai 4 được khởi công và dự kiến thông xe vào năm 2027, sẽ hỗ trợ tăng kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh công nghiệp như Bắc Ninh và Hưng Yên, tạo nên nguồn cầu hấp dẫn của căn hộ dịch vụ đối với các chuyên gia nước ngoài hoạt động tại các địa phương này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top