Aa

“Điểm mặt chỉ tên” những chung cư nợ quỹ bảo trì tại TP. Hà Nội

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Năm, 14/10/2021 - 15:30

“Cuộc chiến” tranh chấp quỹ bảo trì nhà chung cư là câu chuyện diễn ra gay gắt nhiều năm nay. Điều đáng nói, không chỉ những chủ đầu tư bé mà cả những chủ đầu tư tên tuổi cũng “om” quỹ, chây ì nhiều năm liền.

Theo quy định tại Điều 108, Luật Nhà ở năm 2014, kinh phí bảo trì chung cư, chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích bán, cho thuê. Khoản tiền này được tính vào tiền bán, tiền thuê mua nhà mà người thuê, mua phải đóng khi nhận bàn giao và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán. Khi Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải có trách nhiệm chuyển cho Ban quản trị gồm cả lãi suất để quản lý, sử dụng.

Quy định là vậy nhưng thực tế vẫn còn hàng trăm nhà chung cư ở Hà Nội chậm trễ thành lập Ban quản trị nhà chung cư và bàn giao quỹ bảo trì 2%, kéo theo nhiều hệ lụy trong bảo đảm quyền lợi chính đáng của cư dân và tranh chấp kéo dài giữa cư dân với chủ đầu tư, làm “xấu xí” bộ mặt đô thị.

Cụ thể, theo Sở Xây dựng TP. Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố mới thành lập được 632/833 Ban quản trị nhà chung cư, bàn giao hồ sơ 560/632 Ban quản trị, bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho 399/526 Ban quản trị (không bao gồm 106 toà nhà chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2005, do không có kinh phí bảo trì).

Như vậy, tại Hà Nội hiện còn khoảng 201 toà chung cư chưa thành lập Ban quản trị; 72 toà nhà chưa bàn giao hồ sơ và 127 toà nhà chưa bàn giao quỹ bảo trì 2%. Trong đó, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Thanh Xuân được đánh giá là 3 quận còn tồn tại nhiều nhất.

bảo trì
Tại Hà Nội hiện còn 201 toà chung cư chưa thành lập Ban quản trị; 72 toà nhà chưa bàn giao hồ sơ và 127 toà nhà chưa bàn giao quỹ bảo trì 2%. (Ảnh minh hoạ)

Trước thực trạng này, vào tháng 3/2021, sau một thời gian vào cuộc, tiến hành kiểm tra từ cuối năm 2020, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có kết luận “điểm mặt chỉ tên” 21 toà nhà của 15 chủ đầu tư có nhiều vi phạm, thiếu sót, tồn tại trong lĩnh vực quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, tại 21 toà chung cư này có nhiều chủ đầu tư vẫn quản lý khoản tiền phí bảo trì, gửi không kỳ hạn tại ngân hàng để lấy lãi. Có trường hợp, chủ đầu tư bàn giao chậm hoặc bàn giao không đầy đủ phí bảo trì toà nhà. Một số khác, do chủ đầu tư và Ban quản trị không thống nhất được phân chia diện tích chung - riêng, diện tích được chủ đầu tư giữ lại nên không quyết toán được, khiến chậm bàn giao phí bảo trì 1 - 3 năm. Vì vậy, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu 15 chủ đầu tư trả lại 250 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì cho 21 chung cư.

Cơ quan chức năng cũng quyết định xử phạt hành chính một số chủ đầu tư gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông; Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Xuân Mai; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản HTL Việt Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC; Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng; Công ty cổ phần Xây dựng, Đầu tư bất động sản Việt Minh Hoàng, với tổng số tiền 820 triệu đồng.

bđs
Không chỉ những chủ đầu tư bé mà cả những chủ đầu tư lớn, tên tuổi cũng “om” quỹ bảo trì, chây ì nhiều năm liền. (Ảnh minh hoạ)

Đến tháng 7/2021, kết thúc 6 tháng thanh tra đầu năm 2021, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ký ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 ban quản trị tại 24 nhà chung cư/cụm nhà chung cư; buộc 12/18 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán để chuyển ngay cho Ban quản trị nhà chung cư với tổng số kinh phí bảo trì hơn 344,96 tỉ đồng.

Có thể kể đến như chung cư Riveside Garden (số 349 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân) chủ đầu tư là Liên danh Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Prosimex và Công ty cổ phần Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Videc) đã quản lý kinh phí bảo trì không đúng quy định. Thời điểm thanh tra tháng 11/2020, chủ đầu tư đang quản lý kinh phí bảo trì tại tài khoản của chủ đầu tư với lãi suất không kỳ hạn. Đến tháng 12/2020, chủ đầu tư còn “om” hơn 13 tỷ đồng phí bảo trì trên tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng đã thu của khách hàng.

Hay với Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng yêu cầu quyết toán, bàn giao nốt 13,2 tỷ đồng quỹ bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư.

Trước đó, vào ngày 27/3/2020, UBND TP. Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 1270 xử phạt Công ty TNHH Hòa Bình do vi phạm hành chính về quản lý sử dụng nhà chung cư Hòa Bình Green City. Theo đó, Công ty Hòa Bình bị phạt vi phạm hành chính với số tiền 125 triệu đồng. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, Công ty Hòa Bình vẫn không thực hiện việc nộp phạt. 

Như vậy, có thể thấy thực trạng bài toán phí bảo trì tại TP. Hà Nội đang diễn biến rất phức tạp trong nhiều năm nay. Không chỉ các chủ đầu tư bé mà kể cả những chủ đầu tư có tên tuổi với chung cư “dát vàng” cũng thiếu trách nhiệm, thậm chí là chây ì trong việc bàn giao quỹ bảo trì./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top