Aa

Diễn biến lãi suất và tỷ giá phụ thuộc vào động thái của Fed

Thứ Tư, 24/01/2024 - 16:33

PSG.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong năm nay, thì sẽ tác động tích cực lên lãi suất, tỷ giá và xuất khẩu của Việt Nam.

PV: Dự báo của ông về khả năng giảm lãi suất của Fed trong thời gian tới ra sao?

PSG.TS. Nguyễn Hữu Huân: Mặc dù Fed đã đưa ra tín hiệu về khả năng sẽ giảm lãi suất USD, nhưng điều này cũng còn phụ thuộc vào lạm phát của Mỹ có giảm hay không. Tình hình trong tháng 12/2023 cho thấy, lạm phát của quốc gia này chưa thực sự giảm như kỳ vọng. Vậy nên, chúng ta cũng chưa thể chắc chắn Fed có giảm lãi suất USD trở lại trong năm nay hay không và nếu có giảm, cũng chưa hẳn sẽ giảm 3 lần như thông tin trước đó.

PV: Theo ông, liệu việc giảm lãi suất USD có sớm diễn ra trong năm 2024?

PSG.TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, sẽ có hai kịch bản xảy ra. Nếu Fed giảm lãi suất như đã công bố hoặc có thể giảm nhiều hơn, thì đây được xem là kịch bản tốt nhất cho kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Khi Fed đảo chiều chính sách và dần nới lỏng chính sách tiền tệ, sẽ làm cho lãi suất USD giảm trở lại, dòng tiền tốt hơn, tạo ra dư địa cho các ngân hàng trung ương trên thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ.

Hiện nay, đa phần các ngân hàng trung ương thế giới đang thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Nhưng một khi lạm phát hạ nhiệt, các ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng dần chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất. Như vậy, dòng tiền sẽ chảy nhiều hơn, người dân cũng chi tiêu nhiều hơn, nên sẽ tăng được tổng cầu, từ đó kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế Mỹ, có cơ hội hồi phục.

Diễn biến lãi suất và tỷ giá phụ thuộc vào động thái của Fed- Ảnh 1.

PSG.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường, Trường đại học TP.HCM

Việc Fed “hạ cánh mềm” được là một tín hiệu tốt cho kinh tế thế giới. Ngược lại, nếu lạm phát Mỹ vẫn cao, Fed sẽ “hạ cánh cứng” để thắt chặt lạm phát, ngăn chặn suy thoái. Theo tôi, tuy xác suất xảy ra kịch bản này thấp hơn kịch bản thứ nhất, nhưng vẫn có rủi ro, vì tình hình địa chính trị trên thế giới còn phức tạp.

Nếu tình hình địa chính trị còn phức tạp hơn ở Trung Đông, sẽ tác động đến giá dầu, thì khả năng lạm phát sẽ quay lại. Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga - Ukaraine không biết khi nào kết thúc cũng sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu và rủi ro còn tồn tại trong thời gian tới.

PV: Tình hình đó sẽ tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam trong năm nay, thưa ông?

PSG.TS. Nguyễn Hữu Huân: Nếu Fed giảm lãi suất và giảm 3 lần trong năm nay, sẽ tác động tích cực lên kinh tế. Kinh tế thế giới hồi phục thì xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng trở lại, tác động tích cực làm cho kinh tế trong nước hồi phục nhanh hơn. Trong điều kiện đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện nay, nhằm tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, cũng như người dân chi tiêu nhiều hơn, nếu có thêm các biện pháp kích cầu nội địa.

Ngược lại, nếu Fed chưa giảm lãi suất USD như dự kiến và tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, diễn biến địa chính trị khu vực Trung Đông chưa hết căng thẳng, sẽ tác động lên chi phí logistics của doanh nghiệp, xuất khẩu trong nước sẽ càng khó hơn.

PV: Ông nhận định thế nào về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024?

PSG.TS. Nguyễn Hữu Huân: Tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam dự kiến đạt 6% và kịch bản tốt là 6,5%, nhưng theo tôi, sẽ phục hồi dần chứ không thể nhanh được. Do đó, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế khả năng cũng chưa thể kỳ vọng ở mức cao.

Giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cần khôi phục thị trường trái phiếu để doanh nghiệp có thể huy động được vốn trung và dài hạn qua thị trường này, vì ngân hàng chủ yếu hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top