Kỳ nghỉ lễ cuối năm dường như đang đến sớm đối với thị trường tài chính toàn cầu khi tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra tín hiệu rằng chiến dịch tăng lãi suất đã kết thúc và dự báo lãi suất có thể giảm 0,75 điểm phần trăm vào năm 2024.
Như vậy, việc giảm lãi suất của Hoa Kỳ đã được định hình, nhưng Fed thậm chí còn tỏ ra ôn hòa hơn những gì các nhà giao dịch mong đợi, Chủ tịch Fed - Jerome Powell đã thay đổi đáng kể quan điểm xung quanh chính sách tiền tệ. Trước đó, ông khẳng định còn quá sớm để suy đoán về thời điểm cắt giảm lãi suất, nhưng vào ngày 13/12 ông tiết lộ rằng Fed đã thảo luận về thời điểm họ nên bắt đầu chính sách nới lỏng.
Đối với thị trường, sự thay đổi chính sách có tác động rất lớn, ngoài việc dự đoán lạm phát sẽ giảm thêm vào năm tới, ông Powell còn bày tỏ lạc quan về việc suy thoái kinh tế có thể được ngăn chặn. Điều này củng cố nhận thức rằng nền kinh tế Mỹ đang hướng tới một cú “hạ cánh nhẹ nhàng”.
Theo dữ liệu của Bloomberg, thị trường đã có một “ngày của Fed” tốt nhất kể từ năm 2009, với tất cả các loại tài sản chính đều tăng ít nhất 1% trước chính sách ôn hòa từ cơ quan này.
Bên cạnh đó, kết quả cuộc thăm dò mới nhất của Bank of America (BoA) đối với các nhà quản lý quỹ toàn cầu được công bố hôm 19/12, cũng cho thấy tâm lý lạc quan nhất trong gần hai năm. Theo đó, 2/3 số người được khảo sát dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ hạ cánh mềm, 80% dự đoán lạm phát sẽ thấp hơn, trong khi một tỷ lệ lớn số người tin rằng, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ thấp hơn kể từ bây giờ.
SCMP đưa tin, không thể phủ nhận về sự tích cực đang lan rộng, lạm phát chung ở khu vực đồng Euro đã giảm xuống chỉ còn 2,4%, cao hơn một chút so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu và giảm từ mức hơn 10% một năm trước. Tại Hoa Kỳ, lạm phát ở mức 3,1%, so với 3,9% ở Anh. Đáng chú ý, cuộc suy thoái được nhiều người mong đợi ở Mỹ có thể không bao giờ thành hiện thực. Người tiêu dùng Mỹ đang chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể, được hỗ trợ bởi thị trường lao động mạnh mẽ.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nicholas Spiro tại công ty tư vấn Lauressa Advisory cho rằng đi cùng sự tích cực cũng có rất nhiều lý do để thận trọng, trong bối cảnh nhiều nhà quản lý quỹ đang đặt cược vào lạm phát thấp hơn, cắt giảm lãi suất quyết liệt và tăng trưởng tốt.
Thứ nhất, trong khi các ngân hàng trung ương hàng đầu khẳng định cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa giành được thắng lợi, thì thị trường đang hành xử như thể đó là điều đã hoàn thành. Nhiều nhà đầu tư hiện nay tin rằng lạm phát chỉ là nhất thời mặc dù nó đang dai dẳng hơn nhiều so với dự kiến và lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao.
“Tháng trước, lạm phát cơ bản của Mỹ (loại trừ giá thực phẩm và năng lượng) đã tăng tốc. Tại các nền kinh tế phát triển, tiền lương đang tăng với tốc độ cao hơn nhiều so với mục tiêu của ngân hàng trung ương. Hơn nữa, một khi lạm phát đã bùng phát sẽ rất khó để điều chỉnh trở lại. Rủi ro đáng kể vào năm 2024 là giá cả sẽ tăng cao, nhất là trong bối cảnh môi trường địa chính trị biến động khó lường và mức độ lạm phát dịch vụ gia tăng”, ông Nicholas Spiro khuyến cáo.
Thứ hai, con đường hạ cánh mềm là khá hẹp. Thực tế lịch sử cho thấy, rất khó để ngăn chặn lạm phát mà không gây ra tình trạng thất nghiệp gia tăng và suy thoái nghiêm trọng, trong khi tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Mặc dù nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối kiên cường, nhưng khu vực đồng Euro có thể sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật, nghĩa là sản lượng sụt giảm trong hai quý liên tiếp trong những tháng cuối năm nay khi nước Anh đã trì trệ một thời gian.
Ngay cả ở Mỹ, Fed dường như đang quan tâm đến tăng trưởng hơn lạm phát. Chủ tịch Powell cho biết, ông lưu tâm đến nguy cơ giữ lãi suất ở mức cao quá lâu và Fed sẽ cần bắt đầu thực hiện chính sách nới lỏng trước khi lạm phát về mức 2%, vì sợ hoạt động kinh tế chậm lại quá mạnh. Sự nhạy cảm ngày càng tăng của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đối với tăng trưởng, đã khiến các nhà đầu tư trái phiếu định giá việc cắt giảm lãi suất mạnh mẽ thường liên quan đến suy thoái kinh tế.
Thứ ba, sự thay đổi chính sách bất ngờ của Fed đã dẫn tới việc nới lỏng hơn nữa các điều kiện tài chính. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn đã giảm xuống 3,8% từ mức khoảng 5% vào cuối tháng 10, đồng đô la Mỹ tiếp tục suy yếu và chứng khoán Mỹ đạt mức cao mới, trong khi chênh lệch trái phiếu doanh nghiệp thu hẹp.
“Các điều kiện tài chính lỏng lẻo hơn tạo ra sự thúc đẩy cho hoạt động kinh tế, khiến việc kiềm chế lạm phát trở nên khó khăn hơn và có khả năng buộc Fed phải thắt chặt chính sách một lần nữa”, vị chuyên gia lưu ý.
Mới đây, nhà kinh tế Torsten Slok của Apollo Global Management đã lưu ý trong một báo cáo được công bố vào đầu tuần rằng: “Việc xoay trục chính sách đã làm phức tạp thêm mục tiêu của Fed là đưa lạm phát trở lại mức 2%. Khi chúng ta bước vào năm 2024, thái độ ôn hòa rất có thể bị đảo ngược khiến Fed trở nên “diều hâu” hơn”.
Có thể thấy, hành động của Fed cho đến nay đã tránh được việc hạ cánh cứng cho nền kinh tế Mỹ là một điều đáng ghi nhận. Nhưng như các chuyên gia phân tích, việc hạ cánh mềm sẽ là không dễ và các thị trường đang kỳ vọng vào cuộc suy thoái một cách nhẹ nhàng của Mỹ vào năm tới./.