Aa

Điều chỉnh 3 luật về bất động sản có hiệu lực sớm: Cần bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý

Thứ Sáu, 21/06/2024 - 07:55

Theo các Đại biểu Quốc hội, việc điều chỉnh Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sớm có hiệu lực thi hành là phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, Chính phủ cần tập trung hơn nữa, đẩy mạnh việc chỉ đạo xây dựng các văn bản dưới luật, chú trọng đảm bảo chất lượng của các văn bản khi ban hành.

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 20/6, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (gọi tắt là dự thảo Luật sửa đổi).

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật do Chính phủ trình được bố cục thành 05 Điều, sửa đổi theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024. Riêng khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai đề xuất có hiệu lực từ ngày 01/1/2025.

Theo các ĐBQH, mục đích ban hành Luật sửa đổi lần này nhằm đưa các nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành; đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Luật sửa đổi còn có vai trò nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm được tiếp cận chính sách đổi mới theo hướng có lợi như: chính sách nhà ở xã hội, chính sách đất ở đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Điều chỉnh 3 luật về bất động sản có hiệu lực sớm: Cần bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý - Ảnh 4.
Điều chỉnh 3 luật về bất động sản có hiệu lực sớm: Cần bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý - Ảnh 5.
Điều chỉnh 3 luật về bất động sản có hiệu lực sớm: Cần bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý - Ảnh 6.

Các Đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang thảo luận. (Ảnh: quochoi.vn)

Bên cạnh đó, quan điểm sửa đổi phù hợp với chủ trương của Đảng về hoàn thiện đồng bộ hệ thống luật pháp, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Vì vậy, các ĐBQH đều nhất trí cao sự cần thiết ban hành dự thảo Luật sửa đổi và sớm đưa Luật đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và chất lượng của dự án Luật sau khi ban hành, các đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung hơn nữa, đẩy mạnh việc chỉ đạo xây dựng các văn bản dưới luật, các văn bản hướng dẫn triển khai chi tiết để các luật sớm đi vào thực tiễn, chú trọng đảm bảo chất lượng của các văn bản khi ban hành. Cùng với đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nhận diện rõ, đầy đủ rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp của các luật, chủ động có các giải pháp xử lý, khắc phục; bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp…

Đặc biệt, các Đại biểu đề nghị Chính phủ phải cam kết chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và Nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành của các luật. Chính phủ cần phải đưa ra cam kết rõ ràng gắn với trách nhiệm cụ thể của các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng… nếu để chậm tiến độ hoặc không đảm bảo chất lượng của các văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật thì sẽ như thế nào? Bởi việc xây dựng các văn bản dưới luật, các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Điều chỉnh 3 luật về bất động sản có hiệu lực sớm: Cần bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý - Ảnh 7.

Các Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Khánh Hòa thảo luận. (Ảnh: quochoi.vn)

Ngoài ra, các Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, báo cáo Quốc hội tính thống nhất về nội dung của 4 luật và giữa 4 luật với các luật khác trong hệ thống pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề xuất, Chính phủ cần thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, khả thi để thực thi pháp luật một cách đồng bộ, đảm bảo luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo ra tác động tích cực trong thực tiễn. Ngoài ra, cần sớm xây dựng hoàn thiện và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Minh Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cũng cho rằng, Chính phủ cần quan tâm đánh giá tác động một cách toàn diện khi các luật có hiệu lực thi hành sớm, trong đó cần tập trung làm rõ những tác động, ảnh hưởng và có giải pháp hướng tới đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật kịp thời, đầy đủ; chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo thực hiện liên quan đến tổ chức, nhân lực, nguồn lực.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top