Aa

Điều hành xuất khẩu gạo: Bộ Công Thương “dồn” Hải quan vào thế khó?

Thứ Năm, 23/04/2020 - 16:30

Việc điều hành xuất khẩu gạo rối như canh hẹ vừa qua, càng tìm hiểu chúng tôi càng phát hiện ra những vấn đề “chết người”, và nếu làm theo sáng kiến của Bộ Công Thương, hải quan sẽ vi phạm pháp luật (?!).

Từ công tác tham mưu xuất khẩu gạo có vấn đề…

Sở dĩ nói rối như canh hẹ là vì trong một thời gian ngắn, các chính sách về xuất khẩu gạo liên tục thay đổi.

Đầu tiên là “cú giật mình” của Bộ Công Thương khi thấy lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm tăng đột biến. Lo lắng ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, Bộ Công Thương vội vã đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo đến tháng 5.

Gạo đang xuất rất được giá, nhiều doanh nghiệp cho rằng, đáng lẽ phải chớp cơ hội này nâng giá để tranh thủ xuất trong lúc nhiều nước tăng nhập khẩu gạo để dự trữ đề phòng đại dịch Covid-19, thì lại phải tạm dừng, đó là một cái thiệt. Bà con nông dân được mùa, bán gạo đang “ngon trớn” thì đột nhiên chững lại và giá có chiều đi xuống, đó là hai cái thiệt…

Thế rồi, khoảng nửa tháng sau, khi có báo cáo của đoàn công tác liên bộ kiểm tra, rà soát về nguồn cung lúa gạo, tình hình xuất khẩu và dự trữ lưu thông…, kết hợp với báo cáo của các bộ ngành, Bộ Công Thương lại đề xuất cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4.

Lo lắng cho an ninh lương thực quốc gia trong tình hình đại dịch Covid-19, hạn hán và xâm nhập mặn là cần thiết. Nhưng trong một thời gian ngắn, chính sách thay đổi liên tục theo kiểu “giật cục”, mà nguyên nhân là do thiếu chủ động, không nắm chắc lượng lúa gạo trong nước khi đề xuất giải pháp chính sách, chứng tỏ công tác tham mưu có vấn đề.

Ảnh minh họa.

Chẳng thế mà ngày 21/4, Ủy ban Kinh tế Quốc hội phải có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bày tỏ quan điểm của thường trực Ủy ban liên quan đến những lình xình trong điều hành xuất khẩu gạo vừa qua.

Theo báo Tuổi trẻ online ngày 21/4, trong bản báo cáo này, thường trực Ủy ban Kinh tế kiến nghị xem xét và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định gây tổn hại đến lợi ích doanh nghiệp và người dân.

Tại báo cáo, thường trực Ủy ban Kinh tế nhận định, thời gian qua thị trường lúa gạo thế giới sôi động, giá tăng do diễn biến của dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia tăng lượng dự trữ.

Trong khi đó, vụ đông xuân 2020 nhiều hộ nông dân Việt Nam được mùa, có cơ hội bán lúa, gạo với giá cao. Các doanh nghiệp cũng có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới.

Nhưng công tác điều hành xuất khẩu đã khiến nhiều doanh nghiệp, cử tri và một số địa phương có văn bản, đơn thư, ý kiến tới Chính phủ, các bộ, ngành, thậm chí có đơn thư "cầu cứu". Các cơ quan truyền thông thời gian qua đã liên tục phản ánh vấn đề điều hành xuất khẩu gạo, cho rằng có chuyện gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân.

Qua thực tế đó, thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải đưa ra giải pháp điều hành công khai, minh bạch, có lộ trình cụ thể về xuất khẩu gạo năm 2020, tránh tình trạng bị động, manh mún, giật cục, gây thiệt hại, bị động cho nông dân và doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, với nội dung như kiến nghị của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cần thiết phải xem xét công tác tham mưu trong xuất khẩu gạo thời gian qua và kịp thời chấn chỉnh, nếu không muốn tiếp tục tái diễn tình trạng lộn xộn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân, thậm chí có thể còn tồi tệ hơn, trong thời gian tới.

…Đến “dồn” Hải quan vào thế khó (?!)

Khi công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4/2020 là 400.000 tấn, Bộ Công Thương cũng đề ra nguyên tắc điều phối hạn ngạch là "đăng ký tờ khai trước xuất trước". Do đó, dẫn đến hậu quả là khi hải quan bắt đầu chạy hệ thống thủ tục điện tử, tiếp nhận đăng ký xuất khẩu gạo theo hạn ngạch tháng 4 thì chỉ trong hơn 6 giờ đồng hồ, 400.000 tấn hạn ngạch đã được đăng ký hết. Điều trớ trêu là hàng trăm tấn gạo của nhiều doanh nghiệp đã chuyển ra cảng lại không đăng ký được tờ khai nên vẫn nằm "chết dí" tại cảng.

Thế là, các cơ quan mới đổ lỗi cho nhau về cách điều phối hạn ngạch. Bộ Tài chính cho rằng cần điều phối hạn ngạch theo một trong hai phương án, một là tổ chức đấu thầu hạn ngạch, hai là phân bổ hạn ngạch.

Còn Bộ Công Thương giữ quan điểm điều hành theo cách "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" (FCFS). Có chăng, Bộ này đề xuất thêm phải khai báo tên tàu và số hiệu container và không được điều chỉnh thông tin này.

Ảnh minh họa.

Chúng tôi xin trích nội dung này của Bộ Công Thương trong văn bản số 2806/BCT-XNK ngày 20/4/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ, nguyên văn như sau:

“Bộ Công Thương khẳng định phương thức FCFS, nếu được bàn bạc, phối hợp nghiêm túc với các Bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó bổ sung thêm một số giải pháp kỹ thuật đơn giản như bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu và số hiệu container trên tờ khai online và không cho phép sửa đổi các thông tin này, sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai giữ chỗ”.

Chúng tôi xin lưu ý, mấu chốt trong “sáng kiến” của Bộ Công Thương là “bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu và số hiệu container trên tờ khai online và không cho phép sửa đổi các thông tin này”.

Đọc đến đây, tôi thực sự giật mình. Vì được biết từ trước đến nay, các doanh nghiệp vẫn được sửa chữa, bổ sung tờ khai trước khi hải quan kiểm tra. Không tin vào mắt mình, tôi bèn vào trang Thư viện Pháp luật tìm Luật Hải quan thì thấy, khoản 4, Điều 29 ghi rõ ràng như sau:

“4. Người khai hải quan xác định có sai sót trong việc khai hải quan được thực hiện khai bổ sung trong các trường hợp sau đây:

a) Đối với hàng hóa đang làm thủ tục hải quan: trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan;

b) Đối với hàng hóa đã được thông quan: trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, trừ trường hợp nội dung khai bổ sung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm.

Quá thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này, người khai hải quan mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.

Nhiều container, ghe tàu chở gạo đang chờ làm thủ tục thông quan nhiều ngày qua. Ảnh: Tuổi trẻ.

Như vậy, đối với tờ khai xuất khẩu gạo, doanh nghiệp hoàn toàn được pháp luật cho phép “khai bổ sung”, kể cả về tên tàu và số hiệu container, chỉ cần việc bổ sung đó “trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan”. Thậm chí, nếu bổ sung sau thời điểm quy định trên cũng chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, chứ đâu có cấm đoán gì.

Thế mà đột nhiên, Bộ Công Thương lại có… sáng kiến “không cho phép sửa đổi các thông tin” trên tờ khai hải quan online, thì có khác gì nếu làm theo sáng kiến này, hải quan sẽ vi phạm pháp luật (?!).

Đến đây, tôi bỗng hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu hải quan làm đúng theo “nguyên tắc” do Bộ Công Thương đề ra. Chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không ngọng gì mà không kiện cáo rầm trời. Và một vụ bê bối xảy ra. Và mọi búa rìu dư luận, mọi tội lỗi lại đổ xuống đầu hải quan, cho dù nguyên tắc ấy do Bộ Công Thương đề ra. Cũng giống hệt như cách điều hành hạn ngạch tháng 4, Bộ Công Thương đề ra nguyên tắc “khai trước xuất trước” (FCFS) và khi hải quan thực hiện đúng theo nguyên tắc này thì xảy ra sự cố “mở tờ khai lúc nửa đêm”, và lập tức tội lỗi… đổ lên đầu hải quan vậy.

Còn lần này phát minh ra chuyện “bắt buộc khai báo tên tàu và không cho phép sửa đổi”, thực tình tôi không hiểu, Bộ Công Thương không nắm vững Luật Hải quan, hay biết nhưng vẫn cố tình…?

Khả năng thứ hai chắc chắn là không phải. Vậy chỉ còn khả năng thứ nhất?

Đến đây thì mọi người chắc đều hiểu, với cung cách làm việc như thế, thì việc điều hành xuất khẩu gạo thời gian vừa qua rối như canh hẹ và lúng túng như gà mắc tóc, là điều không có gì khó hiểu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top