Aa

Không đấu thầu hạn ngạch xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương muốn “chơi game show”?

Thứ Năm, 23/04/2020 - 06:00

Không đồng ý đấu thầu, cũng bác bỏ phương án phân bổ hạn ngạch, liệu tình trạng lộn xộn trong xuất khẩu gạo có được khắc phục trong thời gian tới? Câu trả lời vẫn hoàn toàn bỏ ngỏ.

Từ quy trình ngược…

Xung quanh câu chuyện xuất khẩu gạo gây bức xúc đối với cả doanh nghiệp, nông dân và dư luận, sau khi bác ý kiến của Bộ Tài chính, mới đây nhất, sáng 22/4/2020, Bộ Công Thương lại gửi công văn hỏa tốc đến Bộ này xin ý kiến gấp về hạn ngạch gạo ứng trước.

Cũng xin nói thêm về cái gọi là “hạn ngạch ứng trước” này để bạn đọc hiểu. Số là giật mình khi thấy xuất khẩu gạo tăng mạnh trong hai tháng đầu năm, Bộ Công Thương vội vã đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo đến tháng 5/2020. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sững sờ vì gạo đang bán được giá thì phải dừng lại. Nông dân cũng bất ngờ vì sau khi dừng xuất khẩu, giá gạo trong nước cũng xuống và người chịu thiệt hại trước tiên là nông dân.

Nhưng sau khi điều tra lại số gạo tồn thực tế trong dân và triển vọng thu hoạch vụ tới, thấy vẫn đủ dự trữ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và dư để xuất khẩu, Bộ Công Thương lại đề xuất cho tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ và hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 4 là 400.000 tấn.

Tình trạng lộn xộn bắt đầu từ đây. Có hạn ngạch nhưng hạn ngạch ấy không được phân bổ. Vậy là từ khi hệ thống thủ tục điện tử của hải quan mở cửa trở lại cho việc đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo, chỉ từ 0h đến 6h15 ngày 12/4, 400.000 tấn gạo hạn ngạch của tháng 4 đã được đăng ký gần hết.

Nhưng điều trớ trêu là ở chỗ, nhiều doanh nghiệp có gạo cần xuất ngay vì hợp đồng đã ký, gạo đã chuyển ra cảng, thậm chí đã xếp lên tàu… thì lại không kịp đăng ký tờ khai. Còn có doanh nghiệp đăng ký tờ khai, thậm chí với số lượng gạo lớn thì chưa chắc đã có gạo xuất ngay. Như vậy là có thể có tình trạng đăng ký kiểu xí chỗ, nói thẳng ra là đầu cơ hạn ngạch trục lợi.

Các doanh nghiệp đã chuyển gạo ra cảng kêu trời do quá bức xúc, vì hợp đồng đã ký, không xuất được gạo không những mất uy tín với đối tác mà còn có thể bị phạt vì vi phạm hợp đồng. Đồng thời hàng lưu tại cảng ngày nào chết ngày ấy vì tiền lưu kho lưu bãi. Đó là chưa kể lãi vay ngân hàng vẫn phải trả hằng ngày. Và số tiền này sẽ cứ nhân lên từng ngày không biết đến khi nào.

Vì vậy, giải quyết khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đề xuất và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý cho ứng trước 100.000 tấn gạo hạn ngạch của tháng 5 để “chữa cháy”. Nhưng điều hành hạn ngạch 100.000 tấn này thế nào để không đi vào vết xe đổ của câu chuyện “mở tờ khai lúc nửa đêm”? Đó là lý do mà Bộ Công Thương gửi công văn hỏa tốc cho Bộ Tài chính như đã nói ở trên.

Thực ra, phương án điều phối hạn ngạch, mấu chốt của việc quản lý hạn ngạch phải có trước, trước cả khi công bố hạn ngạch 400.000 tấn gạo của tháng 4/2020, chứ không phải là cả đến khi phải tạm ứng hạn ngạch của tháng 5 để chữa cháy cho tháng 4, Bộ Công Thương mới đi hỏi gấp như vậy. Đây là quy trình ngược. Và chính vì cái quy trình ngược này mới làm cho câu chuyện rối như canh hẹ như vậy.

Thực ra, trong câu chuyện “mở tờ khai lúc nửa đêm” dẫn đến việc người cần (hạn ngạch) thì không có, người có thì chưa chắc đã sẵn gạo xuất ngay, một người bình thường nếu để tâm cũng có thể nghĩ ra phương án đơn giản. Thôi thì cứ cho là chưa nghĩ đến việc đấu thầu hay phân bổ hạn ngạch, mà chỉ cần cho những doanh nghiệp đã xếp gạo lên tàu xuất trước, tiếp theo đến lượng gạo đã tập kết tại cảng, sau đó đến doanh nghiệp đã ký hợp đồng và đã có gạo sẵn, rồi còn lại cho đấu thầu hạn ngạch, thì đã không xảy ra lộn xộn như vừa rồi.

…Đến “chơi” trò game show bấm nút may rủi

Không chỉ dừng lại ở sự điều hành rối như canh hẹ trong thời gian vừa qua và sự lộn xộn trong thực hiện hạn ngạch theo phương án FCFS (đăng ký tờ khai trước thì được xuất trước) do chính Bộ Công Thương đề xuất và yêu cầu hải quan thực hiện, tình trạng tranh nhau “mở tờ khai lúc nửa đêm” hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra, nếu Bộ Công Thương cứ khăng khăng tiếp tục bám theo cách điều hành FCFS.

Sở dĩ chúng tôi nói như vậy vì ngay trước khi công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4/2020, Bộ Tài chính đã góp ý về phương án điều phối hạn ngạch. Bộ Tài chính cho rằng, phương án FCFS là bất cập và đề xuất 2 phương án khác là “đấu thầu hạn ngạch” hoặc “phân bổ hạn ngạch”, nhưng Bộ Công Thương bác bỏ và giữ nguyên phương án FCFS.

Theo Bộ Công Thương, đấu thầu hạn ngạch cần có thời gian để tổ chức và sẽ mất ít nhất 15 - 20 ngày để xây dựng quy chế, làm hồ sơ và thực hiện các thủ tục thẩm định hồ sơ, tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật. Đấu thầu hạn ngạch sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, trúng toàn bộ hạn ngạch, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ. Không loại trừ khả năng xuất hiện tình trạng bán lại hạn ngạch trúng thầu cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua các hợp đồng "nhận ủy thác" để ăn chênh lệch… Bộ Công Thương cũng bác phương án phân bổ hạn ngạch, vì cho rằng sẽ mất hàng tháng để xây dựng tiêu chí phân bổ sao cho công bằng…

Điều đó có nghĩa, Bộ này vẫn giữ nguyên phương thức như hiện nay trong thời gian tiếp theo nếu tiếp tục phải điều phối xuất khẩu gạo bằng hạn ngạch.

Bộ Công Thương khẳng định, chỉ cần bổ sung một số giải pháp kỹ thuật đơn giản như bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu và số hiệu container trên tờ khai online và không cho phép sửa đổi các thông tin này, sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai giữ chỗ.

Về vấn đề này, chúng tôi xin trao đổi như sau:

Thứ nhất, “giảm tình trạng khai giữ chỗ” không có nghĩa là không còn tình trạng này. Và như vậy thì sẽ vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp có nhu cầu và năng lực xuất khẩu gạo thực thì không được xuất, trong khi có doanh nghiệp sẽ đầu cơ hạn ngạch để trục lợi từ việc đăng ký giữ chỗ rồi “bán” lại hoặc “xuất khẩu ủy thác”.

Thứ hai, cho dù yêu cầu trên tờ khai phải khai báo tên tàu và số hiệu container, nhưng nếu nhiều doanh nghiệp cùng hội tụ đủ điều kiện này thì vẫn xảy ra tình trạng “chen lấn xô đẩy” trong đăng ký tờ khai để giành giật hạn ngạch. Lúc đó, thay vì phẩn bổ hạn ngạch một cách công bằng, khách quan, minh bạch, công khai qua đấu thầu, sẽ lại diễn ra cảnh như các trò chơi trong các chương trình game show, ai nhanh tay bấm nút trước thì sẽ được trả lời trước (!). Như vậy, rất dễ xảy ra tình trạng trông chờ vào may rủi, và những doanh nghiệp thực sự có nhu cầu, năng lực xuất khẩu gạo bị ra rìa, để cho những doanh nghiệp trổ tài nhanh tay bấm nút “lên ngôi”.

Nhưng ngược lại, khi chưa bảo đảm chắc chắn có hạn ngạch, doanh nghiệp liệu có dám ký hợp đồng, có dám thuê tàu hay không để có tên tàu và số hiệu container mà khai báo? Làm như vậy cũng đầy may rủi chẳng khác gì đánh bạc. Vì chỉ cần chậm chân một chút không giành giật nổi hạn ngạch, thì lập tức một loạt thiệt hại xảy ra: Đối tác phạt vì vi phạm hợp đồng, tiền lưu kho lưu bãi, thuê tàu, lãi ngân hàng…, mà lô hàng lại chả biết bao giờ mới xuất được. Điều ấy Bộ Công Thương đã tính chưa?

Đó là chưa kể, đã khai báo tên tàu nhưng vào phút chót đối tác đổi tàu thì thế nào? Liệu doanh nghiệp có được sửa tờ khai không, hay sẽ bị quy vào tội khai báo gian dối để trục lợi hạn ngạch? Còn nếu cho phép điều chỉnh những thông tin này “vì lý do chính đáng”, ví dụ như phải có xác nhận của khách hàng, thì doanh nghiệp thiếu gì cách để có được “lý do chính đáng” ấy. Và lúc đó, sự việc sẽ càng loạn hơn.

Rất nhiều điều có thể xảy ra với hàng trăm rủi ro rình rập doanh nghiệp. Còn lý do Bộ Công Thương bác phương án đấu thầu hạn ngạch chỉ là “cần có thời gian để tổ chức và sẽ mất ít nhất 15 - 20 ngày để xây dựng quy chế, làm hồ sơ và thực hiện các thủ tục thẩm định hồ sơ, tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật”, và bác phương án phân bổ hạn ngạch là do “sẽ mất hàng tháng để xây dựng tiêu chí phân bổ sao cho công bằng”.

Một câu hỏi đặt ra, nếu chỉ vì lý do thời gian thì tại sao Bộ không xây dựng quy chế và tiêu chí sẵn ngay từ bây giờ, để khi có quyết định về hạn ngạch là tổ chức thực hiện được ngay, thay vì cứ ngồi mà tranh cãi và đổ lỗi cho nhau? Hay còn vì nguyên nhân nào khác?

Trong khi đó, nếu tổ chức đấu thầu hạn ngạch, có thể Bộ Công Thương sẽ vất vả hơn, nhưng đổi lại các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh nhau bình đẳng, việc điều phối hạn ngạch sẽ diễn ra hoàn toàn công khai, minh bạch. Và khi có hạn ngạch trong tay, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong hoạt động kinh doanh, người nông dân bán lúa gạo cũng đỡ bị bắt chẹt giá.

Còn lý do đấu thầu hạn ngạch là “thiết lập trở lại cơ chế xin - cho rất nhiều rủi ro đạo đức”, thì xin thưa rằng, “xin” là việc của doanh nghiệp, còn có “cho” hay không là việc của Bộ, là ở đạo đức và phẩm chất liêm chính của cán bộ Bộ Công Thương đến đâu, chứ đâu phải do cơ chế.

Tóm lại, theo chúng tôi, lý do mà Bộ Công Thương đưa ra để không chịu đấu thầu hạn ngạch chưa đủ sức thuyết phục, còn phương án mà Bộ đã và dự kiến sẽ tiếp tục áp dụng vẫn chứa đầy rủi ro cả trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là gây khó khăn cho các doanh nghiệp chân chính.

Nêu vấn đề này, chúng tôi chỉ mong muốn một điều, cơ quan quản lý nhà nước nên biết lắng nghe để xây dựng phương án tối ưu nếu tiếp tục phải áp dụng hạn ngạch trong xuất khẩu gạo thời gian tới. Làm sao để vừa quản lý được chặt chẽ, vừa bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho bà con nông dân; chứ đừng chọn cái dễ cho mình và đùn đẩy khó khăn cho người khác. Cũng đừng bắt các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải tham gia “trò chơi” nhanh tay nhanh mắt đầy may rủi giống trong các “game show” như vừa qua, rồi khi xảy ra lộn xộn lại tìm cách đổ lỗi cho nhau và người chịu thiệt hại vẫn là các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, chân chính./.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top