Aa

“Định giá tài sản thấp là nguyên nhân dẫn đến hư hỏng một số cán bộ”

Thứ Ba, 03/10/2017 - 06:01

“Trong quá trình cổ phần hóa, việc đánh giá không hết giá trị tài sản, giá trị đất đai, lợi thế kinh doanh, thương hiệu, tiềm năng... dẫn đến việc định giá thấp. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc thất thoát tài sản Nhà nước và cũng là nguyên nhân dẫn đến hư hỏng một loạt cán bộ”, ĐBQH Bùi Văn Phương, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội trao đổi với Reatimes.

Những năm qua, Nhà nước ta đã tiến hành cổ phần hóa hàng loạt doanh nghiệp. Việc cổ phần hóa nhằm giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa thời gian vừa qua bộc lộ nhiều "khiếm khuyết" cần chấn chỉnh. Xung quanh việc này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với BĐBQ Bùi Văn Phương, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội:

PV: Việc cổ phần hóa doanh nghiệp đã được Nhà nước tiến hành từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gần đây vẫn bộc lộ những thiếu sót. Là một ĐBQH chuyên trách về kinh tế và ngân sách, theo dõi các vụ cổ phần hóa gần đây, ông có ý kiến gì về việc này?

ĐBQH Bùi Văn Phương: Thứ nhất, cổ phần hóa là việc thực hiện chủ trương Nghị quyết của Đảng. Thứ hai, đây là vấn đề tất yếu phải làm. Nó là xu thế, quy luật của hoạt động kinh tế cho nên phải cổ phần hóa.

Chủ trương cổ phần hóa là hoàn toàn đúng đắn và tất yếu theo quy luật kinh tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vừa rồi có những chuyện làm chưa được chuẩn mực, chưa được đúng; trong đó có cả vướng mắc ở các văn bản hướng dẫn quy phạm pháp luật.

Hơn nữa, khâu tổ chức thực hiện có cái gì đó thiếu công khai minh bạch, thiếu sự kiểm tra, giám sát cho nên dẫn đến việc thực hiện cổ phần hóa xảy ra những việc tiêu cực, lợi ích nhóm, làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Điều này thể hiện ở việc định giá doanh nghiệp không đúng, không sát. Từ việc này dẫn đến tổ chức thực hiện CPH thiếu sự công khai minh bạch, đầy đủ, dẫn đến có một bộ phận, một nhóm lợi dụng “thôn tính” doanh nghiệp bằng giá thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế.

Trong quá trình cổ phần hóa, việc đánh giá không hết giá trị tài sản, giá trị đất đai, lợi thế kinh doanh, thương hiệu, tiềm năng... dẫn đến việc định giá thấp. Đây là nguyên nhân gây ra thất thoát tài sản Nhà nước và cũng là nguyên nhân dẫn đến hư hỏng một loạt cán bộ. Vấn đề đó đã được các chuyên gia cảnh báo. Thực tế qua quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ, Nhà nước cũng đã xử lý một số vụ. 

Tuy nhiên, vấn đề tiếp theo của cổ phần hóa không phải vì vậy mà dừng lại, phải tiếp tục làm nhưng cần chấn chỉnh ngay thiếu sót, sai phạm. Đặc biệt, phải thực hiện đúng quy định về cổ phần hóa; trong đó chú trọng đến vấn đề công khai minh bạch, phải có sự kiểm toán độc lập giá trị doanh nghiệp. Phải tính đúng, tính đủ tất cả mọi thứ để khắc phục tình trạng như vừa qua. Vừa qua chúng ta đánh giá không đúng.

ĐBQH Bùi Văn Phương, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: VOV

ĐBQH Bùi Văn Phương, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: VOV

PV: Thưa ông, ngoài những kẽ hở trên, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian vừa qua còn những “khiếm khuyết” nào cần chấn chỉnh?

ĐBQH Bùi Văn Phương: Ngoài việc đánh giá không đúng giá trị doanh nghiệp, cổ phần hóa còn có kẽ hở nữa là anh làm mang tính chất “nội bộ”. Bây giờ không công khai việc đó cho nhiều người tham gia vào mà lại có tính chất phạm vi rất hẹp, nội bộ và chỉ có một số lãnh đạo với nhau.

Người lao động có tham gia nhưng tham gia hình thức dẫn đến việc một bộ phận thâu tóm toàn bộ. Ví dụ, như vụ việc ở Hãng phim truyện Việt Nam vừa rồi. Lập luận đất là đất thuê nên không định giá. Tuy nhiên, có vấn đề là sau khi người ta cổ phần, nắm hãng phim rồi lại đề nghị điều chỉnh quy hoạch. 

Đất của hãng phim phải làm theo quy hoạch nhưng khi đã “thôn tính” được, người ta lại đề nghị điều chỉnh quy hoạch phải thế này thế kia. Như vậy, mảnh đất không còn như cũ nữa mà biến tướng sang hành vi khác.

Khi biến tướng như vậy, lợi nhuận đem lại cho họ rất lớn. Ví dụ, bây giờ biến tướng sang khách sạn, nhà hàng. lợi nhuận sẽ rất lớn; trong khi đó họ thâu tóm doanh nghiệp không đáng bao nhiêu tiền. Do vậy, đây là phần liên quan đến chính sách, pháp luật, cần phải tính toán lại xem giá đất thế nào?

Hãng phim Truyện Việt Nam. Ảnh: Xuân Tùng

Hãng phim Truyện Việt Nam. Ảnh: Xuân Tùng

PV: Thưa ông, theo dõi các cuộc cổ phần hóa thời gian qua có thể thấy, một trong những vấn đề nóng gây bất bình dư luận là việc định giá đất đai, giá trị thương hiệu thấp. Việc này không chỉ xảy ra ở Hãng phim truyện Việt Nam mà còn rất nhiều doanh nghiệp khác, dẫn đến hàng trăm nghìn mét vuông “đất vàng” có nguy cơ lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

ĐBQH Bùi Văn Phương: Đấy chính là khâu luật pháp chưa sát với thực tế mà sau này phải điều chỉnh. Ví dụ như sự việc Hãng phim truyện Việt Nam, người ta nhìn vào tương lai khu đất vàng sinh lời như thế nào để điều chỉnh quy hoạch làm việc khác. Chứ tôi nghĩ không bao giờ có chuyện, một doanh nghiệp không hề có chút kiến thức chuyên môn nào liên quan đến điện ảnh, lại chi tiền ra mua lại Xưởng phim để làm phim. Rồi sau đó, họ sẽ lặp lài bài đệ đơn, trình bày đủ mọi lý do để khu vực đó được điều chỉnh quy hoạch.

Khi người ta thôn tính doanh nghiệp ấy, giá trị khu đất không hề được tính nhưng khi điều chỉnh quy hoạch, miếng đất phát huy giá trị thì nó lại khác. Đấy là một kẽ hở rất lớn để cổ phần hóa.

Còn bây giờ, khi định giá Hãng phim lại tính mấy ngôi nhà cũ xuống cấp thì chẳng đáng bao nhiêu tiền. 

PV: Vậy với hàng loạt “khiếm khuyết” trên, theo ông tới đây, việc cổ phần hóa nên tiếp tục được thực hiện thế nào?

ĐBQH Bùi Văn Phương: Qua thực tiễn tiến hành cổ phần hóa trong mấy năm qua, Nhà nước phải tổng kết lại.

Tới đây, Quốc hội sẽ có chuyên đề giám sát việc cổ phần hóa. Bản chất của Quốc hội là giám sát chính sách của pháp luật trong việc thực thi cổ phần hóa để xem nó phù hợp chưa, sát chưa.

Nếu chưa hợp, chưa sát thì phải sửa đổi, đảm bảo việc cổ phần hóa đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và đảm bảo thúc đẩy doanh nghiệp phát triển tốt hơn, chứ không phải cổ phần hóa là “miếng mồi” cho một bộ phận.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top