Đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới liên quan đến định hướng chiến lược trong đầu tư công ở Việt Nam.
Cũng theo Ngân hàng Thế giới, nhìn về ngoài, Việt Nam đã có một hệ thống lập kế hoạch chiến lược được cho là khá phát triển với định hướng đầu tư công vững chắc, trong đó có văn bản kế hoạch và chiến lược đều được phê duyệt ở cấp cao nhất.
Chiến lược phát triển dài hạn của Chính phủ căn cứ trên một loạt các văn bản chiến lược phát triển kinh tế và xã hội 10 năm, bản mới nhất đã được xây dựng cho giai đoạn 2011-2020.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm nhằm cụ thể hoá các mục tiêu của Chiến lược Phát triển Kinh tế xã hội, đồng thời xác định ra các biện pháp cụ thể và nguồn lực cần có để triển khai.
Bản Kế hoạch phát triển Kinh tế xã hội hiện nay cho giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt vào tháng 4/2016. Ngoài kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, Việt Nam còn có có 63 tỉnh thành và mỗi tỉnh đều có kế hoạch phát triển kinh tế xã hội riêng. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội được thực hiện thông qua các kế hoạch hành động và kế hoạch hàng năm.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm hiện nay tập trung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng. Mục tiêu tổng quát là tạo nền tảng cho Việt Nam về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Ba “đột phá chiến lược” được xác định nhằm thực hiện mục tiêu trên. Một là, đẩy mạnh phát triển kỹ năng, nguồn nhân lực ( đặc biệt là kỹ năng công nghiệp hiện đại và đổi mới sáng tạo); Hai là,hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng.
Liên quan đến nội dung cuối cùng, một trong những mục tiêu rõ ràng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 là nhanh chóng xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tạo ra khuôn khổ và định hướng để các bộ ngành và địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết hơn cho ngành và lĩnh vực của mình, với sự phê duyệt của cơ quan hành pháp. Đáng chú ý là các kế hoạch ngành tổng thể cũng có xu hướng đưa ra tầm nhìn dài hạn vượt quá giai đoạn kế hoạch, do vậy có thể sử dụng chúng để xây dựng danh mục dự án.
Xét đến ví dụ trong ngành giao thông, quy hoạch dài hạn và các bản kế hoạch phát triển trung hạn đã được xây dựng. Ở cấp Quốc gia, công cụ kế hoạch cao nhất là Chiến lược phát triển ngành giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bên dưới đó là chiến lược theo các lĩnh vực, như kế hoạch phát triển giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó cũng phải kể đến các bản quy hoạch chi tiết như Quy hoạch chi tiết Đường cao tốc Bắc – Nam hành lang phía Đông 2010-2030. Cấu trúc trên cũng được phản ánh ở cấp địa phương.
Theo một ví dụ khác trong ngành năng lượng, công cụ kế hoạch cao nhất là “Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Bên dưới đó là các kế hoạch chi tiết hơn như Quy hoạch sửa đổi về phát triển ngành điện giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ngân hàng Thế giới đánh giá, mặc dù rõ ràng đã được tổ chức tốt, tuy nhiên hệ thống lập kế hoạch chiến lược vẫn có những điểm yếu về tính thực tế trong từng văn bản kế hoạch và chiến lược cũng như sự thống nhất giữa các cấp khác nhau.
Cụ thể Ngân hàng Thế giới đã từng nhận xét về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015 như sau: “Bản kế hoạch chi tiết kinh tế xã hội nên làm rõ ở hai nội dung. Một là, tầm quan trọng của việc xác định các phương án đánh đổi rõ ràng giữa các ưu tiên và các biện pháp chính sách đề xuất, nhất là trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực trong thực tế; Hai là, nhu cầu cần nâng cao sự thống nhất, tích hợp với gắn kết giữa Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, của địa phương và kế hoạch ngành do các bộ ngành xây dựng”.
Theo đó, mặc dù đã có các bước nhằm xử lý những quan ngại nêu trên trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016-2020, tuy nhiên những yếu điểm cơ bản của kế hoạch vẫn chưa được xử lý một cách căn bản.
Ngân hàng Thế giới cho rằng, các bản kế hoạch thường được xây dựng theo hướng quá tham vọng, ít gắn kết với khả năng huy động nguồn lực tài chính để triển khai.
Cụ thể, Bản kế hoạch phát triển kinh tễ xã hội giai đoạn 2016-2020 ghi nhận tiến độ chậm trong thực hiện những ưu tiên cải cách cụ thể ở kỳ kế hoạch trước và nhấn mạnh nhu cầu cần đẩy nhanh tiến độ cải cách trong kỳ cải cách hiện tại nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. Tiến độ chậm phần nào do chậm trễ triển khai trong thực tế, tuy nhiên một phần vấn đề cũng do các mục tiêu quá tham vọng, chưa quan tâm đầy đủ đến hạn chế về nguồn lực tài chính. Đây là một đặc điểm của hệ thống lập kế hoạch bao cấp có tính duy lý, khác với hệ thống kế hoạch dựa nhiều hơn vào nhu cầu, mang tính định lượng.