PV: Vụ tranh cãi về quyền sở hữu tòa dinh thự họ Vương (dinh thự "Vua Mèo", Hà Giang) giữa ông Vương Duy Bảo (cháu nội "Vua Mèo" Vương Chí Thành) và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn đang trở thành tâm điểm của dư luận trong những ngày vừa qua. Tạm thời chưa bàn tới việc đúng sai, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu về văn hóa, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn: Sau khi nắm được sự việc xảy ra tại dinh thự họ Vương ở Hà Giang, tôi cảm thấy có gì đó không vui. Không vui là vì giữa các bên không giải quyết được sự việc trong êm thấm mà lại để xảy ra tình trạng tranh cãi, kiện tụng như vậy. Không chỉ riêng tôi, nhiều người cũng cảm thấy buồn vì việc này.
Những dinh thự cổ của các Thổ ty ngày xưa chứa đựng giá trị lịch sử - văn hóa rất lớn. Khắp miền Bắc có 3 dinh thự lớn của các Thổ ty bao gồm, dinh thự họ Vương ở Hà Giang, dinh thự của ông Hoàng A Tưởng ở Lào Cai và dinh thự "Vua Thái" Đèo Văn Long ở Lai Châu.
Chỉ riêng về việc nghiên cứu dinh thự họ Vương ở Hà Giang đã có thể mang lại rất nhiều giá trị về mặt kiến trúc, văn hóa, lịch sử. Cụ thể, về kiến trúc, chúng ta có thể tìm hiểu về cách xây dựng, vật liệu để làm nên tòa dinh thự. Về văn hóa, tòa dinh thự họ Vương có thể tái hiện lại không gian cuộc sống của "Vua Mèo" ngày trước, nó còn phản ánh quan hệ giữa chủ nhà với các thành viên trong nhà, quan hệ về thế hệ giữa già và trẻ, quan hệ giữa thế giới người sống và thế giới người chết...
Đó là những giá trị quý báu cần được bảo tồn. Nhờ những giá trị ấy mà tòa dinh thự họ Vương đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến với Hà Giang, trong tương lai nơi đây còn có thể trở thành địa điểm để dựng những bộ phim tài liệu về cuộc sống và văn hóa của người H'Mông Hà Giang.
Chiểu theo Luật Di sản, có thể công trình được công nhận là di sản lịch sử - văn hóa, nhưng đó chỉ đơn giản là danh hiệu, nó không liên quan đến chủ sở hữu. Chủ sở hữu đóng vai trò rất quan trọng, trong trường hợp chủ sở hữu là một cá nhân thì cần phải công nhận quyền sở hữu di tích cho cá nhân đó theo đúng quy định của Nhà nước.
PV: Câu chuyện về dinh thự "Vua Mèo" đang đặt ra một vấn đề, đó là nếu như cơ quan quản lý vẫn cương quyết giữ quyền sở hữu ngôi dinh thự mà không nhận được sự đồng ý từ người thừa kế hợp pháp thì có thể sẽ dẫn đến tranh chấp kiện tụng, nhưng nếu để người thừa kế toàn quyền sử dụng ngôi dinh thự (có thể thay đổi nguyên trạng của di tích) thì cũng không phải là một phương án hay. Theo ông trong trường hợp này, phương án nào là tối ưu nhất?
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn: Theo Luật Di sản văn hóa thì chủ sở hữu phải giữ nguyên trạng di tích, thậm chí khi tiến hành tu sửa bất kỳ bộ phận nào của di tích cũng phải lên phương án rõ ràng, đồng thời xin phép cơ quan quản lý. Quy định này có sự ràng buộc chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và chủ sở hữu di tích, do đó chủ sở hữu khó có thể tự ý thay đổi nguyên trạng của di tích.
Nếu ông Vương Duy Bảo (cháu nội "Vua Mèo" Vương Chí Thành) đúng và được công nhận là chủ sở hữu hợp pháp của tòa dinh thự họ Vương, thì có lẽ, vì lợi ích chung của di tích, gia đình ông Bảo không nên chuyển vào sinh hoạt ở trong di tích, để di tích được giữ nguyên trạng, phục vụ cho những mục đích cao cả hơn. Mặt khác, không gian của di tích mâu thuẫn với không gian cuộc sống hiện tại, nên nếu gia đình ông Bảo chuyển về sinh sống trong khu dinh thự sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Phải chăng, gia đình ông Bảo nên sinh sống ở một nơi khác và phối hợp với cơ quan quản lý để gìn giữ, bảo tồn tòa dinh thự họ Vương.
Phải chăng, gia đình ông Bảo nên sinh sống ở một nơi khác và phối hợp với cơ quan quản lý để gìn giữ, bảo tồn tòa dinh thự họ Vương. Chủ sở hữu hợp pháp của tòa dinh thự họ Vương là ông Vương Duy Bảo vẫn được hưởng lợi từ di tích đó, theo tôi đó là một phương án hợp lý.
PV: Từ câu chuyện này đặt ra một vấn đề lớn, đó là việc bảo tồn và phát triển giá trị du lịch cho những công trình có giá trị văn hóa, lịch sử. Theo ông, chúng ta nên ứng xử thế nào?
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn: Theo tôi, những di tích gắn liền với dòng họ sở hữu nó (tương tự như trường hợp của dinh thự "Vua Mèo") thì việc chính dòng họ đó gìn giữ có thể bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa - lịch sử của di tích. Bởi lẽ, dòng họ từng sinh sống trong di tích sẽ có mối liên kết chặt chẽ với di tích. Họ có tình yêu đối với di tích, có sự kính trọng đối với tổ tiên, với truyền thống của gia đình tại đó nên chắc chắn họ sẽ trân trọng, gìn giữ di tích bằng mọi giá. Nếu để người ngoài đến quản lý thì sẽ mất đi "cái hồn" của của di tích. Mặt khác, xét về góc độ chăm sóc, bảo tồn di tích thì người ngoài không thể bằng chủ nhân đích thực của di tích được.
Nếu di tích thuộc quyền sở hữu cá nhân thì nên để chủ nhân hợp pháp sở hữu di tích chứ không phải là chủ sở hữu mang tính chung chung. Chúng ta đã có rất nhiều bài học về vấn đề này.
Đầu tiên là bài học ở phố cổ Hội An (Quảng Nam), theo tôi Hội An đã rất thành công trong việc gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của phố cổ. Tại Hội An, chủ sở hữu rất rõ ràng - đó là các gia đình sinh sống tại những ngôi nhà cổ qua nhiều thế hệ. Chủ sở hữu những căn nhà cổ ở Hội An được trực tiếp hưởng lợi từ nhà của họ. Ngoài ra, những chủ sở hữu này còn tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Nhà nước, của cộng đồng. Tất nhiên, không thể không kể đến vai trò then chốt, tầm nhìn của người đứng đầu. Tất cả đã làm nên thành công của Hội An trong việc bảo tồn di tích, khai thác và phát triển du lịch.
Trong khi đó, nhìn vào làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) lại là một bức tranh tương phản với phố cổ Hội An. Tại đây, người dân ít được hưởng lợi từ chính công trình do họ sở hữu. Ban quản lý di tích đứng ra thu vé thăm quan ở cổng làng, còn người dân có chăng chỉ thu được chút lợi ích từ việc khách du lịch nghỉ chân dùng bữa tại nhà của họ. Điều này gây ra sự bất bình đẳng trong hoạt động du lịch, khiến cho việc phát triển du lịch tại làng cổ Đường Lâm bị hạn chế. Khi mà du lịch cộng đồng phát triển thì bản thân người dân tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng cũng phải được hưởng lợi chứ không chỉ doanh nghiệp làm du lịch, hoặc cơ quan quản lý hưởng lợi.
Không chỉ riêng đối với tòa dinh thự họ Vương (Hà Giang) hay làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), đó còn là là bài học chung cho các di tích tương tự trên cả nước. Nó mở ra một nhận thức mới về vấn đề chủ sở hữu và quyền lợi của chủ sở hữu đối với di tích lịch sử - văn hóa. Không nên giữ khư khư quan điểm, cứ là di tích lịch sử - văn hóa thì phải công hữu hóa, như vậy thật bất hợp lý.
Xin chân thành cảm ơn ông!