Aa

Đồ cũ, ngày gặp lại

Thứ Tư, 10/06/2020 - 07:00

Lại nhìn cái máy nhắn tin: Thì ra trong đời mình, mọi thứ đầy lên nhanh lắm, nhìn lại thấy khó tưởng tượng nổi. Đầy đến mức trào ra không đậy lại được đâu.

Hôm nay, về nhà bố mẹ, dọn nhà... Có một loạt những thứ đồ cũ của chính mình, mà bây giờ gặp lại, cầm mỗi thứ lên, thấy như lật lại từng trang tháng ngày đã qua. Lạ thật, nếu không dọn nhà, thì chẳng thể nhớ, mà dọn nhà, nhìn thấy những món đồ cũ, mới thấy, thực ra mình chẳng quên gì…

Chai rượu

Đây là chai rượu, nó còn nguyên, chưa hề mở, nút vẫn đóng, với bọc nhựa vòng quanh cổ chai. Có hai cái khác biệt thôi: Nó bị bọc xung quanh dấu vết của mối xông. Và nó rỗng, không còn lấy một giọt rượu nào bên trong.

Đầu những năm 90 (Là của thế kỷ trước. Đã 20 năm trôi qua kể từ ngày đón thế kỷ 21, mà mình vẫn cứ thấy là lạ khi viết “năm của thế kỷ trước”. Chưa kịp quen cái sự mình là người từ thế kỷ trước đi sang thế kỷ này). Ừ, đầu những năm 90 ấy, đất nước hồng hào trở lại sau những thập kỷ xanh xao, xám ngoét màu da vì đói kém.

Ít ra thì ở vùng thành thị, đồng bằng, hồi đó cứ mỗi ngày trôi đi lại thấy khá hơn. Hà Nội khi đó chưa giàu đâu, nhưng các cửa hàng rượu đã có những chai rượu ngoại. Hàng xịn xách tay mang về cũng có, hàng Intershop tuồn ra cũng có, mà hàng… rởm từ cửa khẩu Cầu Treo cũng lắm. Bạn bè là dân báo chí, thì trông lên chẳng bằng ai, mà trông xuống cũng nhiều người không bằng mình. Nhưng bạn bè là dân đi làm ăn, thì từ khi đó, đã một số rủng rỉnh tiền. Thỉnh thoảng gặp nhau, có cái mốt là đãi bạn rượu ngoại. 

Hồi đó, xin hiểu cho, khái niệm rượu ngoại cũng hẹp thôi, không như bây giờ. Ấn tượng còn nhớ là loại “Ông già chống gậy”, mà loại màu đỏ thôi. Và những chai Cognac, sau này có dịp đi nước ngoài, mình mới biết là chẳng phải “danh giá” gì. Thời đó, ít người biết rượu ngoại ngon hay không. Mà nhìn cái chai nó đẹp, thế là thấy quý lắm. Được cho cái chai rượu nhìn thấy đẹp thì không nỡ uống, cất để dành, đợi có dịp để uống với bạn quý. Cũng vài lần, để dành mãi, gặp lúc vui uống, thì thấy nhạt hơn nước ốc, vì là rượu rởm.

Cái chai rượu này mình đã cất để dành. Hồi đó để lên cái hốc gần trần nhà. Năm tháng qua đi, mình chuyển lên chung cư ở, nhà cũ ông bà ở. Mấy chai rượu ấy vẫn nằm đó. Cho đến hôm qua, dọn nhà, lại thấy…

Có dễ gần 30 năm rồi nhỉ. 30 năm… Khi đó mình mới tuổi tráng niên. Mình làm thời sự truyền hình, mảng quốc tế. Rồi làm ban chuyên mục kinh tế xã hội, mảng trong nước. Rồi làm nhiều mảng khác nữa… Hồi đó, những thời điểm khủng hoảng quốc tế, mình lấy ba cái ghế xếp làm giường, tối nằm đợi tin để tổng hợp gấp. 

Hồi đó, mình cùng quay phim lên đê Yên Phụ khi giải tỏa hành lang đê, bị mời về giữ ở đồn công an, hào hứng lắm. Hồi đó, sáng mình chủ trì họp, càng họp càng thấy ra việc hay, càng thích thú, chợt thấy đa số đồng nghiệp cứ dần thờ thẫn, nhìn đồng hồ đã 1g30 chiều. Không hiểu sao lúc đó không thấy đói hay mệt. Mà sau này nghĩ, đồng nghiệp cũng chịu đựng mình quá. Mà có khi không phải, họ cũng hăng…

Giờ đây, mình vẫn đọc nhiều, chủ yếu là qua mạng. Đôi lúc, mình phải ngừng lại và nghĩ, có vẻ mình lạc lõng nhiều lắm rồi trong cách nghĩ, chưa nói đến cách diễn đạt. Có những lần đi dự hội thảo khoa học, hay đơn giản là nghe một thuyết trình, mình bắt gặp một sự thật “tàn nhẫn” là có những nội hàm mình không biết được bao nhiêu. Mà đó là những thứ, “tàn nhẫn" hơn, thuộc khu vực được coi là thuộc hoặc gần chuyên môn của mình. 

Để không có cảm giác lạc lõng như thế, thì cũng không hẳn là không thể. Đọc nhiều hơn thôi. Nhưng cái khó là…lười. Mà cũng không hẳn là lười thì phải. Có nhiều thứ đốt tâm can, năng lượng của mình rồi. Mọi năng lượng ít đi, ít dần, dù cái sự khao khát muốn thì không ít đi. Cũng chẳng vui gì!

Lại nhìn chai rượu rỗng, nhựa mối bao quanh như thể chai lấy lên từ đáy biển. Vài chục năm, nút không đủ khít để ngăn từng phân tử rượu thoát ra. Và đến lúc nào đó, thời gian làm chai rượu đầy thành rỗng.

Quả thật, mọi thứ trong cuộc đời cạn nhanh lắm, nhanh đến mình không kịp nhận ra.

Cái máy nhắn tin

Cũng là vào những năm 90 ấy, ở đơn vị mình, chỉ cán bộ cốt cán mới được trang bị cái cục nhỏ gọn này.

Trước đó, cái sang trọng nhất của nơi làm việc là chiếc điện thoại để bàn. Nó là… đẳng cấp đấy. Hồi đó, nhà riêng cũng có điện thoại, nhưng không nhiều nhà. 

Lại nhớ, khi mình được lắp điện thoại ở nhà, sau nhiều giấy tờ, thủ tục, một ngày hạnh phúc có ba nhân viên bưu điện đến tận nhà để khảo sát, vẽ sơ đồ đường dây vào đâu (chui qua cửa sổ), máy điện thoại sẽ ở đâu (chỗ trân trọng, đồng cấp với bàn thờ tổ tiên). Rồi sau không ít ngày thấp thỏm, một đội lắp đặt xuất hiện (ơn trời, người khác không được thế đâu!), và họ nối dây, lắp máy thật! Rồi mọi người trong nhà cầm cái ống nghe lên thật, chứ không phải trong phim nước ngoài. Rồi sau đó tổng đài đã có trả lời tự động. 

Đứa con gái của mình quay máy gọi cho bạn, rồi cứ cãi nhau với tiếng trả lời của tổng đài. Giờ mình không nhớ là câu trả lời thế nào, đại loại kiểu như thời điện thoại di động sau này: “Thuê bao bạn gọi tắt máy”, và nó cãi, kiểu như “Sao lại tắt máy hả cô?”. Không phải như thế đâu, vì những câu đó thuộc thời điện thoại di động. Chính xác thuở điện thoại dây ấy, lời tổng đài thế nào, mình nghĩ mãi không thể nhớ ra.

Hồi ấy có anh bạn, cùng tên mình, người yêu được cử đi học nước ngoài. Chiều phát lương, cậu ấy ngồi ở đợi thủ quỹ phát lương tháng, rồi mình đèo cậu ấy ra Bưu điện Trung tâm Bờ Hồ. Chỉ ở đó mới có các “bốt” điện thoại quốc tế. Sau vài tiếng đồng hồ, cậu ấy nói được vài câu với cô kia, và trở về , lương tháng sạch bong, mặt mày hớn hở như phết mỡ.

Cho nên, khi có cái máy nhắn tin, đi đâu trong Hà Nội, nhận được tin nhắn, kiểu: “Về cơ quan ngay họp gấp”, nó đẳng cấp lắm, Giời ơi, đẳng cấp! Người nhắn tin gọi từ điện thoại (dĩ nhiên là điện thoại bàn, nhưng hồi đó không gọi như thế, vì chưa có điện thoại không đặt trên bàn) đến tổng đài, nói là nhắn đến số máy nhắn tin x, và sau đó thì ở đầu kia cái máy nhắn tin hoặc rung lên ở bên hông, hoặc kêu “tít tít”, và người có máy bấm mở nhìn hàng chữ tin nhắn. Mà ở Hà Nội thôi nhé. Nếu ở Sài Gòn, phải máy nhắn tin khác. Có lúc họp giao ban, rộn bốn xung quanh “tít tít”...

Cái máy nhăn tin "vang bóng" một thời.

Thế rồi điện thoại di động “cục gạch” ra đời. Thế rồi năm 1998, Việt Nam kết nối Internet.

Gần ba thập kỷ, giờ đây đứa cháu thời Covid học online. Và kinh tế số, và kỷ nguyên 4.0. Hiếm hoi lắm mới thấy một nhà còn máy điện thoại để bàn. Thay vì cái máy nhắn tin đeo hông, chiếc Iphone là cả văn phòng, thư viện, tổng kho lưu trữ, xưởng chế tác… đút trong túi quần mỗi người, cả già, cả trẻ

Không chỉ là sự tiện lợi được coi như một đẳng cấp sang chảnh như hồi đó. Mà tốc độ sống mới, tư duy mới trong làm ăn, trong khám phá… một thế giới hoàn toàn khác. Hệ lụy cũng nhiều hơn…

Lại nhìn cái máy nhắn tin: Thì ra trong đời mình, mọi thứ đầy lên nhanh lắm, nhìn lại thấy khó tưởng tượng nổi. Đầy đến mức trào ra không đậy lại được đâu.

Vậy thì những đồ cũ ơi, chúng ta cùng cũ đi, nhưng cuộc đời luôn mới. Thật ấm áp, phải không. Ổn mà, mọi thứ đều rất ổn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top