Aa

Đọ giá với đại gia, "lính mới" có bị hụt hơi?

Thứ Năm, 28/09/2017 - 14:01

Đọ giá với đại gia, "lính mới" có bị hụt hơi?; "Bắt tay” nhà quản lý ngoại: Không dễ “chọn mặt gửi vàng”; Mua căn hộ tiền tỉ rồi chịu "sống chết mặc bay";… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

Đọ giá với đại gia, "lính mới" có bị hụt hơi?

Theo phân tích của một kỹ sư xây dựng, hiện tại, suất đầu tư trung bình tính trên mét vuông cho các dự án tại khu vực phía Tây Hà Nội dao động trong khoảng 20 - 25 triệu đồng/m2. Trong đó, 7 - 8 triệu đồng/m2 chi phí xây thô, 7 - 8 triệu đồng/m2 nội thất, còn lại là các chi phí khác (chi phí đất, chi phí thủ tục, tư vấn thiết kế…).

Ngoài các yếu tố cứng như trên, yếu tố thương hiệu, uy tín của chủ đầu tư cũng đóng góp quan trọng vào việc hình thành giá sản phẩm. Tuy nhiên, những nhà đầu tư có uy tín, cam kết tốt về tiến độ, chất lượng công trình cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Vingroup, Sun Group, FLC... Đây cũng chính là những doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án lớn, giữ vai trò tạo lập, dẫn dắt thị trường. Còn với các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, hoặc các doanh nghiệp nhỏ, việc xác lập mức giá cao cho dự án của mình dường như khá mạo hiểm.

Dự án Sky Park Residence hiện có mức giá khá cao, từ 40,8 - 46 triệu đồng/m2. Ảnh: Nguyễn Thành.

Dự án Sky Park Residence hiện có mức giá khá cao, từ 40,8 - 46 triệu đồng/m2. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chẳng hạn, tại dự án Sky Park Residence của Công ty cổ phần Xây dựng Thanh Hóa. Hiện dự án này có mức giá từ 40,8 - 46 triệu đồng/m2, bàn giao nhà kèm nội thất khá đầy đủ. Nếu theo chi phí suất đầu tư như đã nói ở trên, cùng với việc chủ đầu tư của dự án là cái tên còn xa lạ với giới kinh doanh địa ốc, giá trị và sự tích lũy thương hiệu, lòng tin chưa nhiều, và so sánh với nhiều dự án của khu vực, thì việc đưa ra mức giá trên được cho là mạo hiểm.

Một thực tế xảy ra lâu nay, đó là việc các chủ đầu tư thường thực hiện nhiều dự án để xoay vòng đồng vốn. Tuy nhiên, với nguồn vốn có hạn, việc thành bại phụ thuộc nhiều vào công tác bán hàng. Nếu bán hàng tốt, dự án sẽ được triển khai nhanh, có tiền để tiếp tục phát triển các dự án gối đầu khác, trường hợp ngược lại, không chỉ dự án đó bị đình trệ, mà các dự án khác cũng bị ảnh hưởng lây.

Do đó, việc đưa ra mức giá thế nào để đẩy mạnh công tác bán hàng đối với các chủ đầu tư luôn được tính toán kỹ, bởi giá không chỉ đơn giản là để thể hiện đẳng cấp của dự án, hay tối đa hóa lợi nhuận của chủ đầu tư. Đặc biệt, với doanh nghiệp mới, ít kinh nghiệm, hoặc năng lực tài chính kém, nếu công tác bán hàng dự án bị chậm, nhiều khả năng dự án sẽ bị chậm tiến độ, thậm chí ảnh hưởng tới sự tồn tại của doanh nghiệp.

Xem chi tiết tại đây.

"Bắt tay” nhà quản lý ngoại: Không dễ “chọn mặt gửi vàng”

Trong cuộc trò chuyện mới đây, ông Nguyễn Việt Thung - Tổng giám đốc TMS Group tiết lộ đơn vị ông đã lựa chọn Welham® làm đơn vị quản lý vận hành cho dự án TMS Luxuty Hotel Da Nang Beach.

Theo ông Thung, lý do bên ông lựa chọn đơn vị quản lý quốc tế bởi uy tín, kinh nghiệm và mạng lưới khách hàng rộng khắp toàn cầu của tập đoàn này chính là yếu tố quan trọng "kéo" du khách quốc tế có mức chi tiêu cao đến dự án. Hơn nữa, với sự quản lý của các tên tuổi lớn này, chi phí hoạt động cũng được kiểm soát chặt chẽ, giúp tối ưu hoá việc khai thác bất động sản nghỉ dưỡng.

“Và quan trọng không kém, những tập đoàn ngoại đều rất khắt khe trong việc duy trì chất lượng cơ sở vật chất và dịch vụ thống nhất trên toàn cầu. Nhờ thế, khu nghỉ dưỡng sẽ luôn được bảo trì trong tình trạng tốt nhất” – ông Thung khẳng định.

Cùng chung xu hướng này, mới đây CEO Group đã quyết định hợp tác với Accor và Best Western cho dự án “khủng” ở Phú Quốc. Vogue Resort tại Nha Trang cũng chính thức lựa chọn AccorHotels - một trong những tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới có trụ sở tại Pháp để quản lý vận hành; hay Tổng công ty MBLand đã chọn Tập đoàn quản lý khách sạn Pan Pacific điều hành dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp Pan Pacific Danang - Hoi An Resort…

Xem chi tiết tại đây.

Mua căn hộ tiền tỉ rồi chịu "sống chết mặc bay"

Chung cư Hoàng Kim do Công ty TNHH Tư vấn-Thiết kế KTT làm CĐT, quy mô 94 căn hộ. Chung cư được đưa vào sử dụng từ năm 2010 nhưng đến nay chưa có ban quản trị, cư dân chưa được làm sổ hồng, công tác bảo trì bị bỏ mặc. Tổng giám đốc KTT đang chấp hành án tù do một vụ án kinh tế khác nên mọi hoạt động liên quan đến CĐT phải thông qua người đại diện là bà Nguyễn Thị Mộng Kiều Tiên.

Bất ngờ ngày 25-8, cư dân nhận được thông báo của Công ty TNHH Tư vấn- Thiết kế Sơn Hùng cho biết chính thức tiếp quản từ Công ty KTT toàn bộ việc quản lý chung cư theo “hợp đồng chuyển nhượng quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp tại chung cư” giữa KTT và Sơn Hùng.

Chung cư cao cấp Hoàng Kim (quận 7, TP.HCM) sau nhiều năm không được bảo trì, sửa chữa đã hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: CẨM TÚ.

Chung cư cao cấp Hoàng Kim (quận 7, TP.HCM) sau nhiều năm không được bảo trì, sửa chữa đã hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: CẨM TÚ.

Ngay sau đó Sơn Hùng yêu cầu cư dân đóng tiền đợt cuối (5% còn lại) để “triển khai làm chủ quyền”, thanh toán phí quản lý đang nợ, nếu không sẽ cắt nước. Đáng nói, công ty rao bán chỗ đậu ô tô trong chung cư với giá 990 triệu đồng.

Theo cư dân, mới đây tại chung cư xuất hiện một nhóm người gây huyên náo, đe dọa khiến họ vô cùng bất an, phải cấp báo chính quyền. “CĐT quá đáng đến nỗi chúng tôi đã đóng phí quản lý nhưng vẫn bị họ cắt nước, quận phải yêu cầu thì họ mới mở lại” - một số hộ cho hay.

Xem chi tiết tại đây.

VFS chọn cổ đông chiến lược trái ngành: Tại anh, tại ả, tại cả hai bên

Vivaso có ngành nghề kinh doanh chính là đóng gói, sửa chữa phương tiện vận tải thủy; kinh doanh vận tải và dịch vụ, xếp dỡ hàng hóa, kinh doanh kho bãi, dịch vụ cảng sông, bến xe… - một lý lịch hoàn toàn không dính dáng gì đến phim ảnh.

Tuy nhiên, Vivaso lại trở thành cổ đông chiến lược của VFS – cái nôi của điện ảnh Việt Nam với 400 tác phẩm trong 60 năm lịch sử. Một cuộc hôn phối lạ lùng – lạ lùng như cách ông Nguyễn Danh Thắng, phó tổng giám đốc Vivaso, từng trả lời báo chí hồi tháng 4/2016: “Vì sao chúng tôi chọn đầu tư cho VFS thì có nhiều lí do. Ngoài tình yêu với điện ảnh thì đó là hy vọng điện ảnh cũng là một kênh truyền thông quảng bá hình ảnh công ty chúng tôi”!

VFS – một con nợ tiền thuê đất lên tới 21 tỷ đồng và thua lỗ triền miên – có gì để hấp dẫn Vivaso (và người đứng sau Vivaso) ngoài đất - dù cho đấy chỉ là đất thuê trả tiền hàng năm? Bởi nói như ông Đặng Quyết Tiến – Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), điều quan trọng không phải đấy là đất gì mà đất đấy nằm trong quy hoạch nào, mục đích sử dụng đất ra sao. 

Vivaso chi phối Hãng phim truyện Việt Nam với số tiền 32,5 tỷ đồng.

Vivaso chi phối Hãng phim truyện Việt Nam với số tiền 32,5 tỷ đồng.

“Mục đích mới gắn liền với giá trị đất. Đất mà chỉ làm công viên cây xanh thì không có giá trị. Còn nếu đất được quy hoạch làm đô thị - dẫu tạm thời chưa làm, cho thuê kho bãi thôi - thì giá trị cũng đã khác rồi, sống chết gì anh cũng phải đầu tư vào đây. Phương án sử dụng đất chính là cái mấu chốt để xác định giá trị đất để đưa vào giá trị doanh nghiệp”, lời ông Tiến.

Nhà văn Lưu Trọng Văn (con trai cố nhà thơ nổi tiếng Lưu Trọng Lư) đã có lần ước mong chào mời các hãng phim tư nhân mua lại VFS. “Họ sẽ chỉ làm phim và biết nâng các giá trị truyền thống, lợi thế chính trị, giá trị chất xám, giá trị cơ sở vật chất, đất đai của Hãng phim truyện Việt Nam lên, từ đó có thêm tiền đầu tư làm phim cân đối cả hai dòng thương mại nghệ thuật và nghệ thuật chính trị phục vụ và nâng cao dần thẩm mỹ người xem”.

Xem chi tiết tại đây.

Quy hoạch ga Hà Nội, từ góc nhìn văn hóa

Được xây dựng từ năm 1902, đến nay, ga Hà Nội đã có trên 1 thế kỷ tắm nắng, gội mưa cùng Thủ đô. Vượt lên trên vai trò của một công trình giao thông công cộng đơn thuần, ga Hà Nội trở thành một di tích lịch sử, thành một phần của kiến trúc, văn hóa Hà Nội.

Chính bởi điều này, việc tái cấu trúc, kiến tạo lại không gian của ga với công năng, chức năng và kiến trúc khác phải được thực hiện hết sức cẩn trọng để vừa đạt được mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng cho Thủ đô, vừa không vấp phải những phản ứng từ dư luận.

Vấn đề mà bản thân Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2.000 do UBND TP.Hà Nội đề xuất đang vướng phải chính là các quy định quy hoạch kiến trúc trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó. Bởi theo quy hoạch chung về xây dựng, thì tại khu vực ga Hà Nội, chiều cao tối đa của công trình chỉ là 18 tầng.

Theo các chuyên gia, đồ án mới cần phải làm tốt việc bảo vệ phần ga cũ với kiến trúc Pháp đặc trưng - Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo các chuyên gia, đồ án mới cần phải làm tốt việc bảo vệ phần ga cũ với kiến trúc Pháp đặc trưng - Ảnh: Nguyễn Thành.

TS. Mai Thanh Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa nhận định: “Việc đề xuất xây dựng công trình cao từ 40 - 70 tầng tại khu ga hiện tại sẽ gây khó khăn cho công tác quy hoạch chung của thủ đô sau này”.

Theo các chuyên gia, việc tái cấu trúc, kiến tạo lại không gian của ga với công năng, chức năng và kiến trúc khác phải dựa trên quy hoạch chung của Thành phố, đó được coi là pháp lệnh về mặt xây dựng mà chúng ta có trách nhiệm tuân theo. Quan trọng hơn, quy hoạch này cần mang tầm nhìn dài hạn.

Hiện Hà Nội đang có sự quá tải về hạ tầng do sự tăng nhanh về quy mô dân số. Một định hướng đang được Thủ đô theo đuổi trong thời gian qua là giảm tải cho khu vực nội đô, khu phố cổ, hạn chế việc phát triển nhiều dự án chung cư, tòa nhà văn phòng tại nội đô. Nhiều chuyên gia đang lo ngại rằng, với việc xây dựng các bất động sản cao tầng ở khu vực ga sẽ làm tăng mật độ dân cư lên 5 - 10 lần, tăng lượng giao dịch ở khu vực ga tạo thêm những thách thức mới.

Xem chi tiết tại đây.

Cơ hội vươn lên của các hãng sơn nội địa

Anh Nguyễn Hoàng Nam, sinh sống tại quận 9, TP.HCM, đang đi lựa chọn sơn để chuẩn bị sửa lại nhà cho biết, sơn ngoại tuy có ưu thế hơn sơn nội về chất lượng và thương hiệu nhưng cũng có nhiều điều chưa thực sự thuận tiện.

Chẳng hạn, sơn phủ của hãng Jotun đa dạng về chủng loại dành cho ngoại thất và nội thất nhưng lại ít cung cấp hộp sơn dung tích lớn. Do vậy, khi mà sơn diện tích lớn thì mức giá khá cao khi so sánh với những hãng có hộp sơn dung tích lớn hơn.

Ngược lại, đối với hãng sơn Mykolor thì đa dạng về màu sắc nhưng không có hộp sơn dung tích nhỏ, thường phù hợp với những ngôi nhà kiểu cách với màu sắc rực rỡ tạo điểm nhấn.

Đối với dòng sơn Nippon thì có nhiều dung tích hơn như 1 lít, 5 lít, 18 lít… phù hợp cho nhiều nhu cầu của khách hàng nhưng không có nhiều loại sơn, màu sắc không đa dạng như Jotun hay cao cấp như Mykolor.

Theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản, sơn Kova hiện được khá nhiều chủ đầu tư các dự án bất động sản cũng như các cá nhân xây dựng tin dùng. Bên cạnh mức giá khá hợp lý, hãng sơn nội địa này đã có những bước đầu tư, phát triển hợp lý để có thể bắt kịp với nhu cầu thị trường, cạnh tranh tốt với các hãng sơn ngoại.

Nhiều chủ đầu tư cho biết, về chất lượng, sơn Kova hiện nay có thể sánh ngang với dòng sơn ngoại nổi tiếng Dulux. Là nhân viên đang được giao nhiệm vụ đi lựa chọn sơn để phục vụ cho công trình bất động sản ở quận Thủ Đức, anh Nguyễn Toàn Thư đánh giá, tuy sơn Kova không đa dạng về màu sắc và dòng sản phẩm như sơn Dulux nhưng lại khá ổn ở công năng sản phẩm như chống thấm, đều màu và đặc biệt thích hợp với khí hậu nhiệt đới như tại Việt Nam.

“So với thương hiệu nổi tiếng như Dulux thì đây là ưu điểm đáng hoan nghênh của dòng sơn quốc nội”, anh Thư nhấn mạnh.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top