Trong những năm gần đây, nguồn cung nhà ở ngày càng trở nên khan hiếm. Yếu tố này đã đẩy giá căn hộ liên tục leo dốc, không chỉ ở phân khúc sơ cấp mà những căn hộ chung cư cũ cũng vậy.
Mới đây, anh Văn Thanh (Trung Hòa, Cầu Giấy) đã ra văn phòng công chứng để ký chuyển nhượng căn hộ chung cư 3 phòng ngủ có diện tích 117m2. Gần 2 năm trước, vợ chồng anh Thanh đã xuống tiền mua căn hộ này với giá 3,2 tỷ đồng. Vì là mua lại căn hộ đã qua sử dụng, gia đình anh đã sửa sang và làm lại nội thất khi về ở, tiêu tốn khoảng 200 triệu đồng. Hiện tại, căn hộ này được vợ chồng anh Thanh chuyển nhượng lại với giá 4,5 tỷ đồng.
Dù mới mua và sửa sang lại, anh Thanh vẫn quyết bán căn hộ này vì thay đổi trường học cho con và thấy giá nhà tăng cao, bán đi sẽ có lãi. Sau khi bán xong, anh đến khu trường của con mình để tìm mua căn hộ của một dự án mới. Lúc này, anh Thanh mới tá hỏa vì mức giá ở đây quá cao dù xét về diện tích và mặt bằng không thể bằng nơi ở cũ.
Tính đến nay, anh Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) dù đã chuyển về nơi ở mới được hơn 1 tháng, tuy nhiên, anh vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi bán được một căn hộ chung cư cũ ở quận Hoàng Mai với mức giá ngoài sức tưởng tượng.
Theo Báo Lao Động, vào năm 2017 anh Đức có mua một căn hộ ở chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) có diện tích 66m2 với giá gần 1,1 tỷ đồng (tương đương 16 triệu đồng/m2). Đến tháng 8 năm nay, anh đã bán căn hộ trên với giá 1,65 tỷ đồng, tức là chênh 550 triệu đồng so với thời điểm mua.
Tương tự, cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Đức Mạnh (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) cũng mới “sang tay” được căn hộ chung cư Gemek 1 với giá 2,2 tỷ đồng. Được biết, căn hộ này được vợ chồng anh Mạnh mua vào năm 2018 với giá 1,4 tỷ đồng với diện tích 82m2. Khi thấy nhiều người hỏi mua lại với giá cao, vợ chồng anh đã quyết định bán căn nhà cũ đi để chốt lời.
Tuy nhiên, đến khi tới dự án mới cách nơi đang ở không xa để hỏi thăm, anh Mạnh phát hiện số tiền 2,2 tỷ đồng không đủ để mua. Vì không muốn ảnh hưởng đến việc học hành của con, vợ chồng anh buộc phải đi thuê nhà ở gần đó.
Liên quan đến vấn đề này, báo cáo mới đây của Savills cho thấy, giá bán căn hộ và nhà đất trên thị trường sơ cấp đều tăng giá trong quý 3 năm nay, đồng thời kéo dài chuỗi tăng 19 quý liên tiếp dù bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều ảm đạm. Cụ thể, giá bán sơ cấp của phân khúc chung cư là 54 triệu đồng/m2, tương đương với mức tăng 2% theo quý và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán căn hộ sơ cấp đã tăng liên tiếp trong 19 quý và cao hơn 77% so với quý 1/2019 (trước khi dịch bệnh bùng phát). Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt mức 36 triệu đồng/m2, tăng 2% theo quý và tăng 8% theo năm.
Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường chung cư tại Hà Nội và TP.HCM thời điểm hiện tại về cơ bản không có nguồn cung và dự án mới, giá vẫn ở mức cao. Đặc biệt, nguồn cung tại phân khúc căn hộ ngày càng hạn hẹp vì giá trị đất tăng cao. Không còn cách nào khác, các chủ đầu tư buộc phải tăng giá trị căn hộ do giá nguyên vật liệu xây dựng cũng đang tăng phi mã. Chưa kể, kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng khiến cho giá căn hộ tăng cao.
Người dân chuyển sang săn lùng nhà cũ vì giá nhà mới quá cao
Dễ dàng thấy được, nhu cầu mua chung cư mới của người dân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lựa chọn tìm mua chung cư cũ vì áp lực giá cả.
Cụ thể, anh Quân (quê Thái Bình) đến nay đã sinh sống và làm việc tại Hà Nội được 15 năm nhưng vẫn ở nhà thuê. Mấy năm nay, vợ chồng anh ấp ủ góp tiền và vay mượn thêm để mua một căn hộ chung cư cũ nhưng vẫn không thành bởi mức giá cao, lãi suất ngân hàng lớn.
Theo anh Quân, vợ chồng anh có chưa đến 2 tỷ đồng, nếu mua một căn hộ chung cư mới xây phải vay thêm khá nhiều. Vì thế, vợ chồng anh loại bỏ phương án này vì lãi suất cao, thu nhập không ổn định. Mấy tháng qua, anh tìm kiếm những căn hộ chung cư đã qua sử dụng. “Nhiều dự án chung cư mới vẫn chưa có sổ, trong khi những dự án chung cư cũ lại pháp lý rõ ràng, khiến vợ chồng tôi yên tâm hơn”, người này bổ sung.
Đồng cảnh ngộ, chị Nhung (quê Hà Tĩnh) cũng mới xuống tiền mua một căn hộ đã qua sử dụng. Chị cho biết, hầu hết những căn hộ mới tại Hà Nội đang được bán với giá cao. Nếu mua những căn hộ đang xây dựng sẽ phải đợi 1,5-2 năm mới được nhận nhà, ngoài ra còn có nhiều rủi ro khác. Chưa kể, giá cả cũng là lý do mà chị Nhung lựa chọn chung cư cũ.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận xét: “Thời gian thẩm định pháp lý cũng như hoàn thiện hồ sơ cấp phép dự án kéo dài nên các dự án thường bị đội giá”. Những dự án mở bán sau khó có thể đưa ra mức giá thấp hơn dự án trước cùng phân khúc. Do đó, giá bán sơ cấp khó giảm nếu nguồn cung bất động sản vẫn bế tắc và dòng vốn tín dụng chưa được khơi thông.