Sau bao năm dành dụm, vợ chồng chị Kim (32 tuổi, quê Nghệ An) quyết tâm mua nhà ở TP.HCM. Đó là một căn nhà hẻm ở huyện Nhà Bè, chủ nhà là người quen và cũng cần tiền gấp nên bán giá chưa đến 4 tỷ đồng.
Trừ đi số tiền tiết kiệm và được bố mẹ hai bên cho, chị cần vay ngân hàng thêm 2 tỷ nữa. Đây là lúc hai vợ chồng bắt đầu "mệt mỏi".
Chịu mất cọc hoặc tìm nguồn vay khác
Tôi cứ nghĩ có thu nhập ổn định và ở mức cao, lại là vay mua nhà lần đầu thì sẽ dễ dàng, ai dè phải chạy vạy khắp nơi suốt mấy tuần qua. Một số ngân hàng chỉ nói đã hết room, còn đa số hẹn tôi sang tháng 7 giải ngân, khổ nỗi chủ nhà cần tiền gấp nên không đợi được", chị Kim tâm sự.
Hiện chị đã vay mượn bạn bè và người thân, mỗi người một ít để thanh toán cho chủ nhà. Trong lúc này, chị giữ liên lạc với nhân viên ngân hàng chờ tin báo nới room.
Rơi vào tình huống khó xử hơn chị Kim, anh T. (TP.HCM) thậm chí đã đặt cọc 1 tỷ đồng cho chủ miếng đất ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) sau khi được ngân hàng "hứa" cho vay. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, nhân viên ngân hàng báo tín dụng bất động sản đã bị siết nên không thể giải ngân.
Lúc này, anh buộc phải thương thảo với chủ đất để kéo dài thời hạn thanh toán và vay mượn nguồn khác. Nếu không, số tiền đã cọc coi như mất.
Còn anh Lê Anh, một nhà đầu tư lâu năm, làm hồ sơ vay 5 tỷ đồng từ tháng 4 nhưng đến tháng 5 mới được giải ngân.
"Phía ngân hàng mãi không có động thái gì, đến khi tôi hỏi thì mới nói đã xong thủ tục nhưng chỉ giải ngân được 3 tỷ đồng, 2 tỷ đồng còn lại khi nào có khách trả thì mới có room để "xả" cho tôi. Thủ tục giấy tờ cũng bị yêu cầu khắt khe hơn trước. Dù biết trước về chủ trương nhưng tôi vẫn bất ngờ vì là khách VIP nhiều năm của ngân hàng, có lịch sử trả nợ tốt mà vẫn gặp khó", anh Lê Anh chia sẻ.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cũng chỉ ra có trường hợp dự án đang trong tiến độ thanh toán thì ngân hàng ngừng giải ngân, khiến cả chủ đầu tư lẫn người mua đều chới với.
Chia sẻ với Zing, nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết đã ngừng duyệt hồ sơ cho vay mua bất động sản ít nhất đến hết tháng 6. Trước đó, một số dự án nhà ở đã được ngân hàng bảo lãnh ít bị ảnh hưởng, còn hầu hết trường hợp giao dịch vay để mua đất, mua nhà dân sẽ bị kiểm soát chặt hơn, thời gian phê duyệt và giải ngân kéo dài.
"Khó dễ không nằm ở nhu cầu vay mua ở hay đầu tư, mua nhà hay mua đất nền, mà thực tế là room tín dụng của nhiều ngân hàng đã cạn, đang chờ đợt nới room tiếp theo. Theo tôi biết, đa số ngân hàng nước ngoài vẫn cho vay bình thường. Còn ngân hàng trong nước thì khó hơn, một số bên còn room chỉ ưu tiên khách hàng lâu năm, nhưng lãi suất chênh 1 - 2% so với trước", người này nói thêm.
"Giá nhà chưa giảm, thanh khoản đã rơi"
Chủ trương siết tín dụng bất động sản vốn được coi là giải pháp hạ nhiệt thị trường, đồng thời bảo vệ hệ thống tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua giá bất động sản vẫn liên tục leo thang ở nhiều phân khúc.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết thị trường nhà ở tại TP.HCM tháng 4 vừa qua đã chứng kiến mức tăng giá mạnh từ 5-10% chỉ trong vòng một tháng.
Số liệu của Batdongsan cũng cho thấy giá rao bán căn hộ ở Hà Nội trong 4 tháng đầu năm tăng đến 9%, gấp 1,5 lần mức tăng trung bình của cả năm 2021. Trước thời điểm các ngân hàng siết cho vay bất động sản, mức tăng thường ổn định ở mức 5%.
Thậm chí, quý I/2022, giá sơ cấp biệt thự ở Hà Nội tăng 30%, nhà phố liền kề tăng 73% và nhà phố tăng 79% so với cùng kỳ năm trước, theo Savills.
Tình trạng này được lý giải do nguồn cung ngày càng giảm trong khi nhu cầu không ngừng tăng. Bên cạnh những nguyên nhân từ việc thủ tục cấp phép kéo dài hay tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng tăng cao, nguồn cung cũng chịu tác động mạnh từ động thái siết tín dụng.
"Càng siết, cung càng giảm sốc, giá càng tăng mạnh hơn, những người như tôi lại càng tìm mọi cách huy động vốn để đầu tư. Còn những người mua nhà ở thực không có nhiều tiền để "đu" như vậy, trong khi họ mới là động lực chính cho thanh khoản của thị trường. Vậy mới nói giá nhà chưa giảm, thanh khoản đã rơi", anh T. nêu quan điểm.
Thực tế, thanh khoản nhà, đất đang ngày càng gặp khó khi dữ liệu nghiên cứu thị trường của các công ty tư vấn bất động sản đều cho thấy sự sụt giảm mức độ hấp thụ sản phẩm lên đến hàng chục phần trăm ở nhiều phân khúc.
Đó là lý do PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần xem xét tín dụng bất động sản một cách linh hoạt, phù hợp, từ đó siết một cách có chọn lọc thay vì cào bằng mọi đối tượng.
Ông đề xuất thay vì siết, Chính phủ nên đẩy mạnh cho vay với những người mua nhà có nhu cầu ở thực, đặc biệt trong giao dịch sản phẩm thuộc dự án chung cư bình dân, trung cấp, ưu đãi với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân./.