Cuối năm, dịch vụ vệ sinh nhà cửa lên ngôi
Kể lại câu chuyện vệ sinh nhà cửa để đón Tết năm ngoái, chị Nguyễn Thục Anh, ở Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội vẫn thấy mỏi. Do lượng công việc cuối năm bận tối mày tối mặt nên chị chỉ lo làm sao cho xong việc trước Tết để còn có cái thưởng tươm tất cho anh em trong Cty. Vì vậy, việc nhà chị tạm gác lại với suy nghĩ chủ quan, chỉ cần tăng thêm chút tiền công kiểu gì chẳng có người làm. Đúng 27 Tết, việc Cty xong, chị mới bắt tay vào lo làm đẹp nhà cửa. Nhưng gọi điện cho mấy nơi làm vệ sinh theo giờ, rồi nhờ cả người giúp việc thời vụ ở mấy trung tâm việc làm, chỗ nào cũng kêu bó tay vì thời gian quá gấp gáp. Trong khi đó, trước ngày ông Công, ông Táo họ đã kín lịch đặt trước của các gia chủ khác. Thậm chí, có nơi làm tối mày tối mặt tới tận 29 Tết vẫn chưa hết việc. Cậy nhờ người giúp việc của mấy người bạn, chị cũng chỉ nhận được lời than thở, bởi đội ngũ này đã sớm về quê, để lại gia chủ với ngổn ngang nhà cửa.
Vợ chồng chị cùng hai cậu con trai xắn tay vào việc. Nhà đến nửa năm chưa tổng vệ sinh, chưa kể bụi từ mấy công trình xây dựng bên cạnh nên sờ chỗ nào cũng thấy bụi. Cố lau dọn cả nhà cũng chỉ hoàn thiện được phần bên trong nhà, còn phía ngoài chỉ lo được mặt tiền tầng 1, còn 3 tầng trên chấp nhận buông bỏ. Rút kinh nghiệm, Tết dương lịch mới rồi, chị liền tìm cho mình hai người giúp việc với thỏa thuận về lương và giờ làm.
Câu: “Nhà bao việc” rất đúng ở thời điểm cuối năm. Năm ngoái, chị Trịnh Thu Thủy, Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng bở hơi tai mới tìm được hai người giúp vệ sinh nhà cửa. Nhà chị chỉ có hai tầng nhưng rộng, bốn phía không bị che chắn và đều cần làm sạch. 26 Tết, nhìn khắp nhà, hai nhân viên vệ sinh không khỏi lưỡng lự, bởi nếu làm hết cả trong lẫn ngoài nhà chắc chắn họ sẽ không làm được cho một nhà khác đã trót nhận lịch từ trước. Cuối cùng, chị Thủy bèn đưa ra giải pháp, phía trong nhà, gia chủ tự tay vệ sinh, còn bên ngoài là phần việc của thợ. Ấy vậy mà phải mất 6 giờ làm việc gần như liên tục thợ mới xong phần việc bên ngoài. Năm nay, sau Tết dương lịch, chị Thủy đã tìm được một đội vệ sinh nhà cửa chuyên nghiệp gồm 4 người. Làm ở thời điểm này vừa không bị động, giá cả cũng dễ chịu, quan trọng hơn là thợ có thời gian làm việc chu đáo.
Càng sát Tết giá cả càng leo thang
Sát Tết năm ngoái, giá dọn vệ sinh theo giờ tăng vùn vụt từng ngày, càng sát Tết giá càng cao, dao động từ 60.000-100.000 đồng/giờ. Chưa kể, một số gia đình khoán việc, một ngôi nhà 4 tầng, rộng 60m2 một sàn có giá từ 2 - 4 triệu đồng. Chính vì giá vệ sinh nhà leo thang nên gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng, Nam Đồng, quận Đống Đa lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi bà giúp việc nằng nặc xin về đoàn viên với gia đình vào ngày 25 Tết.
Nghĩ người ta lăn lộn với gia đình cả năm, chỉ dám về quê có ba lần nên mọi người trong gia đình ông Hùng tán thành ngay. Sự thực, sau khi rời nhà, bà giúp việc liền đầu quân cho một nhóm chị em cùng quê nhận việc vệ sinh nhà cửa cho các hộ gia đình khác. Lý do, trước đó một bà trong nhóm khẳng định, nếu chịu khó làm, sau bốn ngày mỗi người sẽ kiếm không dưới 4 triệu đồng, tương đương lương giúp việc cả tháng.
Ở thời điểm này, các trung tâm giúp việc gia đình rầm rộ thông báo giá dịch vụ lau nhà trong những ngày sát Tết. Mặc dù số lượng người lao động có nhu cầu làm công việc này cao hơn ngày thường đến 20% nhưng tiền công cũng tăng theo, trung bình từ 500.000 đồng/người/ngày. Giá lau nhà ngày Tết cũng được nhiều công ty, trung tâm dịch vụ giúp việc đẩy lên, tính theo mét vuông. Có ý định thuê người về dọn nhà nhưng nhẩm tính số tiền phải trả cho thợ vệ sinh nhà và tiền phần trăm cho Cty làm về dịch vụ này, chị Lê Lan Anh, Hoàng Minh Giám, quận Ba Đình, Hà Nội không khỏi phát sốt, bởi ngoài số tiền 2 triệu đồng cho việc vệ sinh 3 tầng nhà, chị còn phải trả phí dịch vụ được tính 15.000 đồng/m2 trên diện tích mặt sàn bao gồm cả cửa sổ và thanh vịn cầu thang. Trong trường hợp phải lau thêm bàn ghế, tường nhà thì gia chủ phải trả 400.000 - 600.000 đồng phụ phí. Bên Cty nói đấy là giá mềm ở thời điểm này, chậm thêm chục ngày nữa có muốn trả thêm cũng chẳng có người làm. Cuối cùng, chị chọn giải pháp tự vệ sinh nhà cửa, mỗi ngày làm chút ít, có thế mới dư chút tiền lo Tết.
Với những người nhận việc vệ sinh nhà cửa cuối năm, mặc dù tiền công có cao cũng không đơn giản, bởi liên tục phải làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt. Có gia đình, chủ nhà thuyết phục khéo nên thợ cũng tặc lưỡi chấp nhận làm tới 23g. Về nhà người đau ê ẩm, ăn qua loa rồi đi ngủ ngay để sáng sớm hôm sau bắt đầu vòng quay mới.
Chị Nguyễn Thị Lụa, quê Ý Yên, Nam Định, năm ngoái cùng cô em gái làm gần chục ngày sát Tết vẫn không hết việc. Bù lại, họ có một khoản kha khá trang trải Tết, lo tiền học hành cho con cái. Năm nay, sẵn những mối quen cũ, chị thành lập một đội 6 người nhận việc ngay từ thời điểm này. Thợ mới vừa làm vừa được chị đào tạo: “Nhóm tôi tự thành lập nên chủ nhà không phải mất tiền cho Cty môi giới, vì thế họ khá thoải mái, lo cho bọn tôi dụng cụ dọn vệ sinh từ cây chổi đến nước lau kính, lau nhà vệ sinh”, chị Lụa nói.
Không phải chủ nhà nào cũng dễ tính, có ngôi nhà tưởng dễ làm nên cả nhóm nhận khoán theo số tiền hai bên thỏa thuận trước. Khi bắt tay vào việc mới thấy ớn, vì gia chủ tầng nào cũng nhiều đồ gỗ, chưa kể một loạt ngóc ngách từ lâu chưa được vệ sinh. Còn trường hợp nhận trả công theo giờ, sợ thợ “câu giờ” nên không ít chủ nhà luôn kè kè bên cạnh nhắc việc, thậm chí than thở cái cửa này sạch sẵn sao cứ lau mãi thế.
Nhẩm tính từ giờ tới ngày 28 Tết, chị Lụa khoe cả nhóm còn gần hai chục nhà nữa đã có hợp đồng làm vệ sinh. Có nhà vừa nhiều tầng, vừa rộng làm hai ngày chưa chắc đã xong. Mệt tí chút, bù lại mỗi người sẽ có thêm khoản thu nhập kha khá để sắm sửa Tết cho gia đình.