Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu: Hiệu ứng dây chuyền và hai mặt của một đồng xu
Nhìn từ những thiệt hại nặng nề mà các thành phố phải chịu sau cơn bão số 3 và số 4 vừa qua, liệu đâu sẽ là hướng tồn tại và phát triển đúng đắn cho đô thị trước biến đổi khí hậu? Các thành phố sẽ phải ứng phó như thế nào nếu thiên tai ngày càng mạnh hơn, dữ dội hơn?
****
Hiệu ứng dây chuyền
Bão Yagi và bão số 4 liên tiếp đổ bộ vào đất liền nước ta trong tháng 9/2024 đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho các thành phố khu vực miền Bắc và miền Trung.
Bão Yagi gây thiệt hại lớn về người với 292 người chết, 37 người mất tích tại khu vực phía Bắc. Mưa lớn sau bão đã gây ra một đợt lũ diện rộng 20/25 tỉnh miền Bắc, khiến hơn 70.000 hộ bị ngập.
Ngay khi các tỉnh miền Bắc còn chưa kịp phục hồi sau cơn bão Yagi, ngày 18 - 19/9, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4 đã áp sát miền Trung, vị trí tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 160km về phía Đông, đổ bộ các khu vực từ tỉnh Quảng Bình đến Quảng Trị. Sau khi vào đất liền, bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên mang theo lượng mưa rất lớn cho các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, gây ngập lụt và sạt lở ở nhiều nơi.
Tính đến ngày 23/9, bão số 4 gây ra 77 điểm chia cắt tại các tỉnh miền Trung, làm 1 người bị thương; 93 nhà hư hại như tốc mái, đổ tường; 2 điểm trường bị hư hỏng, tốc mái; ngập cục bộ đường, ngầm tràn 16 điểm giao thông. Đã có hơn 2000 hộ dân phải di dời, sơ tán nhằm tránh sạt lở, ngập lụt.
Mưa lớn, ngập lụt, sạt lở mới chỉ là những hậu quả ban đầu do bão lớn gây ra. Kéo sau đó, những tổn hại nặng nề về kinh tế - xã hội bắt đầu hình thành và lan tỏa trên diện rộng.
Về kinh tế, phát biểu tại Hội nghị tiếp nhận viện trợ khẩn cấp của đối tác quốc tế cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi ngày 18/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thiệt hại kinh tế do bão là hơn 2 tỷ USD (gần 50.000 tỷ đồng), dự kiến khi thống kê đầy đủ khoảng 2,5 tỷ USD.
Mức mới này gấp 5 lần so với tổng thiệt hại thiên tai năm 2023 và cao hơn thiệt hại thiên tai ba năm gần nhất cộng lại. Dự báo thiệt hại kinh tế do bão có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng 6,8 - 7%. Tốc độ tăng trưởng của một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai có thể giảm trên 0,5%. Riêng thiệt hại tại tỉnh Quảng Ninh - nơi tâm bão đi thẳng vào vùng biển và đất liền, đã bằng 1/2 thiệt hại của cả nước do bão Yagi gây ra.
Về xã hội, có thể thấy rõ ràng, cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mất gia đình, mất nhà cửa, mất sinh kế, bão chỉ đến trong vài ngày, nhưng có thể cuốn bay gia tài cả một đời người dễ dàng hơn bao giờ hết.
“Hiệu ứng dây chuyền” của bão Yagi và bão số 4 đã khiến cái bóng u tối của thiên tai bao trùm lên cuộc đời của hàng vạn người và số phận của hàng chục thành phố. Nhưng có lẽ, “hiệu ứng dây chuyền” đã không chỉ bắt đầu kể từ khi cơn bão đi vào đất liền.
Tại thành phố Hà Nội, sau bão Yagi, người ta ngạc nhiên vì hàng chục gốc cây bị bão quật ngã mà bên dưới bộ rễ vẫn còn nguyên những chiếc bọc nilon không thể phân hủy. Không có cách nào cho bộ rễ - vốn đã phải giành giật từng chút ít chất dinh dưỡng trong lớp đất dưới lớp gạch, cát, xi măng lát đá vỉa hè, có thể xuyên qua lớp nilon đó mà đứng vững được. Thế là bão đến, cây đổ, nặng thì đè lên người và phương tiện, nhẹ thì chắn đường, gây ùn tắc giao thông. Trong hàng nghìn người đi làm ở Hà Nội sau cơn bão, có mấy ai nghĩ mình có thể mất một ngày công vì một chiếc bọc nilon chưa gỡ?
Bão Yagi cũng trở thành một “phép thử bất đắc dĩ” với chất lượng của các công trình xây dựng tại các đô thị. Tại thành phố Hạ Long, nhiều vách kính mặt đứng của các tòa nhà cao tầng, chủ yếu là khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng, shophouse bị bão gió thổi bay, cho thấy liên kết khung vào kết cấu bao che hoặc liên kết vào hệ thống chịu lực rất kém. Tại Hà Nội, hàng nghìn hộ dân sống trong các chung cư cao tầng phải tìm đủ mọi cách để ngăn nước vào nhà, từ dùng khăn thấm, chậu hứng, cho đến những biện pháp dở khóc dở cười khác. Những công trình này đâu có xuống cấp hay trở nên kém chất lượng chỉ trong ngày một ngày hai khi cơn bão ập tới?
Ở một góc nhìn vĩ mô hơn, nghiên cứu mới công bố tháng 7/2024 của các nhà khoa học tới từ Đại học Rowen, Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ) và Đại học Công nghệ Nanyang (thuộc Đại học Quốc gia Singapore) đã chứng minh, các cơn bão nhiệt đới (tropical cyclones) đổ bộ vào khu vực Đông Nam Á đang có xu hướng hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và lưu lại lâu hơn trên đất liền.
Theo đó, thông qua phân tích 64.000 cơn bão hình thành và đổ bộ từ thế kỷ XIX cho đến thế kỷ XXI bằng nhiều mô hình mô phỏng khí hậu khác nhau, các nhà khoa học đã nhận thấy biến đổi khí hậu đã làm thay đổi đường đi của các cơn bão nhiệt đới trong hàng trăm năm qua. Nhờ vào hiện tượng nước biển ấm lên, các cơn bão càng lấy được nhiều năng lượng từ nước biển, dần hình thành gần bờ biển hơn và di chuyển trên đất liền với tốc độ chậm hơn, gây ra nhiều thiệt hại cho dân cư Đông Nam Á.
Năm 2023, một nghiên cứu có tên “Tác động của đô thị đến lượng mưa của bão nhiệt đới đổ bộ vào đất liền: Nghiên cứu số về bão Rumbia (2018)” đăng trên Tạp chí khoa học Springerlink của các nhà khoa học đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh đã chỉ ra rằng, khi cơn bão Rumbia đi qua các thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Dương Tử (Trung Quốc), lượng mưa bên trong lõi của cơn bão tăng khoảng 10%. Nguyên nhân được cho là do ma sát bề mặt đô thị làm chậm gió tiếp tuyến, sau đó phá hủy sự cân bằng độ dốc, tăng gió hướng tâm đồng thời tăng chuyển động hướng lên trong lõi cơn bão, khiến lượng mưa tăng lên.
Liên đoàn Địa Vật lý Hoa Kỳ cũng đã nghiên cứu và kết luận rằng, bão mùa hè thường trở nên dữ dội hơn, gây mưa nhiều hơn đến 15% tại các khu vực đô thị do không khí nóng hơn. Ô nhiễm không khí trên bầu trời đô thị cũng có thể tác động đến lượng mưa do bão gây ra.
Có thể nói, cùng với biến đổi khí hậu toàn cầu, đô thị hóa cũng góp phần khiến bão nhiệt đới và các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên nghiêm trọng hơn. “Hiệu ứng dây chuyền” phải chăng đã bắt đầu từ trong chính đô thị với những vấn đề muôn thuở về môi trường, cảnh quan, kiến trúc, chất lượng cuộc sống? “Bánh xe số phận” phải chăng đã bắt đầu quay khi không khí tại đô thị luôn nóng hơn, cây cối tại đô thị luôn dễ đổ hơn, bề mặt địa chất luôn khó thấm nước hơn và hằng hà sa số những vấn đề ô nhiễm khác?
Hai mặt của một đồng xu: Thích ứng hay giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu?
Khi một cơn bão lớn qua đi hay khi đứng trước cảnh báo về những cơn bão sẽ mạnh hơn trong tương lai, câu hỏi nên được đặt ra với các thành phố, không chỉ là làm thế nào để hạ tầng đô thị đứng vững trong thiên tai, làm thế nào để tất cả người dân đều an toàn trong những ngôi nhà đạt chuẩn, làm thế nào để nguồn cung ứng lương thực không bị đứt gãy, mà còn là làm thế nào để sự tồn tại và phát triển của đô thị không làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo tác giả Lorenzo Chelleri, Chủ tịch của Mạng lưới nghiên cứu khả năng phục hồi của đô thị (UR-Net), Giảng viên tại Đại học Quốc tế Catalonia (Tây Ban Nha), biến đổi khí hậu không phải là một rủi ro, mà là “hệ số nhân rủi ro”, ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường, thói quen sinh hoạt và nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên.
Trong khi đó, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu được vạch ra bởi các thành phố vẫn rơi vào cái bẫy hai mặt của một đồng xu: giảm thiểu biến đổi khí hậu hay thích ứng với biến đổi khí hậu? Cần giảm thiểu biến đổi khí hậu (như giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường đa dạng sinh học,..) hay chấp nhận và tìm cách sống chung với tình trạng đó?
Trên thực tế, nếu chúng ta chỉ lựa chọn một trong hai mặt của đồng xu, hoặc thực hiện cả hai theo một cách riêng rẽ và không có hệ thống, rất dễ xảy ra tình trạng xung đột và dẫn đến “hành động đánh đổi vì biến đổi khí hậu” chứ không phải “phục hồi khí hậu”. Đơn cử, khoảng 10 năm trước, Brazil đã từng thực hiện chiến lược thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh học như một hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua giảm phát thải carbonic. Tuy nhiên, chiến lược này dẫn đến tình trạng phá rừng trên diện rộng để trồng mía làm nhiên liệu sinh học, gây tổn hại đến cả những khu vực nhạy cảm về đa dạng sinh học như rừng mưa Amazon. Các nhà máy điện mặt trời cũng gây ra tình trạng khan hiếm nước và công trình thủy điện cũng tác động mạnh đến môi trường xung quanh.
Tác giả Lorenzo Chelleri nhấn mạnh: “Tại sao chúng ta lại thực hành sai cả 2 mặt của một đồng xu? Vì chúng ta đã hành động theo kiểu tách biệt và mất cân bằng. Tại sao lại so sánh, đối chiếu và lựa chọn giữa thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngắn hạn với giảm thiểu biến đổi khí hậu trong dài hạn khi cả hai đều là một phần của hành động vì khí hậu”?
Do đó, tác giả Lorenzo Chelleri cũng đề xuất tư duy về phục hồi khí hậu như một cách tiếp cận hoàn chỉnh cho việc xây dựng và phát triển các thành phố thân thiện với môi trường.“Nếu giảm thiểu là một mặt của đồng xu và thích ứng là mặt còn lại, thì phục hồi chính là đồng xu”.
Cách tiếp cận này đòi hỏi phải chuyển đổi cơ sở hạ tầng, kinh doanh và xã hội, thay đổi cấu trúc của các tòa nhà và thói quen để các mối đe dọa (như đảo nhiệt đô thị, lũ lụt,...) không còn là rủi ro nữa mà là một yếu tố cùng tồn tại. Tư duy phục hồi khí hậu đòi hỏi phải có sự kết hợp có hệ thống giữa thích ứng và giảm thiểu, giải quyết các vấn đề theo tính phức hợp, cân bằng giữa ngắn hạn và dài hạn, đồng thời cần có sự tham gia của nhiều lực lượng xã hội và sự đóng góp của nguồn lực xã hội lớn. Nói cách khác, thách thức của tư duy phục hồi là sự góp mặt đồng thời của nhiều biện pháp vì khí hậu và môi trường cùng với rất nhiều thời gian.
Một trong những ví dụ điển hình của tư duy phục hồi là mô hình nhà nổi ở Amsterdam (Hà Lan). Là thành phố thấp hơn mực nước biển và luôn nằm trong nguy cơ ngập lụt cao, chính quyền thành phố Amsterdam đã cho xây dựng Schoonschip, cộng đồng 46 ngôi nhà trên mặt nước là một trong những dự án nhà nổi có tầm nhìn bền vững nhất Amsterdam. Cùng với thiết kế kiến trúc thân thiện với môi trường, hệ thống cung cấp năng lượng từ điện gió và điện mặt trời, hệ thống xử lý rác thải tối ưu, cộng đồng nhà nổi tại Amsterdam gần như đạt được một vòng tuần hoàn bền vững giữa kinh tế - môi trường - xã hội. Những căn nhà nổi cũng dễ dàng thích ứng với lũ lụt, nước biển dâng đồng thời giảm thiểu tác động xấu đến khí hậu bởi tính bền vững.
Barcelona (Tây Ban Nha) cũng đã thực hành tư duy phục hồi khí hậu một cách bài bản và nhận được nhiều kết quả tích cực. Tháng 11/2021, Văn phòng Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR) đã công nhận Barcelona là Trung tâm phục hồi của châu Âu (European Resilience Hub) nhờ các chính sách ứng phó với rủi ro thiên tai và khí hậu linh hoạt của thành phố này.
Một trong những chiến lược chính của Barcelona là chiến lược phủ xanh (The Greentree Barcelona) với tham vọng phủ xanh toàn diện thành phố, từ đó giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và cải thiện chất lượng không khí. Không chỉ dừng lại ở việc trồng và bảo tồn cây xanh, thành phố cũng ưu tiên chăm sóc đúng cách để đảm bảo sức khỏe và duy trì “rừng đô thị”.
Cùng với chiến lược phủ xanh, năm 2021, Barcelona cũng triển khai “The Nature Barcelona Plan” (tạm dịch: Kế hoạch thiên nhiên Barcelona) với mong muốn tăng cường hơn nữa diện tích không gian xanh của thành phố lên hơn 160ha trong giai đoạn 2020 - 2030. Kế hoạch này cũng vạch ra chiến lược tăng cường đa dạng sinh học trong thành phố bằng cách sử dụng các loài thực vật bản địa, tạo ra các hành lang động vật hoang dã và tích hợp cơ sở hạ tầng xanh vào quy hoạch đô thị.
Ở góc độ thích ứng, Barcelona đã thành lập các nơi trú ẩn trên khắp hành phố dành cho cư dân trong những ngày nắng nóng khắc nghiệt. Những nơi trú ẩn an toàn và mát mẻ được đặt tại trường học, công viên và những không gian công cộng khác nhằm giúp người dân dễ tiếp cận.
Ở góc độ giảm thiểu, Barcelona đầu tư hàng triệu đô la vào các kế hoạch triển khai và thực hành năng lượng sạch và giao thông bền vững như một yếu tố then chốt trong việc giảm phát thải, giảm tác động xấu tới môi trường. Thành phố này đã đầu tư đáng kể vào năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng điện (EV), thúc đẩy sử dụng xe đạp và chuyển sang xe đạp điện khi giao hàng chặng cuối để thúc đẩy tính bền vững trong giao thông.
Một biện pháp thích ứng khác được Barcelona thực hiện là kế hoạch Superblock (tạm dịch: Siêu khối). Superblock là các khu đô thị quy mô nhỏ ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng hơn là phương tiện cá nhân, tái thiết không gian đô thị bằng không gian công cộng và không gian xanh. Bằng cách tạo ra những khu phố xanh hơn, đáng sống hơn, Barcelona hướng đến mục tiêu giảm ô nhiễm không khí, cải thiện sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân.
Rõ ràng, phải cần rất nhiều thời gian, nguồn lực cùng nhiều góc nhìn, đánh giá chuyên sâu mới có thể cho ra được một kế hoạch hành động vì khí hậu hiệu quả cho từng thành phố. Nhưng, đi đúng hướng ngay từ đầu bao giờ cũng tốt hơn. Trong kế hoạch xây dựng và phát triển nhiều siêu đô thị, đại đô thị của chúng ta, các vấn đề khí hậu không thể chỉ là “yếu tố khách quan” nằm ngoài kế hoạch cả trong tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn. Hoặc có lẽ tư duy đánh đổi “trước khi là một thành phố xanh, nó phải là một thành phố đã” hiện không còn phù hợp, bởi có lẽ sẽ không bao giờ thành phố ấy kịp trở nên xanh hơn khi mà vốn dĩ đã nằm trong khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai./.