Aa

Đô thị thông minh nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Thứ Năm, 13/04/2017 - 21:00

Mục tiêu cơ bản của thành phố thông minh là quản lý hiệu quả năng lượng, giảm ô nhiễm, tăng cường an ninh, nâng chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân.

Thế nào là một đô thị thông minh?

Không có câu trả lời chuẩn xác, dù thuật ngữ “đô thị thông minh hay thành phố thông minh” đã trở nên phổ biến khi nhiều thành phố lớn trên thế giới tìm cách áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng sống của cư dân, trước áp lực đô thị phát triển quá nhanh trong những năm gần đây.

Bất kỳ lãnh đạo thành phố hay kỹ sư công nghệ sẽ nhận được những câu trả lời khác nhau về một đô thị thông minh hay thành phố thông minh. Khó có thể có một định nghĩa chính xác hoàn toàn.

Seoul – đô thị thông minh bậc nhất châu Á.

Seoul – đô thị thông minh bậc nhất châu Á.

Thành phố thông minh dường như là một khái niệm rộng lớn theo cách hiểu của nhiều người, nhưng về cơ bản đều đề cập tới việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông kết nối các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, xử lý dữ liệu lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống nơi đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhìn chung, để đánh giá thành phố thông minh sẽ phải dựa trên mức độ thông minh của cơ sở hạ tầng tác động lên các lĩnh vực giao thông, y tế, xây dựng, năng lượng, quản trị,…

Mục tiêu cơ bản của thành phố thông minh là quản lý hiệu quả năng lượng, giảm ô nhiễm, tăng cường an ninh, hay nâng chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân. Nhưng khó khăn lớn là cần nhiều tiền đầu tư cho hạ tầng. Và đó là lý do mà nhiều nơi đang tiến hành xây dựng thành phố thông minh từng bước.

Dựa trên thống kê, cuộc sống con người sẽ diễn ra trong khu vực đô thị. Hơn nửa dân số Trái đất hôm nay đã là dân thành phố, đến năm 2050, dự đoán tối thiểu sẽ là 70%. Khu vực thành phố cũng là nơi tiêu thụ phần lớn năng lượng toàn cầu và thải ra nhiều khí nhà kính nhất. Do đó việc phát triển thành phố trong tương lai có ảnh hưởng lớn tới môi trường. Khoa học, chính trị và công nghiệp đã nhận ra điều đó và đang định ra giải pháp cho các vấn đề liên quan đến quá trình đô thị hoá. Có lẽ một giải pháp dạng đó mang tên Đô thị thông minh/Thành phố thông minh, cũng còn được gọi là Đô thị tương lai hay Đô thị sinh thái.

Những thành phố thông minh nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

TS. Boyd Cohen là nhà phân tích chiến lược danh tiếng thế giới đã công bố bảng xếp hạng về xếp loại các thành phố thông minh trên thế giới. Thành phố thông minh được đánh giá dựa trên 6 thể loại chính mà thành phố đạt được, bao gồm có nền kinh tế thông minh, hành xử môi trường thông minh, quản trị thông minh, lối sống thông minh, giao thông thông minh và con người thông minh.

Seoul: là thành phố thông minh nhất xét về mặt quản trị kỹ thuật số và dữ liệu công cộng. Hiện nay, thành phố có hơn 1.200 bộ dữ liệu mở cho công chúng và rất sáng tạo trong việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ người dân tham gia, chẳng hạn như hệ thống OASIS trực tuyến, cho phép công chúng đưa ra đề nghị lập về các kế hoạch trực tuyến.

Singapore: là thành phố có tổ chức quy mô công nghệ tiên tiến hạng nhất và sạch sẽ nhất thế giới với hệ thống giao thông công cộng tuyệt vời và có sự cam kết mạnh mẽ để phát triển bền vững. Thành phố là một trong thành phố có “dấu chân” carbon thấp nhất so với bất kỳ thành phố khác trên thế giới, chỉ khoảng 2,7 tấn carbon dioxide (CO2)/đầu người.

Singapore danh tiếng là đô thị thông minh của cả châu Á và thế giới.

Singapore danh tiếng là đô thị thông minh của cả châu Á và thế giới.

Tokyo: Nhật Bản đã thành lập chiến lược cho năm 2020 bao gồm 8 mục tiêu cho tương lai. Trong đó bao gồm mục tiêu tăng khả năng phục hồi thảm họa thiên tai động đất, tạo ra năng lượng tái tạo tại địa phương, tạo 1.000ha không gian xanh mới, khuyến khích chương trình có sự tham gia của người dân và hòa nhập xã hội, tạo việc làm mới cho người khuyết tật….

 Khu đô thị xanh-thông minh Fujisawa, Nhật Bản.

Khu đô thị xanh-thông minh Fujisawa, Nhật Bản.

Hồng Kông: là một trong những thành phố có mật độ dày đặc nhất trên thế giới, người dân Hồng Kông đã chấp nhận giải pháp giao thông công cộng là trên hết. Hồng Kông được xem là một trong những thành phố sáng tạo nhất trên thế giới. Ủy ban Đổi mới và Công nghệ Hồng Kông được thành lập vào năm 2000 để hỗ trợ việc tạo ra 5 cụm nghiên cứu tập trung vào ô tô, công nghệ thông tin, hậu cần, công nghệ nano và dệt may.

Auckland: Auckland luôn luôn là một trong những thành phố đáng sống nhất trên thế giới và đây là nơi có hai phần ba trong số 200 công ty hàng đầu trong nước tập trung. Đầu năm nay, thành phố cam kết trở thành một trong 9 thành phố đầu tiên hợp tác với Microsoft trong việc ra mắt chương trình CityNext nhằm mục đích chuyển đổi thành phố và hỗ trợ đổi mới thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các lĩnh vực như vận chuyển, sử dụng năng lượng và trong các công trình xây dựng các tòa nhà.

Sydney: Sydney sử dụng các nguồn lực và sự quan tâm của Thế vận hội Olympic như một cách để tạo ra thành phố xanh của mình. Làng Olympic Sydney là một dự án phát triển hỗn hợp kéo theo việc thực hiện các giải pháp năng lượng tái tạo như lắp đặt 12 tấm quang điện trên mọi gia đình, xây dựng hệ thống tái chế chất thải mà dẫn đến kết quả trong việc tái chế lên đến 90% và mạng lưới kết nối giao thông công cộng.

Melbourne: Melbourne cũng đã có những tiến bộ vượt bậc để trở thành một thành phố bền vững và thông minh. Năm 2003, thành phố đã hoàn thành một trong những dự án năng lượng mặt trời đô thị lớn nhất và trong năm 2010, phát động “Chương trình 1.200 công trình” khuyến khích sự tham gia hơn nữa của các tòa lớn trong thành phố.

Osaka: Ngoài những cải tiến trong giao thông và thành phố sống tốt, Osaka đã thử nghiệm công nghệ nhà thông minh từ năm 2011. Phối hợp với các đối tác khác, dự án Smart Home của thành phố có sự kết hợp giữa các giải pháp năng lượng sạch và hệ thống quản lý năng lượng tại nhà (HEMS), kết quả là giảm 88% điện năng tiêu thụ so với nhà ở thông thường.

Kobe: Kobe đã tiến hành thực hiện xây dựng thành phố xanh của mình thông qua hệ thống đánh giá toàn diện trong Chương trình Hiệu quả Môi trường Xây dựng (CASBEE). Trong thập kỷ qua, thành phố cũng đã tìm cách chuyển đổi phương thức quản lý nước và rác thải đô thị, thay đổi chiến lược của mình tái chế và tái sủ dụng chất thải và nước thải.

Perth: Trong năm 2009, Perth bắt đầu một dự án 3 năm mang tên Thành phố Năng lượng Mặt trời Perth nhằm mục đích khuyến khích công nghiệp, kinh doanh và công chúng thay đổi cách thức sản xuất, sử dụng và tiết kiệm năng lượng. Dự án liên quan đến một loạt các công nghệ thông minh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top