Aa

Thành phố thông minh: Mơ hồ thuật ngữ và e ngại "mặt trái"

Thứ Sáu, 17/03/2017 - 03:00

Trong khi chính quyền nhiều thành phố trên thế giới và ngành công nghiệp công nghệ hào hứng với xu hướng thành phố thông minh, thì lại nổi lên mối lo ngại về mặt trái mà công nghệ thành phố thông minh có thể mang lại. Chẳng hạn, hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể bị lạm dụng dẫn tới vi phạm quyền riêng tư.

Các nhà cung cấp đang sốt sắng

Không chỉ những ông lớn công nghệ như IBM, Cisco, Intel mà còn có rất nhiều nhà cung cấp phần cứng, phần mềm và ứng dụng cũng sẵn sàng tham gia vào các dự án thành phố thông minh.

Ở thành phố Kansas, đối tác của Cisco là Sensity System, một nhà cung cấp đèn chiếu sáng ngoài trời công nghệ cao, đã lắp đặt các đèn LED trên đường phố với các bộ cảm biến giúp tự động điều chỉnh đèn mờ dần theo điều kiện sáng của môi trường xung quanh. Mặc dù chính quyền thành phố chưa cho biết ngân sách tiêu tốn cho hệ thống đèn LED mới, nhưng Sensity System tuyên bố hệ thống mới sẽ giúp thành phố tiết kiệm khoảng 4 triệu USD mỗi năm.

Với tham vọng cực lớn nhắm tới hàng tỷ bóng đèn đường trên toàn thế giới, Sensity đã phát triển một công nghệ, gọi là Light Sensory Networks, cho phép chuyển đèn đường LED thành một nền tảng cho dữ liệu và video cho các mạng IoT đầy hứa hẹn. Mỗi đèn đường LED có thể trở thành một thiết bị thông minh tích hợp cảm biến với một địa chỉ IP duy nhất trong mạng không dây băng thông rộng. Thiết bị thông minh đó có thể cung cấp năng lượng cho các thiết bị thông minh khác, như cảm biến video hay điểm truy cập Wi-Fi, tới hỗ trợ đỗ xe, giám sát hay những ứng dụng công nghiệp như hệ thống cảnh báo cho thành phố biết khi nào và ở đâu tuyết phủ dày cần phải dọn.

 

 

Tại tuần lễ siêu di động CTIA Super Mobility Week 2015 mới diễn ra ở Las Vegas, nhà mạng Verizon của Mỹ đã giới thiệu đèn đường thông minh do đối tác Illuminating Concepts sản xuất. Hệ thống đèn đường này được kết nối không dây với đám mây và có thể cung cấp những thông báo chung phát qua loa hoặc thông qua các bảng báo điện tử. Chúng cũng có thể phân tích sự ô nhiễm không khí và có các chức năng khác. Mỗi điểm như vậy tiêu tốn khoảng 6.000 USD, dù vậy giá còn phụ thuộc vào những cảm biến tích hợp và các chức năng đi kèm.

Các công ty viễn thông lớn của Mỹ đều đã nhảy vào cuộc chơi thành phố thông minh. Ở Kansas City, nhà mạng Sprint mới đây đã đầu tư 7 triệu USD phát Wi-Fi miễn phí xung quanh dọc theo tuyến đường xe điện 2,2 dặm.

Những e ngại mặt trái của thành phố thông minh

Trong khi chính quyền nhiều thành phố trên thế giới và ngành công nghiệp công nghệ hào hứng với xu hướng thành phố thông minh, thì lại nổi lên mối lo ngại về mặt trái mà công nghệ thành phố thông minh có thể mang lại. Chẳng hạn, hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể bị lạm dụng dẫn tới vi phạm quyền riêng tư.

Trong một bài báo có tựa đề “The Spectrum of Control: A Social Theory of the Smart City”, hai nhà khoa học xã hội Jathan Sadowski và Frank Pasquale đề cập đến một số mặt tiêu cực của các thành phố phủ kín mạng với các bộ cảm biến thông minh. Sadowski là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học bang Arizona, và Pasquale là giáo sư luật của Đại học Maryland.

Mục tiêu cơ bản của thành phố thông minh là quản lý hiệu quả năng lượng, giảm ô nhiễm, tăng cường an ninh, hay nâng chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân.

Hai ông cảnh báo những người ủng hộ thành phố thông minh đang tập trung cổ vũ cho sự thông minh của các mạng cảm biến, giúp giải quyết những vấn đề của thành phố, mà lờ đi mặt trái của nó. Một mạng lưới cảm biến phủ khắp nơi có thể được sử dụng để theo dõi quá kỹ việc đi lại của người dân, chẳng hạn thông qua hệ thống nhận diện khuôn mặt. Tùy vào động cơ của người sử dụng công nghệ, việc thu thập thông tin như vậy có thể là cần thiết nhưng cũng có thể bị lạm dụng cho mục đích mờ ám nào đấy.

Mục tiêu cơ bản của thành phố thông minh là quản lý hiệu quả năng lượng, giảm ô nhiễm, tăng cường an ninh, hay nâng chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân.

Nhiều nhà nghiên cứu xã hội khác cũng bày tỏ những mối quan ngại tương tự đối với các công nghệ thành phố thông minh, và chính quyền một số thành phố đã phải tìm cách trấn an người dân, cam kết cảm biến và các hệ thống thông minh khác sẽ không bị lợi dụng để xâm phạm sự riêng tư của mọi người.

Mơ hồ nhãn hiệu thành phố thông minh

Sadowski và Pasquale nằm trong số các nhà bình luận xã hội tỏ ra ngờ vực hiện tượng phát triển thành phố thông minh, và chỉ trích thuật ngữ “thành phố thông minh” được xác định theo cách hiểu quá rộng.

Họ cho rằng các “tay chơi” công nghệ lớn đang cố gắng khuếch trương mô hình thành phố lý tưởng và tìm cách lôi kéo các nhà lãnh đạo thành phố cùng các nhà đầu tư nhập cuộc, mở ra thị trường mới. Tuy nhiên, với sự phát triển ồ ạt và đầu tư lớn như hiện nay, nhãn hiệu “thành phố thông minh” khá mơ hồ, và điều này tạo ra nhiều việc làm cho những người đề xướng và nhà thầu cung cấp giải pháp cho thành phố thông minh. Việc gán nhãn cũng tạo ra vỏ bọc cho họ sẵn sàng phủi trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sai lầm hoặc kết quả không như lời hứa.

Về phía những người đề xướng thành phố thông minh, đương nhiên họ thấy những lý do chính đáng. Họ có thể so sánh để thấy thành phố thông minh phần nào giống với buổi bình minh của máy tính cá nhân (PC) hoặc mạng xã hội Facebook thuở sơ khai.

PC ban đầu thường được xem như là công cụ hữu ích thay thế cho máy đánh chữ, nhưng khả năng xử lý mạnh dần lên với nhiều tính năng phong phú trở thành thiết bị quan trọng trong đời sống và công việc, là cổng thông tin mở ra thế giới Internet rộng lớn. Và trước khi mạng xã hội Facebook “phủ sóng” toàn cầu, ít ai có thể hình dung kết nối di động quan trọng nhường nào cho hàng triệu con người.

Điều lý thú là chúng ta không biết những gì chúng ta không biết về công nghệ thành phố thông minh, Rick Usher, trợ lý quản đốc thành phố Kansas City đã dùng chữ “lý thú” đầy ẩn ý trong câu nói của mình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top