Người dân Hà Nội dường như đã quen thuộc với việc xem cửa ngõ trước nhà và đường phố như một phần ngôi nhà của mình. Các cửa hàng được bố trí ở tầng trệt, rộng cửa và nằm dọc trên các con phố nhằm thu hút sự chú ý của người qua đường. Điều gì sẽ xảy ra với cảnh quan đô thị của Hà Nội khi xu hướng di chuyển nơi ở từ nhà phố sang căn hộ chung cư ngày càng mạnh mẽ?
Là một trong những thành phố lớn mới nổi, quá trình đô thị hóa tại Hà Nội đang không ngừng chuyển biến.
Không chỉ là thay đổi về kiến trúc mà còn là tăng trưởng về kinh tế và xã hội trên cả nước, lối sống đô thị tại Việt Nam cũng ngày càng thay đổi.
Không giống như các thành phố cổ châu Âu, Hà Nội hiện vẫn chưa có những quảng trường có sức chứa lớn, chưa có nhiều công viên công cộng và chủ yếu các không gian này chỉ tập trung ở trung tâm thành phố. Trong khi đó, thành phố đang chú trọng đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như sân bay, đường cao tốc hay khu công nghiệp, những mảng xanh vẫn còn chưa được đồng bộ hoặc chỉ mới đi vào hoạt động.
Những vấn đề toàn cầu như như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và bùng nổ dân số đang ngày càng gia tăng trên diện rộng. Chính vì vậy, chính quyền và người dân đang dần nhận thấy tầm quan trọng của việc gia tăng mảng xanh cho đô thị, chắc chắn sẽ cần rất nhiều nỗ lực của các bên để có thể xây dựng một thành phố toàn cầu thực sự.
Nhận thấy tiềm năng này, nhiều chủ đầu tư bất động sản nhà ở cũng đang bắt kịp với cuộc cách mạng xanh và xây dựng các khu đô thị bền vững trong lòng thành phố.
Khái niệm “đô thị trong đô thị” hay “bất động sản tích hợp”, thường được dùng cho những dự án quy mô lớn. Theo JLL Việt Nam, mô hình này là một xu hướng trong tương lai của thị trường bất động sản Việt Nam. Mô hình này đề cập đến các dự án quy mô tương đương một thành phố nhỏ, nơi tích hợp nhiều chức năng trong một dự án như nhà ở, thương mại, giáo dục, giải trí, và nhiều tiện ích khác.
Những dự án này hướng đến mục đích cuối cùng là tạo ra không gian sống lý tưởng, nơi cư dân có thể sống, làm việc và giải trí. Nó bao gồm nhiều tòa nhà đa chức năng kết nối với nhau trong một tổng thể hài hòa về mặt kiến trúc và môi trường sống.
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL nhận định: “Thị trường bất động sản Việt Nam đang dần trưởng thành, người mua nhà ngày càng quan tâm hơn đến môi trường sống lành mạnh và bền vững để an cư hơn là một không gian để ở đơn thuần”.
Cũng theo đơn vị nghiên cứu quốc tế này, mô hình “đô thị tích hợp”, “bất động sản tích hợp” ngày càng phổ biến do các nhà phát triển bắt đầu tìm cách thu hút người mua, bằng cách kiến tạo các khu dân cư được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, giúp cư dân tương lai tránh sự phiền toái gây ra bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng và cơ sở hạ tầng công cộng tụt hậu.
Trong 4 năm qua, số lượng các dự án đã tăng lên đáng kể trong thị trường nhà ở Việt Nam. Thay vì tập trung tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, các dự án tích hợp quy mô lớn đang có xu hướng mở rộng sang các tỉnh, thành vệ tinh.
Một chuyên gia phân tích, việc các dự án phức hợp có xu hướng “rời” trung tâm là điều tất yếu. Do quỹ đất cạn kiệt, các đơn vị phát triển ngày càng khó tìm được một quỹ đất đủ lớn để phát triển mô hình tích hợp tại các khu vực trung tâm.
Theo ghi nhận của JLL, một dự án nên có diện tích từ 5ha trở lên mới đảm bảo không gian cho các tiện ích được tích hợp. Hơn nữa, các khu vực mới thường có quy hoạch mở hơn, giúp các nhà phát triển linh hoạt trong việc quy hoạch và thiết kế, nhằm mang đến không gian sống tối ưu cho cư dân.
Trong tương lai, JLL dự đoán, hầu hết các dự án “đô thị” sẽ được phát triển ở vùng ngoại ô, nơi quỹ đất còn tương đối dồi dào và khi mà khoảng cách đến trung tâm thành phố sẽ không còn là mối bận tâm lớn do sự phát triển cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng.
Chuyên gia JLL cho biết thêm, điểm cộng của bất kỳ dự án quy mô lớn nào là khả năng cung cấp một loạt các loại nhà ở cho nhiều nhóm người mua tiềm năng khác nhau, từ đó tạo ra sự đa dạng trong thành phần dân cư. Mặc dù vậy, mỗi tòa nhà nên được thiết kế tùy chỉnh cho mỗi nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể trên cơ sở hài hòa chung với môi trường sống tổng thể.