Aa

Đô thị Việt Nam còn lãng phí đất đai và biến tướng quy hoạch

Thứ Tư, 27/12/2017 - 06:15

Đây là nghiên cứu được TS. Trương Văn Quảng, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo: “Thực trạng quản lý đô thị & Nhu cầu nguồn nhân lực liên ngành trong quản lý phát triển đô thị Việt Nam” do Khoa Các khoa học liên ngành và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu châu Á, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Theo TS. Trương Văn Quảng, năm 1998, tỉ lệ đô thị hoá mới đạt khoảng 245, năm 2013 khoảng 32%... đến năm 2015 đã đạt 35,7%. Quy hoạch xây dựng đã thực sự góp phần tạo ra nguồn lực trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đô thị Việt Nam còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, số lượng đô thị tăng nhanh nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức.

Hệ thống hạ tầng kĩ thuật và xã hội còn thiếu đồng bộ và quá tải. Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các đô thị vẫn còn thấp như hệ thống giao thông đô thị chậm phát triển, thiếu đồng bộ, hệ thống cấp nước sạch và thoát nước của nhiều đô thị đã xuống cấp và lạc hậu, tình trạng ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do rác thải, nước thải chưa được xử lý.

Đô thị Việt Nam còn hiện tượng biến tướng quy hoạch. Ảnh: Hải Nguyễn.

Đô thị Việt Nam còn hiện tượng biến tướng quy hoạch. Ảnh: Hải Nguyễn.

Đặc biệt, quá trình xây dựng, phát triển đô thị còn sử dụng lãng phí tài nguyên đất, môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng và phát thải lớn, gây mất cần bằng sinh thái.

Chỉ rõ các nội dung về lãng phí tài nguyên đất và sự biến tướng của quy hoạch, TS. Quảng cho biết: Gần đây, trong quá trình phát triển đô thị, nhiều địa phương đã lấy phương thức phát triển các dự án “khu đô thị mới” làm chiến lược trọng tâm. Thực tế, nhiều dự án còn thiếu một mô hình, một khuôn mẫu, thiên về mô hình kinh doanh bất động sản hơn là một tầm nhìn cho sự phát triển bền vững đô thị.

Vậy nên, nhiều địa phương còn rất hào phóng cứ đâu có đất trống, ít phải giải phóng mặt bằng là ban phát các dự án cho các chủ đầu tư mà không cần đếm xỉa đến quy hoạch chung, đến lợi ích lâu dài của đô thị, của cộng đồng.

Bởi thế, đã hình thành nhiều dự án ảo, chiếm dụng đất để kinh doanh là chính. Đó là chưa kể sự biến tướng của các dự án phát triển khu đô thị mới như tăng mật độ xây dựng, chiều cao công trình, diện tích sàn xây dựng hoặc chuyển chức năng sử dụng đất từ dịch vụ công cộng sang công trình hỗn hợp có chức năng nhà ở... trệch hướng quy hoạch.

Một thực tế khác, việc chuyển nhượng, mua bán, đầu cơ đất đai không theo quy hoạch là chuyện thường tình mà chưa có chế tài điều tiết.

Tại hội thảo, TS. Quảng cũng thẳng thắn đề cập đến năng lực quản lý đô thị. Bên cạnh căn bệnh “nhiệm kì”, triết lí “quyền xin là của các nhà đầu tư, quyền cho là quyền năng của các nhà quản lí”... là sự buông lỏng, hay yếu kém trong năng lực của một bộ phận quản lí phát triển đô thị được giao quyền. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top