Aa

Đổ về Hóc Môn săn nhà đất giá mềm

Chủ Nhật, 10/06/2018 - 14:29

Đổ về Hóc Môn săn nhà đất giá mềm; Đại gia nào sở hữu khu biệt thự triệu đô bỏ hoang ở Hồ Tây?; Cổ phiếu ngân hàng “dậy sóng”, Vn-index “xanh vỏ đỏ lòng”; Vì sao người dân không rời chung cư cũ?;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Cổ phiếu ngân hàng “dậy sóng”, Vn-index “xanh vỏ đỏ lòng”

Thị trường mở cửa phiên giao dịch cuối tuần với sắc đỏ bao trùm. Tuy vậy, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa đã lớn bứt phá mạnh giúp các chỉ số mau chóng hồi phục và lấy được sắc xanh.

Cụ thể, TCB gây bất ngờ khi tăng trần lên 105.200 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh 2 triệu đơn vị. VPB tiếp tục chứng tỏ sức mạnh với việc tăng đến 4,6% lên 51.800 đồng/cổ phiếu. VCB, ACB hay BID đều tăng hơn 1% trong phiên hôm nay. Ngoài ra, các cổ phiếu vốn hóa lớn như PLX, MWG, SSI… cũng đóng góp đáng kể để kéo điểm số. Ở chiều ngược lại, GAS giảm 2,1% và SAB giảm 1,2% cùng MSN, HDB, HPG… là những nhân tố chính gây áp lực lên thị trường chung.

Chốt phiên giao dịch 8/6, chỉ số Vn-index tăng 2,32 điểm (0,22%) lên 1.039,01 điểm, Hnx-index tăng 0,87 điểm (0,73%) lên 119,86 điểm và Upcom-index tăng 0,04 điểm (0,07%) lên 53,81 điểm. Như vậy Vn-index có 1 tuần tăng điểm liên tiếp.

Thanh khoản toàn thị trường ở mức thấp, tổng khối lượng giao dịch đạt khoảng 210 triệu cổ phiếu, giá trị gần 5.400 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận gần 1.000 tỷ đồng.

Mặc dù điểm số tăng nhưng số mã đỏ áp đảo mã xanh (với 157/118 mã), dòng tiền đổ vào thị trường vẫn còn yếu khiến cho Vn-index kết thúc phiên trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”.

Xem chi tiết tại đây

Đổ về Hóc Môn săn nhà đất giá mềm

Nhiều hộ gia đình trẻ hiện cũng đang có xu hướng dịch chuyển về khu vực huyện Hóc Môn để tìm mua đất thổ cư, nhà phố, nhà lẻ hiện hữu với giá từ 2,5 tỷ đổ lại. Với tầm giá này, các khu dân cư mới, gần kề trung tâm hành chính quận, đang trong giai đoạn phát triển và định hình như Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Đông, Tân Thới Nhì, Trung Chánh là lựa chọn tốt nhất.

Nhà cấp 4 nằm trong các khu dân cư được nhiều người tìm mua

Nhà cấp 4 nằm trong các khu dân cư được nhiều người tìm mua

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại khu vực phường Bà Điểm, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng, hầu hết các căn nhà phố có diện tích sử dụng 64-90m2 hiện được bán với giá từ 1,4-2,5 tỷ/căn và thường hết sau 1 đến 2 tuần rao bán. Nếu nhà đất khu Đông thu hút khách mua là dân đầu tư, thì tại khu Tây, người mua chủ yếu là hộ gia đình trẻ tại Tp.HCM và dân lao động nhập cư từ các tỉnh lân cận phía Bắc. Theo khảo sát, nhu cầu mua đầu tư chỉ chiếm khoảng 35%, còn lại 65% mua để định cư.

Cũng như các quận huyện khác của Tp.HCM, giá nhà đất tại Hóc Môn thời gian qua tăng khá mạnh. Hiện tại ở khu vực trung tâm huyện, tiêu biểu là tuyến đường Lê Thị Hà (Hóc Môn), giá nhà đất rơi vào khoảng 45-50 triệu/m2. Các tuyến đường hẻm thì có giá từ 27-30 triệu/m2. Gần đó, đất từ 80-120m2 dọc các tuyến Nguyễn Thị Sóc, Trần Văn Mười, đường song hành Quốc lộ 22... tăng lên mức 22-25 triệu/m2. Các lô đất xa trung tâm thì giá rơi vào mức từ 12-17 triệu/m2.

Xem chi tiết tại đây

Luật Đặc khu: Dừng là đúng đắn nhưng đến bao giờ mới được thông qua?

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông tin, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật Đất đai, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm.

Liên quan đến thông tin này, TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, “cha đẻ” của dự án đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, nhận định rằng: “Đây là quyết định đúng đắn của Chính phủ và Quốc hội. Đặc khu kinh tế là một mô hình kinh tế được kỳ vọng sẽ trở thành tổ cho chim phượng hoàng. Nhưng hiện tại, dự thảo luật vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa thực sự có thể đi vào hiện thực cũng như khả năng biến Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong trở thành mô hình đặc khu kinh tế như đúng nghĩa của nó”.

Dự đoán về cơ hội “chào đời” của dự thảo luật đặc khu trong tương lai, TSKH Võ Đại Lược cho rằng: “Nếu được sửa lại phù hợp, tiên tiến đặt ra được cơ hội thành công thực sự cho các đặc khu kinh tế tương lai cũng như hợp lòng dân thì đến kỳ họp thứ 6, việc dự án luật được thông qua là quy luật tất yếu. Còn ngược lại, với những hạn chế như trong dự thảo luật hiện nay mà chưa được giải quyết triệt để thì khả năng thông qua luật sẽ khó đi vào thực tế.”

Xem chi tiết tại đây

Vì sao người dân không rời chung cư cũ?

Trong danh sách nhà chung cư cũ nguy hiểm có nguy cơ sập đổ, cần di dời khẩn cấp để bảo đảm an toàn, tính mạng người dân theo quyết định của thành phố, quận Ba Đình có 4 khu nhà thuộc cấp độ này. Song, nhiều năm trôi qua, dù đã được tuyên truyền, vận động, đến nay vẫn chưa có khu nhà nào hoàn thành việc di dời các chủ sở hữu, sử dụng.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.579 tòa chung cư cũ, trong đó 81% là tòa nhà thuộc cụm chung cư. Từ năm 2007, Sở Xây dựng đã kiểm tra, rà soát tình hình chung cư cũ và chia làm 2 giai đoạn triển khai.

Khe nứt giữa hai tòa nhà G6A, G6B Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình.

Khe nứt giữa hai tòa nhà G6A, G6B Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình.

Ghi nhận ý kiến của các hộ dân sống tại các chung cư nguy hiểm này cho thấy, nhiều hộ đã ủng hộ chủ trương quy hoạch cải tạo lại tòa nhà. Tuy nhiên, vấn đề mà các hộ dân băn khoăn đó là chính sách tạm cư, tái định cư, mức đền bù hệ số diện tích quy đổi giữa nhà cũ và nhà mới…

Nhiều hộ cũng quan tâm đến việc đơn vị nào sẽ làm chủ đầu tư xây dựng lại tòa nhà, thời gian xây dựng, thời gian tạm cư bao lâu, bao giờ họ được quay về? Anh Nguyễn Anh Dũng (C8 Giảng Võ) cho biết: “Ở trong chung cư đang xuống cấp nguy hiểm như thế này, chúng tôi cũng bất an. Nhưng, do chưa rõ việc định giá nhà như thế nào, ai là chủ đầu tư, bao giờ mới xây, xây trong bao lâu, bao giờ được quay lại, nên chúng tôi chưa muốn đi. Ngoài ra, chúng tôi cần sự minh bạch về chính sách tạm cư sau di dời”.

Xem chi tiết tại đây

Đại gia nào sở hữu khu biệt thự triệu đô bỏ hoang ở Hồ Tây?

Sở hữu một vị trí đắc địa tại phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) dự án Làng du lịch Đoàn kết tựa như ốc đảo xanh, xung quanh được bao bọc bởi các hồ nước, đầm sen, công viên và nhà hàng sang trọng nổi tiếng.

Theo tìm hiểu của Reatimes, dự án có tổng diện tích 18.000m2, được thiết kế như một khu du lịch giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp với 44 biệt thự sang trọng, 1 trung tâm dịch vụ tiện ích (2 tầng hầm, 5 tầng lầu) cùng các hạng mục sân vườn, đường nội bộ và hạ tầng kĩ thuật hoàn chỉnh.

Chủ đầu tư của dự án là Công ty TNHH Làng Đoàn Kết. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần Xây dựng (Cotec) – Coteccons, với tổng giá trị hợp đồng 233 tỷ đồng.

Cũng theo tìm hiểu của Reatimes, chủ đầu tư của dự án - Công ty TNHH Làng Đoàn Kết - được thành lập cách đây khá lâu, vào ngày 31/12/2004. Tháng 10/2017, Làng Đoàn Kết đã tăng vốn gấp 3,4 lần từ 147,2 tỷ đồng lên 497,5 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông vẫn giữ nguyên, gồm CTCP Xây dựng và Dịch vụ Thương Mại Vạn Niên (trụ sở tại TP. Vinh, Nghệ An) nắm 42%, CTCP Quốc tế ASEAN (Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội) sở hữu 30%, 28% còn lại được nắm giữ bởi Tổng công ty Du lịch Hà Nội.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top