Aa

Đoàn liên ngành kiểm nghiệm chất lượng nước sau 3 tuần xảy ra “sự cố”

Thứ Sáu, 20/08/2021 - 09:30

Sau 3 tuần xảy ra tình trạng nước nhiễm bẩn trên diện rộng tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vào cuộc kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm.

Ngày 19/8, thông tin từ Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWaco) xác nhận Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do lãnh đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc, Ban quản lý các khu Kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành kiểm tra, thu thập mẫu nước liên quan đến hệ thống cấp nước tại Nhà máy nước Chân Mây thuộc HueWaco. Buổi kiểm tra, thu thập mẫu đã hoàn tất và gửi kiểm nghiệm cùng ngày tại Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế.

nước suối Bồ Ghè
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh cùng một số người dân thu thập mẫu nước suối Bồ Ghè dẫn về Nhà máy nước Chân Mây. (Ảnh: Đình Toàn)

Người dân giám sát đoàn lấy mẫu

Theo ghi nhận của PV Reatimes, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành thu thập 4 mẫu nước, gồm mẫu tại nguồn nước suối Bồ Ghè đổ về ban đầu (chưa xử lý) tại Nhà máy nước Chân Mây (xã Lộc Tiến); nguồn nước tại khu vực bể chứa sau xử lý tại nhà máy; mẫu nước tại sông Thừa Lưu có 3 ống hút dẫn nước lên nhà máy và mẫu nước tại vòi nhà người dân tại thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến do người dân yêu cầu, chỉ định do có hiện tượng bẩn, đục sau khi HueWaco đã súc rửa đường ống nước trên quy mô lớn. Buổi kiểm tra, thu thập mẫu nói trên có sự giám sát của lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lộc Tiến cùng một số người dân của các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến tự tiến cử tham gia giám sát (không phải do HueWaco chọn).

Tại buổi kiểm tra, mặc dù Đoàn kiểm tra không có nhiệm vụ tổ chức họp dân, đối thoại với người dân, nhưng do một số người dân bức xúc vấn nạn nước sạch bị nhiễm bẩn đã tìm tới nhà máy phản ánh, bày tỏ ý kiến, đề xuất một số giải pháp về cấp nước an toàn, Đoàn kiểm tra liên ngành đã mời người dân vào phòng họp, lắng nghe, ghi chép những ý kiến này, nhất là việc người dân yêu cầu HueWaco phải chấm dứt ngay việc lấy nước sông Thừa Lưu để xử lý, cấp cho khách hàng. Thay mặt Đoàn kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, ông Hoàng Tiến Minh cho biết ngay sau buổi kiểm tra, sẽ có báo cáo nhanh gửi lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về những kiến nghị của người dân. Ông Minh cũng giải thích Đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhằm kiểm tra, đánh giá về an toàn, chất lượng nước sau “sự cố nước đục” xảy ra tại Nhà máy nước Chân Mây (hồi cuối tháng 7/2021), nhất là kiểm nghiệm mẫu độc lập (do đoàn tiến hành, không phải mẫu do HueWaco tự lấy và gửi kiểm nghiệm như trước) nhằm đánh giá chất lượng nước hiện đã an toàn hay chưa; kiến nghị về việc sử dụng nước nguồn cấp cho Nhà máy nước Chân Mây…

Người dân xã Lộc Tiến
Người dân xã Lộc Tiến trực tiếp lấy mẫu sau bể xử lý của Nhà máy nước Chân Mây để Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh thực hiện kiểm nghiệm. (Ảnh: Đình Toàn)

Đáng chú ý, trong một diễn biến khác, lãnh đạo HueWaco cũng đã đồng ý với người dân, hỗ trợ người dân tự tiến hành thu thập mẫu nước tại những vị trí liên quan và cần thiết nhằm đánh giá chất lượng nước tại Nhà máy nước Chân Mây; việc thu thập mẫu nước do người dân hoặc tổ chức, cơ quan đại diện ủy quyền của người dân tự thực hiện, tự chọn cơ quan kiểm nghiệm bất kỳ trong nước để gửi kiểm nghiệm; HueWaco sẽ hỗ trợ kinh phí (ước tính hàng trăm triệu đồng nếu thực hiện) cho người dân tiến hành việc kiểm nghiệm độc lập này. Liên quan công việc này, PV Reatimes đã được lãnh đạo HueWaco mời tham gia tác nghiệp báo chí, đồng thời ghi nhận quá trình người dân phối hợp với cơ quan chức năng, các bên liên quan thu thập, gửi mẫu kiểm nghiệm độc lập.

Theo Chủ tịch HĐQT HueWaco, ông Trương Công Nam, động thái hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân tự lấy mẫu, tự gửi kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng nước liên quan Nhà máy nước Chân Mây là thể hiện tinh thần cầu thị, sửa sai cho “bài học đắt giá” và nhất là củng cố, lấy lại niềm tin từ đông đảo khách hàng sau “sự cố nước đục”. Rất tiếc là do gấp gáp thời gian và ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 (1/4 địa phương khách hàng của HueWaco đang giãn cách xã hội) nên hiện nay người dân chưa sẵn sàng tiến hành công việc kiểm nghiệm mẫu nước độc lập này.

Chậm xử lý bức xúc của người dân

Như Reatimes đã thông tin, từ cuối tháng 7 đến nay, khoảng 8.500 hộ dân - khách hàng với hàng vạn con người ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô không chỉ gian nan ứng phó với dịch bệnh Covid-19, mà phải trải qua vấn nạn thiếu nước sạch sau khi nguồn nước do Nhà máy nước Chân Mây bị nhiễm bẩn. Hằng ngày, hàng ngàn người dân đã trở lại việc lấy nước giếng, nước ngầm, nước suối chưa qua xử lý để ăn uống, sinh hoạt tạo ra những mối nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe. Đông đảo người dân cũng đã gửi đơn cá nhân hoặc tập thể đến UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, HueWaco để khiếu nại công ty này vi phạm các điều khoản trong hợp đồng dịch vụ cung cấp nước sạch; tố cáo những hành vi của HueWaco lấy nguồn nước sông Thừa Lưu vốn nhiều nguy cơ ô nhiễm cấp cho người dân trong một thời gian dài gây ảnh hưởng sức khỏe của bà con…

“Để xảy ra tình trạng nước nhiễm bẩn ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô mà không ai kiểm tra, giám sát gì cả là sự vô trách nhiệm”, phóng viên Hữu Thu, Báo Đại Đoàn kết tại Huế nói. (Ảnh: Đình Toàn)

Điều khiến người dân chưa hài lòng, thậm chí khá bức xúc là dù chưa có kiểm nghiệm chất lượng nước độc lập từ cơ quan có thẩm quyền (như Đoàn kiểm tra liên ngành nói trên) nhưng bằng những mẫu nước do HueWaco thu thập, tự gửi kiểm nghiệm và công bố, HueWaco đã khẳng định trên một số cơ quan báo chí địa phương là chất nước đã an toàn. Ngoài ra, đã giữa tháng 8 nhưng một số gia đình lọc nước qua khăn sạch vẫn còn màu bẩn bằng trực quan, dù HueWaco đã hoàn tất súc rửa gần 200km toàn tuyến đường ống của Nhà máy nước Chân Mây. Bên cạnh đó, đông đảo người dân phản ánh, họ hầu như không tin vào kết quả kiểm nghiệm và công bố do HueWaco thực hiện, mà trông vào kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành, độc lập hoặc do kết quả do chính người dân tự mình thực hiện. Tuy nhiên, những nguyện vọng của người dân chưa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như sở, ban ngành liên quan chỉ đạo, xử lý kịp thời, nhất là việc chậm xử lý khiếu nại của công dân, chậm khắc phục sự cố.

“Đến ngày 18/8, sau đến 3 tuần có hiện tượng nước nhiễm bẩn trên diện rộng với toàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, một khu vực quan trọng, kinh tế trọng điểm đã, đang nỗ lực thu hút đầu tư của tỉnh, Đoàn kiểm tra của tỉnh thành lập mới đi lấy mẫu nước để kiểm nghiệm là khá chậm và thiếu khách quan, nhất là mẫu nước mà Nhà máy nước Chân Mây cấp ra cho khách hàng đã được HueWaco xử lý. Thật sự tôi không đồng tình về cách làm việc này”, ông Nguyễn Hùng, hộ khách hàng khiếu nại ở thôn Phú Cường Xuyên, xã Lộc Thủy bức xúc.

Người dân tham gia lấy mẫu để kiểm nghiệm chất lượng nước
Người dân tham gia lấy mẫu để kiểm nghiệm chất lượng nước.

Liên quan những dấu hiệu chậm khắc phục, xử lý tình trạng nước nhiễm bẩn liên quan đến sức khỏe của hàng vạn người dân này, tại cuộc họp báo thường kỳ 7 tháng đầu năm 2021 do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức chiều 17/8, PV Báo Đại đoàn kết tại Thừa Thiên - Huế cho rằng có sự “vô trách nhiệm” của sở, ngành liên quan đã để xảy ra tình trạng nước nhiễm bẩn trên diện rộng, ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước khi mà “không ai kiểm tra, giám sát gì cả”. Trong khi đó trả lời câu hỏi của PV Báo Phụ nữ TP. HCM nêu vì sao đã hai tuần người dân gửi đơn khiếu nại, nhưng UBND tỉnh hoặc HueWaco chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, đại diện lãnh đạo HueWaco lý giải vì tình hình dịch bệnh Covid-19, đồng thời đã cho nhân viên đi đến tận nhà để xin lỗi và giải quyết khiếu nại nhưng người dân không chấp nhận. Lãnh đạo HueWaco cam kết sẽ thu xếp tổ chức cuộc đối thoại, làm việc với người dân - khách hàng để giải quyết khiếu nại của khách hàng khi tình hình dịch bệnh cho phép.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top