Những nước cờ táo bạo
Thương vụ đình đám nhất trong giới bất động sản là khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar tọa lạc tại trung tâm Yangon do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian 70 năm với tổng mức đầu tư 440 triệu USD. Toàn bộ công trình có diện tích 500.000m2 sàn xây dựng, tầng hầm rộng 121.882m2, sức chứa 5.000 chỗ đậu xe, được chia làm 2 giai đoạn.
Đây là dự án lớn nhất của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lại tại Myanmar. Trả lời phỏng vấn báo chí, bầu Đức từng nói: "Chúng tôi dành riêng hàng chục nghìn m2 để kêu gọi nhà đầu tư Việt Nam đến kinh doanh tại Yangon".
Viết tiếp chặng đường dài chinh chiến sang nước ngoài, không thể không kể tới T&T Group. Tiếp nối thành công từ những thương vụ đưa xe máy Việt lần đầu “xuất ngoại” sang thị trường Srilanka, Myanmar và châu Phi, T&T bắt đầu thử thách trên nhiều lĩnh vực mà đặc biệt là bất động sản khi dấn thân vào thương trường tại Hoa Kỳ. Tập đoàn này đã được Bộ Kế hoạch – Đầu tư cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn 90 triệu USD.
Năm 2009, Thủ Đức House cũng xin giấy phép đầu tư bất động sản tại Mỹ. Công ty này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép mở Công ty ThuDuc House Property Ventures LLC tại Mỹ có tổng vốn đầu tư dự án 6 triệu USD trong thời gian hoạt động 20 năm.
Tại đại hội cổ đông ngày 14/04/2016, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc Thủ Đức House cho biết, tính đến hết năm 2015, Công ty đã bán được 6/10 căn nhà mang về lãi ròng gần 64 ngàn USD.
Gần 1 năm trước, trong một cuộc trò chuyện ngày 23/08/2017, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân chia sẻ, Tập đoàn sẽ chính thức khởi công dự án nhà ở xã hội (theo hình thức cho thuê) tại bang Washington, Mỹ. Đây là dự án có diện tích khoảng 5,000m2 với 180 căn hộ, quyền sử dụng đất vĩnh viễn.
Tập đoàn Hà Đô cũng ghi danh vào bảng danh sách các doanh nghiệp bất động sản mang chuông đi đánh xứ người khi đầu tư vào khu đô thị Nongtha Central Park tại Viêng Chăn, Lào. Dự án khu đô thị mới Nongtha Central Park đầu tư với diện tích giai đoạn 1 là 74.85ha, giai đoạn 2 hơn 40ha bao gồm hồ nước, công viên, nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, trường học, với tổng mức đầu tư trên 250 triệu USD trong đó giai đoạn 1 là 80 triệu USD.
Đầu tư ra nước ngoài là đi ngược?
Trước làn sóng đồng tư ngược này, một số chuyên gia e ngại về cuộc dấn thân đầy táo bạo của các doanh nghiệp bất động sản sẽ bất thành, đi ngược với xu thế.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT T&T Group cho rằng: “Thực ra, đã làm kinh doanh thì phải tìm kiếm cơ hội mọi lúc, mọi nơi. Lĩnh vực, thị trường nào mình nghiên cứu tìm hiểu thấy có tiềm năng và có cơ hội thì phải tận dụng ngay”. Ông cũng dự đoán về xu hướng người Việt mang tiền đi đầu tư ở nước ngoài: ”Tôi nghĩ chắc chắn là tăng lên”.
Chia sẻ với Reatimes, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Đầu tư ra nước ngoài và thu hút vốn FDI là hai vấn đề đi song hành với nhau, không phải Việt Nam đang cần thu hút FDI có nghĩa rằng Việt Nam không thể đầu tư ra nước ngoài. Thực tế, đây là một cơ hội thị trường, là một phương thức xuất khẩu.
Đầu tư nước ngoài xuất phát từ xuất khẩu hàng hóa và xuất khẩu ngay tại chỗ. Cho nên, các doanh nghiệp mang tất cả những gì mình có như các phương tiện, kỹ năng ra nước ngoài để bán hàng. Đây là cách bán trọn gói.
Ở thời điểm Việt Nam đang hội nhập, tham gia thị trường thế giới thì những hợp tác đa phương sẽ giúp Việt Nam có kênh kinh doanh tốt hơn tại các nước khác. Chúng ta đừng đánh đồng 2 vấn đề với nhau và quy chụp rằng, đầu tư ra nước ngoài làm mất đi nguồn vốn của Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận khách quan, kênh đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt sẽ khác với trào lưu nhiều người Việt chuyển hẳn sang nước ngoài sống. Nếu trường hợp vì một lý do nào, người đứng đầu của doanh nghiệp Việt muốn đặt chân ra nước ngoài và định cư thì chúng ta phải xem xét lại môi trường đầu tư trong nước. Theo tôi, cách tốt nhất vẫn là môi trường trong nước phải đủ tốt để các doanh nghiệp tập trung phát triển”.