Aa

Doanh nghiệp bất động sản tăng thu nhờ chuyển nhượng dự án: Chiến lược hay "bán mình"?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 13/02/2025 - 06:24

Thị trường bất động sản đang chứng kiến một hiện tượng không mới nhưng ngày càng trở nên phổ biến đó là các doanh nghiệp bất động sản "sống nhờ" vào hoạt động chuyển nhượng dự án. Đây không chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết khó khăn tài chính, mà còn là một chiến lược kinh doanh được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra không ít thách thức và rủi ro, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực sự tỉnh táo và thận trọng.

Chuyển nhượng giúp tăng doanh thu cho doanh nghiệp

Kết quả kinh doanh trong năm 2024 của nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản vẫn đem đến nguồn doanh thu tích cực. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thực hiện chuyển nhượng dự án để có tiền mặt duy trì hoạt động và trả nợ. Còn các doanh nghiệp lớn cũng phải tìm đến giải pháp này để tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn hồi phục, nhiều dự án vẫn tắc nghẽn do pháp lý khiến dòng tiền của doanh nghiệp vẫn khó. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với áp lực trả nợ, chi phí duy trì hoạt động, và các nghĩa vụ tài chính khác.

Điển hình cho xu hướng này, CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) ghi nhận doanh thu thuần cả năm 2024 đạt hơn 1.684 tỷ đồng, trong đó doanh thu tài chính chiếm tới 787 tỷ đồng từ lãi chuyển nhượng công ty con. Trước đó, doanh nghiệp này đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư TAH, chủ đầu tư dự án Tổ hợp Văn phòng kết hợp Thương mại dịch vụ tại lô đất B2CC4 thuộc quần thể Khu đô thị Starlake. Bên cạnh dự án B2CC4, Taseco Land cũng thực hiện chuyển nhượng dự án Landmark 55 năm tại lô B3 CC2 Khu đô thị Starlake. Đây là dự án rộng 23.600m2, gồm hai lô đất xây tòa văn phòng (13.600m2) và tòa khách sạn (10.000m2). Trong đó, khối văn phòng hiện đã được Taseco Land ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng cho Mapple Tree, giao dịch dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2025, giúp ghi nhận khoảng 560 tỷ đồng doanh thu tài chính. Ngoài ra, Taseco Land cũng đang tích cực tìm đối tác chuyển nhượng khối khách sạn với lợi nhuận kỳ vọng trên 500 tỷ đồng.

Tương tự, DIC Corp cũng cho biết lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2024 tăng mạnh chủ yếu đến từ hoạt động chuyển nhượng căn hộ dự án CSJ, chuyển nhượng nhà xây thô tại dự án Hậu Giang, chuyển nhượng nhà xây thô dự án Hiệp Phước. Lũy kế cả năm 2024, DIC Corp thu về 1.314 tỷ đồng doanh thu, tăng 28% so với năm 2023.

CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền cũng ghi nhận doanh thu thuần vượt mốc 2.000 tỷ đồng trong quý IV/2024, cao gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Tính chung cả năm 2024, lợi nhuận ròng của Khang Điền đạt gần 810 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước và vượt 2% so với kế hoạch đề ra.

Doanh nghiệp bất động sản tăng thu nhờ chuyển nhượng dự án: Chiến lược hay "bán mình"?- Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh trong năm 2024 của nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản vẫn đem đến nguồn doanh thu tích cực. (Ảnh minh hoạ: Bùi Văn Doanh).

Tại Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land), doanh thu thuần cả năm 2024 đạt 799 tỷ đồng, gấp đôi so với năm trước. Đáng chú ý, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản đạt 428 tỷ đồng, tăng gấp 12 lần so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu.

Novaland cũng không nằm ngoài xu hướng này khi thực hiện nhiều giao dịch chuyển nhượng giá trị lớn vào cuối năm 2024. Điển hình là việc chuyển nhượng 32,84% vốn tại Công ty TNHH Địa ốc No Va Mỹ Đình với tổng giá trị gần 7.060 tỷ đồng. Cả năm 2024, Novaland đạt hơn 9.000 tỷ đồng doanh thu thuần tăng gấp đôi năm 2023, trong đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản chiếm tới 8.360 tỷ đồng.

Chuyển nhượng dự án liệu có là con dao hai lưỡi?

Việc chuyển nhượng dự án có thể mang lại những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp. Trước hết, nó giúp doanh nghiệp giải quyết được bài toán tài chính, có tiền mặt để trang trải các khoản nợ và duy trì hoạt động. Đồng thời, việc chuyển nhượng giúp doanh nghiệp tái cơ cấu danh mục đầu tư, tập trung vào những dự án có tiềm năng sinh lời cao hơn.

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng dự án cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Doanh nghiệp có thể bị mất đi cơ hội phát triển nếu dự án đó có tiềm năng tăng giá trong tương lai. Doanh nghiệp cũng có thể bị thua lỗ nếu giá trị chuyển nhượng thấp hơn chi phí đầu tư ban đầu. Đặc biệt, việc chuyển nhượng dự án quá nhiều có thể khiến doanh nghiệp mất đi uy tín và vị thế trên thị trường.

Điều đáng lo ngại là xu hướng này có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn, khi các doanh nghiệp chỉ tập trung vào mua bán dự án mà không chú trọng đến việc phát triển sản phẩm thực chất. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường, gây ra tình trạng mất cân đối cung cầu và đẩy giá bất động sản lên cao.

Doanh nghiệp bất động sản tăng thu nhờ chuyển nhượng dự án: Chiến lược hay "bán mình"?- Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, từ góc độ kinh tế vĩ mô, việc chuyển nhượng dự án phản ánh những khó khăn và thách thức của thị trường bất động sản. Nó cho thấy sự mất cân đối giữa cung và cầu, sự thiếu hụt vốn đầu tư... Tuy nhiên, từ góc độ vi mô, đây cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu, đổi mới, và tìm kiếm những hướng đi mới.

Điều đáng nói là, việc chuyển nhượng dự án không chỉ là câu chuyện của riêng doanh nghiệp. Nó còn liên quan đến quyền lợi của khách hàng, của các nhà đầu tư, và của cả cộng đồng. Do đó, cần có một cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch, công bằng, và tuân thủ pháp luật trong hoạt động chuyển nhượng dự án.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia bất động sản đánh giá, từ năm 2022, thị trường bước vào thời kỳ đóng băng do ách tắc cả về pháp lý và nguồn vốn. Nguồn cung và thanh khoản trên thị trường đều giảm mạnh, đình trệ ở nhiều khu vực. Thực trạng này khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh chính. Đến hiện tại thị trường bất động sản vẫn chưa hoàn toàn vượt qua giai đoạn trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp vẫn vẫn phải cầm cự cũng như thực hiện tái cấu trúc về hoạt động kinh doanh và dòng tiền để chờ thị trường trở lại giai đoạn trước dịch.

"Nếu doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động bằng các nguồn thu khác thay vì nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chính thì có thể dẫn tới nhiều rủi ro. Các hoạt động tài chính, đầu tư hoặc chuyển nhượng cổ phần, dự án bất động sản không ổn định và không thể thay thế được nguồn thu từ lĩnh vực chính trong dài hạn. Về lâu dài doanh nghiệp bất động sản khó đạt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận đã đặt ra", ông Hoàng nhận định.

Một chuyên gia trong lĩnh vực M&A cũng cho rằng: "Việc chuyển nhượng dự án để tăng doanh thu trong lúc khó khăn tài chính có thể được xem là một chiến lược kinh doanh thông minh đã và đang giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong bối cảnh thị trường biến động. Tuy nhiên, nếu việc chuyển nhượng dự án diễn ra quá thường xuyên và trở thành nguồn thu chính của doanh nghiệp, thì đó có thể là dấu hiệu của sự "bán mình", khi doanh nghiệp mất đi bản sắc và tiềm năng phát triển dài hạn.

Một doanh nghiệp bất động sản thực sự mạnh mẽ là doanh nghiệp có khả năng tạo ra giá trị thực từ việc phát triển và bán sản phẩm, chứ không chỉ dựa vào việc mua bán dự án. Việc tăng doanh thu bằng cách chuyển nhượng dự án chỉ là giải pháp tạm thời, không thể thay thế cho chiến lược kinh doanh bền vững và năng lực cạnh tranh thực sự của doanh nghiệp".

Dù vậy, các chuyên gia vẫn kỳ vọng năm 2025, những quy định mới về đất đai, nhà ở, bất động sản sẽ thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản và các doanh nghiệp.

Đồng thời để vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần có một chiến lược kinh doanh linh hoạt và hiệu quả. Trước hết, cần tập trung vào việc tái cơ cấu danh mục đầu tư, ưu tiên những dự án có tính thanh khoản cao, có khả năng sinh lời trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa nguồn vốn, không nên phụ thuộc quá nhiều vào một kênh huy động vốn duy nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tăng cường quản lý rủi ro, dự báo và ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú trọng đến việc xây dựng uy tín và thương hiệu, tạo dựng niềm tin với khách hàng và đối tác. Đây là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường bất động sản trong bối cảnh mới năm 2025.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top