Ngăn chặn đầu cơ, thổi giá
Ông Trịnh Quang Đông, Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Phục Hưng cho rằng, những vướng mắc và khó khăn chủ yếu của thị trường bất động sản và doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh bất động sản hiện nay đó là những vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý chưa được tháo gỡ đồng bộ, thống nhất về chính sách, đặc biệt là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn, lãi suất ngân hàng cho vay đang ở mức cao, tỷ giá ngoại tệ biến động. Giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng dẫn đến chi phí của doanh nghiệp tăng...
Ngoài ra, trong gần hai năm trở lại đây, thị trường bất động sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế kéo dài nhưng chưa được khắc phục triệt để như: Hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Nhiều dự án bất động sản tại các địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện dẫn đến nguồn cung bất động sản, nhà ở giảm nhiều so với thời gian trước; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm phân khúc cao cấp trong khi thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, thị trường, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc phát hành trái phiếu và huy động vốn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.
Cùng với đó, khách hàng mua bất động sản cũng khó tiếp cận vốn vay mua nhà, điều này cũng ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các dự án bất động sản. Nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, thậm chí bị điều tra khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ dừng hoạt động hoặc phá sản.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác và ban hành nhiều Công điện chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn cũng như lâu dài để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đáng chú ý, ngày 11/3/2023, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đây có thể được xem là "liều thuốc" quý để giải cứu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong thời gian tới", ông Đông cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Thanh Hóa cũng cho rằng, Nghị quyết số 33/NQ-CP ban hành trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nghị quyết đưa ra mục tiêu rất rõ ràng, đó là: Tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án bất động sản, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu giá…; tập trung cao độ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường.
Một vấn đề quan trọng, đó là Nghị Quyết 33/NQ- CP tập trung tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường. Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung, đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản hợp lý hơn, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.
Và đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và kịp thời giải quyết các thủ tục về đất đai, xây dựng của các dự án bất động sản để tăng nguồn cung cho thị trường. Thúc đẩy thị trường bất động sản thông qua chính sách hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án khả thi, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội. Thường xuyên theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường "phát triển nóng" hoặc "đóng băng", tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ thổi giá bất động sản lên cao để trục lợi, mất cân đối cung - cầu và đảm bảo vận hành lành mạnh theo cơ chế thị trường. Đó là những nội dung mà doanh nghiệp tại Thanh Hóa hết sức quan tâm, chú ý.
Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty Bất động sản Dũng Lan cho rằng, tại Nghị quyết này, Chính phủ đã quyết tâm nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản bảo đảm tính đồng bộ và khả thi.
Điều quan trọng là Chính phủ xây dựng, trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 là cần thiết vì phân khúc này có mức chênh lệnh cung - cầu khá lớn.
Để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng phối hợp triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2%.
"Gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% là rất thiết thực để cứu thị trường bất động sản đang đóng băng. Tuy nhiên, cho dù đã giảm thì mức lãi suất vẫn sẽ rơi vào khoảng 10 - 12% như thời điểm hiện tại là khá cao so với khả năng chi trả của người dân. Vì vậy, đây vẫn là bài toán nan giải đối với tình hình doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay", ông Dũng cho biết.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu rõ nhiệm vụ của các bộ ngành có liên quan cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn hiện nay liên quan đến việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…), đồng thời, có biện pháp phù hợp, hiệu quả giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, hoạt động huy động vốn (bao gồm hoạt động phát hành trái phiếu) của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán theo đúng quy định pháp luật…
Như vậy, những giải pháp và yêu cầu cụ thể mà Chính phủ đưa ra để nghiên cứu nhằm phát triển thị trường bất động sản một cách an toàn, lành mạnh, bền vững là việc làm rất thiết thực cần phải được thực hiện ngay, từ những chính sách và mục tiêu trên được giải quyết, doanh nghiệp bất động sản sẽ có cơ hội "vực dậy" doanh thu và thực hiện các dự án mới.
Sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Thanh Hóa, việc Chính phủ ban hành nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 là một việc làm rất thiết thực và kịp thời trong bối cảnh hiện nay.
Từ Nghị quyết 33/NQ-CP cho thấy, Chính phủ đã có những chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng Bộ ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững đó là: Tiếp tục khẩn trương, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/08/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; các Công điện (số 1156/CĐ-TTg; số 1163/CĐ-TTg; số 1164/CĐ-TTg;…) và thông báo Kết luận số 242/TB-VPCP ngày 10/08/2022 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
Tập trung xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, tạo sự đồng bộ, thống nhất, ổn định của các quy hoạch; gắn kết phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hệ thống kết cấu hạ tầng với phát triển đô thị và các dự án nhà ở để đảm bảo cân đối cung - cầu.
Đẩy mạnh việc rà soát, phân loại xử lý các dự án bất động sản đang có vướng mắc về pháp lý phải ngừng hoạt động, không đưa được sản phẩm ra thị trường do vướng mắc pháp lý để giải phóng nguồn lực đất đai, nguồn vốn đầu tư, giảm rủi ro nợ xấu tín dụng.
Kiên quyết xử lý tình trạng cán bộ lơ là, không làm hết trách nhiệm, sợ trách nhiệm và sách nhiễu trong thực thi công vụ nhất là trong công tác phê duyệt quy hoąch, thực hiện các thủ tục về đầu tư, cấp phép, đấu thầu, đấu giá, định giá đất đai, bất động sản.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản gắn với chính sách nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân.
Tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường đặc biệt là nhu cầu về các loại hình bất động sản công nghiệp, bất động sản dịch vụ, du lịch để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, nhu cầu về nhà ở theo các phân khúc.
Tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn đối với phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp để thúc đẩy thị trường tự điều chỉnh phù hợp với nhu cầu.
Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn kịp thời tháo gỡ khó khăn trong triển khai thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản. Đẩy mạnh công tác công bố, công khai, minh bạch các thông tin, đảm bảo hiệu quả, kịp thời, đúng bản chất tình hình, tránh các thông tin sai lệch; chú trọng tuyên truyền, phổ biến, công bố công khai các chính sách, quy định, giải pháp mới của Nhà nước về tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu và tình hình thị trường bất động sản.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao và phát triển theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.
“Đối với các địa phương, Chính phủ giao nhiệm vụ rất cụ thể đó là khẩn trương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường. Nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyển.
Khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường.
Tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; lựa chọn chủ đầu tư nhất là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng, giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án nhà ở nhằm tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu rõ, chính quyền tại các địa phương cần khẩn trương có kết luận các dự án bất động sản đã và đang rà soát thủ tục pháp lý để các dự án sớm được tiếp tục triển khai nhất là các dự án lớn; các dự án đáp ứng nhu cầu thực của nhân dân, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ và nhu cầu cho thuê bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch...
Đẩy nhanh, cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành liên thông; thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4, chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn.
Đó là những giải pháp căn cơ ở từng địa phương, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định trong thời gian tới”, ông Lê Văn Thanh, một doanh nghiệp trẻ tại Thanh Hóa cho biết.