(Quay và dựng video: Đỗ Linh)
Chính sách công là một trong những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến chiến lược và sự phát triển của một doanh nghiệp. Có thể ví chính sách công là bản lề để các doanh nghiệp soi chiếu và đề ra phương hướng kinh doanh.
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp thường cố gắng "đón đầu chính sách" để đạt được thành quả trong hoạt động kinh doanh, song khả năng dự báo chính sách lại còn nhiều yếu kém, dẫn đến sự mất phương hướng và có khi làm dậy nên một làn sóng gây xao động thị trường, hay thậm chí là cả nền kinh tế. Điển hình nhất là thời gian gần đây khi Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt được mang ra bàn thảo rồi lại tạm dừng thông qua đã khiến nhiều doanh nghiệp khó lường trước và rơi vào tình trạng mất phương hướng.
Cùng Reatimes thảo luận về chủ đề này, PGS.TS Ngô Phúc Hạnh, Phó Trưởng khoa Chính sách công, Học viện chính sách và phát triển, cho rằng: “Một chính sách ra đời trải qua các bước: hoạch định chính sách, thực thi chính sách và phân tích, đánh giá chính sách đó. Mỗi bước lại có nhiều quá trình khác nhau”.
Ở khâu đánh giá chính sách, bà Hạnh cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt còn "vướng" trong hoạt động này, chưa có khả năng đánh giá và dự báo chính sách công.
“Việt Nam đang có có quy trình xây dựng chính sách hơi ngược so với các quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản và một số nước phát triển khác.
Trong quá trình xây dựng chính sách ở Việt Nam, sự tham gia của cộng đồng và cụ thể là đối tượng doanh nghiệp còn ít. Tôi lấy ví dụ như tại Thái Lan, Hiệp hội các doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp thường sẽ có những đề xuất chiến lược phát triển ngành. Chính phủ sẽ xem xét để xem có thể chấp nhận đề xuất đó như thế nào và doanh nghiệp cứ đi theo quyết định đó. Họ là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ một chính sách vì vậy sẽ tuân thủ chuẩn hơn và biết được chính sách đó như thế nào. Tôi thấy đây là điều Việt Nam nên học tập”, bà Hạnh nhận định.
Tuy nhiên, lý giải về việc một số chính sách ở Việt Nam ra đời nhưng doanh nghiệp không dự đoán được, bà Hạnh cho rằng có hai 2 lý do đến từ cả phía doanh nghiệp lẫn ban soạn thảo chính sách.
Cụ thể, ban soạn thảo chính sách làm việc dựa trên ý kiến chủ quan của mình thông qua kinh nghiệm, trình độ,... Trong khi đáng lẽ cần có những đối tượng khác phải tham gia góp ý như doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học. Nhưng nhóm đối tượng này lại chỉ ý kiến, đóng góp khi chính sách đó đã được ban hành, đi vào thực thi và gặp vấn đề.
Ở một góc độ khác, doanh nghiệp cũng thờ ơ với vấn đề soạn thảo chính sách. Các dự thảo luật có liên quan đã được gửi đến các doanh nghiệp nhưng không được đọc, họ thờ ơ với chính yếu tố sẽ tác động trực tiếp đến mình. Thói quen để doanh nghiệp tham gia vào góp ý soạn thảo chính sách hiện không có.
Để chính sách thực sự có hiệu quả, bà Hạnh cho rằng: “Chúng ta cần thay cái ý định chủ quan thành thực chứng. Chúng ta phải lấy ý kiến của doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học. Đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nghiệp bất động sản nói riêng, tất cả những chính sách liên quan đến lĩnh vực của mình thì nên chủ động tham gia vào quy trình soạn thảo và đưa ra các ý kiến xác đáng”.
Trả lời câu hỏi "điểm tắc" nào trong vòng đời của một chính sách khiến một số chính sách đã ra đời, đáp ứng phù hợp với điều kiện ở Việt Nam nhưng lại bị lợi dụng các kẽ hở, bị bóp méo, bà Hạnh khẳng định, đây là tình trạng mà bất kỳ nước nào cũng có thể gặp phải.
“Thực trạng này xảy ra xuất phát từ hai khâu bị yếu: tuyên truyền và giám sát. Trong khâu tuyên truyền tại bước thực thi chính sách, bản thân chúng ta chưa làm tốt. Những người chịu tác động của chính sách đó lại không nắm được nội dung chính sách, không được tuyên truyền nên bị người khác lợi dụng dẫn tới sự bóp méo thông tin trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó còn có khâu giám sát, nếu thực hiện tốt thì chúng ta sẽ sửa đổi được tình trạng bóp méo chính sách. Tôi tin nếu chúng ta thực hiện tốt 2 khâu tuyên truyền và giám sát, Việt Nam sẽ có những chính sách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế”, bà Hạnh khẳng định.