Aa

Doanh nghiệp chật vật vì biến số lãi suất

Chủ Nhật, 06/08/2023 - 16:50

Chi phí tài chính hạ nhiệt đáng kể nhờ tỷ giá ổn định trong quý II/2023 nhưng lãi vay vẫn là gánh nặng lớn với các doanh nghiệp, bất chấp những nỗ lực của cơ quan quản lý và sự thu hẹp nợ vay của các doanh nghiệp.

Nỗ lực hạ nhiệt lãi suất 

Cuối tháng 4/2023, không lâu sau khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ được ban hành, một hội nghị về công tác tín dụng với sự tham gia của các ngân hàng đã được tổ chức dưới sự chủ trì lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Không riêng việc cơ cấu lại nợ, tâm điểm của hội nghị là câu chuyện lãi suất cho vay. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chỉ mặt nêu tên từng ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân vượt xa mặt bằng chung.

Ở nhiều cuộc họp sau đó, “hạ nhiệt” lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục là vấn đề được nhắc đến. Đặc biệt, sau 4 lần hạ lãi suất trong tháng 3 (hai lần) và tháng 5, tháng 6, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn giảm chậm hơn lãi suất huy động, cũng như kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.

Số liệu của NHNN cho thấy, trong tháng 6/2023, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,3 - 11,1%/năm. Con số này hồi tháng 3 là 9,6 - 11,3%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên từ khoảng 4,5%/năm vào tháng 3 giảm còn khoảng 4,4%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi bình quân đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã giảm tới 1 điểm phần trăm.

Chi phí lãi vay quý II của top 10 doanh nghiệp có quy mô vay nợ tài chính lớn nhất nhóm VN30 - Đơn vị: Tỷ đồng

Theo lãnh đạo của một ngân hàng vẫn neo lãi suất cho vay ở mức cao, tổ chức này đang trong quá trình giảm lãi suất huy động. Dù cam kết sẽ giảm lãi suất, nhưng vị này cũng cho biết, sẽ chậm hơn và có thể phải đến cuối năm mới có thể kéo về mặt bằng chung của ngành.

Chưa kể, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu đơn hàng, tồn kho giảm giá..., việc bù đắp rủi ro mà ngân hàng phải chịu có thể khiến lãi suất tính thêm phần bù rủi ro này.

Chưa ngấm 

Thực tế cho thấy, chi phí lãi vay vẫn là gánh nặng lớn đối với các doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê trên gần 900 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023, chi phí tài chính kỳ này đã giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ đó, trong nửa đầu năm, chi phí tài chính chỉ còn tăng 7,7%.

Tuy nhiên, kết quả trên có được phần nhiều nhờ sự ổn định của tỷ giá, nhất là khi so sánh với những biến động mạnh của các cặp tiền tệ trong quý II/2022. Nếu tính riêng, chi phí lãi vay quý II và nửa đầu năm đều tăng quanh mức 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cũng chính tại các công ty này, tổng dư nợ cho vay ngắn và dài hạn thậm chí giảm nhẹ so với thời điểm ngày 30/6/2022.

VN30 - nơi tập hợp các tổ chức niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất trên thị trường, thoả mãn các điều kiện về thanh khoản hiện có 16 doanh nghiệp phi tài chính. Tại các ông lớn này, chi phí lãi vay tiếp tục tăng tới 31,1% trong quý II và gần 35% trong nửa đầu năm 2023, dù chỉ có 3 doanh nghiệp mở rộng quy mô vay nợ qua kênh tín dụng/trái phiếu trong một năm qua.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (đơn vị đã huy động thêm hơn 11.000 tỷ đồng trong năm qua) là doanh nghiệp tăng nợ vay nhiều nhất, với gần 1.786 tỷ đồng lãi vay ghi nhận trong quý II, tăng 66% so với cùng kỳ. Nợ vay tại một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Vinhomes, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup tăng đáng kể cũng trực tiếp tăng gánh nặng lãi vay quý vừa qua. 

Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều doanh nghiệp giữ nguyên, thậm chí giảm mạnh vốn vay, nhưng chi phí lãi vay chưa thể giảm tương ứng. Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) là trường hợp hiếm hoi chi phí lãi vay quý II giảm tới 32% so với cùng kỳ, nhưng cũng nhờ thu hẹp quy mô nợ tới 2.190 tỷ đồng, tương đương mức giảm 27%.

Sau 4 lần hạ lãi suất trong tháng 3 (hai lần) và tháng 5, tháng 6, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn giảm chậm hơn lãi suất huy động, cũng như kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.

Khó thêm khó cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh hiện tại, lãi vay không phải là khó khăn duy nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Sức cầu tiêu thụ yếu ở cả trong nước và các thị trường xuất khẩu đang tác động đến doanh thu và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) - doanh nghiệp bán lẻ đang sở hữu hàng loạt chuỗi kinh doanh lớn gồm Thế giới Di động, Điện máy xanh, Bách hoá xanh… ghi nhận biên lợi nhuận ròng quý II/2023 thấp kỷ lục kể từ khi niêm yết năm 2014. Cứ 100 đồng doanh thu, công ty này chỉ thu về 18,5 đồng lợi nhuận gộp và 0,06 đồng lãi ròng. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, tỷ suất lợi nhuận gộp vẫn ở mức 21,4%.

Chấp nhận mức biên lợi nhuận thấp như trên, doanh thu của hệ thống này vẫn giảm tới 14,2% so với cùng kỳ. Gia tăng sử dụng đòn bẩy tài chính thông qua tăng 5.647,3 tỷ đồng nợ vay ngắn và dài hạn tăng, tương ứng mức tăng 34% so với đầu năm, chi phí tài chính cũng chính là một trong các nguyên nhân khiến lợi nhuận MWG giảm sâu 1,5% con số đạt được trong quý II/2022.

Khả quan hơn MWG khi doanh thu vẫn giữ được tăng trưởng, Công ty Cổ phần Ô tô TMT cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh của lợi nhuận. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, đã triển khai các chính sách giảm giá để thúc đẩy bán hàng. Lợi nhuận gộp do đó giảm gần 38%. Dù nhiều khoản chi phí khác được tiết giảm, lãi vay cao gấp đôi cùng kỳ tiếp tục “ăn mòn” đáng kể phần lợi nhuận của Công ty. Dư nợ vay tăng và lãi suất cao là 2 lý do được chỉ ra. Nguyên nhân khiến Công ty phải tăng vay nợ tín dụng cũng bởi các đối tác nhà cung cấp đã hạn chế bán chịu, không cho chiếm dụng vốn như các thời điểm trước đây.

Đã có những tín hiệu tích cực trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua khi nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay để đẩy đầu ra tín dụng. Thực tế, cần hành động sớm bởi gỡ bớt phần khó cho doanh nghiệp cũng là hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các trung gian tài chính cung ứng vốn cho nền kinh tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top