Aa

Doanh nghiệp đã thích ứng ra sao với Covid-19?

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Chủ Nhật, 11/07/2021 - 06:00

Đứng trước những diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp buộc phải áp dụng các biện pháp giãn cách, đóng cửa, nhưng cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo bước đi đột phá.

LÀN SÓNG COVID-19 THỨ 4 TÁC ĐỘNG THẾ NÀO ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT?

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2%. 

Tuy nhiên, cũng có tới 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tức là trung bình mỗi tháng có khoảng 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. 

Để đánh giá chi tiết hơn những tác động mà doanh nghiệp phải hứng chịu, mới đây, nền tảng quản trị doanh nghiệp toàn diện Base.vn phối hợp cùng FPT đã thực hiện và công bố khảo sát "Ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ 4 đến hoạt động kinh doanh liên tục của doanh nghiệp Việt Nam". Các doanh nghiệp tham gia khảo sát đến từ 5 lĩnh vực: Thương mại - bán lẻ; gia công - chế biến - sản xuất; công nghệ - viễn thông; xây dựng - kiến trúc; giáo dục - đào tạo. Ngoài ra, có 12,18% các doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác như y dược, dịch vụ tư vấn, lắp ráp, fintech... Khảo sát thực hiện trong 2 tháng, từ 5 - 6/2021.

Những con số về tác động của Covid-19 tới doanh nghiệp qua khảo sát của Base.vn

Kết quả ghi nhận từ câu trả lời của 271 lãnh đạo, cấp quản lý của doanh nghiệp - dù chỉ là con số đại diện cho hàng chục nghìn doanh nghiệp Việt, nhưng đã cho thấy một bức tranh cơ bản về tình hình chung của doanh nghiệp. Đó là, đứng trước những diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp buộc phải áp dụng các biện pháp giãn cách, đóng cửa, gây ra không ít cản trở trong hoạt động kinh doanh. Nhưng bên cạnh đó, việc đẩy mạnh số hóa cũng được thực thi, nhiều đơn vị đã có được cho mình chiến lược phát triển đột phá.

Theo kết quả của khảo sát, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 gây ra những hệ quả nặng nề, có hơn 53% doanh nghiệp đang tạm ngưng hoặc hạn chế một phần hoạt động kinh doanh, hơn 60% doanh nghiệp sẽ tạm ngưng hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh nếu phải làm việc từ xa.

Đáng chú ý, có 64,9% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động dưới các hình thức: Cắt giảm nhân sự, giảm lương, giảm giờ làm.

Về những vấn đề mà doanh nghiệp phải đối mặt, khảo sát của Base.vn cho hay, có 61,99% doanh nghiệp gặp phải tình trạng đối tác gặp khó khăn, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp; 43,17% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do nguồn cầu giảm sút; 37,98% doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn tiền; 37,27% doanh nghiệp gặp hạn chế khi vận hành từ xa; 21,03% gặp khó khi nguồn cung khan hiếm, đắt đỏ, gây đứt gãy vận hành; 20,66% doanh nghiệp gặp khó vì thiếu hụt nhân lực do bệnh tật hoặc cách ly y tế...

Ngoài ra, còn có những vấn đề mà nhân sự trong doanh nghiệp phải đối mặt, đó là: Lo lắng về tương lai công việc, xáo trộn tinh thần làm việc; thiếu gắn kết khi làm việc từ xa; thiếu kỷ luật khi làm việc từ xa; thiếu công cụ cộng tác khi làm việc từ xa...

Cũng theo khảo sát của Base.vn, các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm: F&B - dịch vụ ăn uống, giáo dục - đào tạo. Theo đó, hơn 28% doanh nghiệp F&B tạm thời “ngủ đông” nếu phải vận hành từ xa.

Ở góc độ tích cực hơn, ngành chịu ảnh hưởng ít nhất là công nghệ - viễn thông và xây dựng - kiến trúc. Theo đó, hơn 51% doanh nghiệp công nghệ - viễn thông không phải cắt giảm lao động trong thời đại dịch

KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ CỦA DOANH NGHIỆP

Trước câu hỏi doanh nghiệp đã chuẩn bị gì để ứng phó với Covid-19, 72,32% doanh nghiệp cho biết đã tăng cường các quy định an toàn phòng chống dịch bệnh; 60,52% doanh nghiệp có chính sách làm việc từ xa cho nhân sự; 47,6% doanh nghiệp có kế hoạch truyền thông nội bộ trong giai đoạn dịch bệnh; 43,54% doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh liên tục, xử lý khủng hoảng; 39,11% doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng công nghệ cho làm việc từ xa và 29,52% doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi, mở rộng mô hình kinh doanh.

Ngoài ra, một số lãnh đạo doanh nghiệp cho hay đã có kế hoạch và chiến lược cắt giảm chi phí, có sản phẩm mới để có nguồn thu; chuẩn bị nhân sự dự phòng thay thế các vị trí nhạy cảm để duy trì hoạt động của doanh nghiệp nếu bị cách ly hay điều trị dài hạn. Nhiều doanh nghiệp cũng đã tính đến việc tổn thất nhân sự do dịch; cơ chế quản lý, giám sát khi làm việc từ xa.

Điểm đáng chú ý là những thách thức từ dịch bệnh đã thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường việc áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo khảo sát của Base.vn, hơn 91% doanh nghiệp đã triển khai hoặc đang có dự định, kế hoạch triển khai công nghệ trong giai đoạn này.

"Dịch bệnh cũng đã khiến các doanh nghiệp và các lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi mức độ quan tâm đối với việc triển khai công nghệ trong công việc", báo cáo nêu.

Doanh nghiệp đã quan tâm tới việc triển khai công nghệ trên các khía cạnh như marketing - sales - thanh toán; quy trình vận hành công tác nội bộ; quản lý đánh giá phát triển nhân sự; chăm sóc khách hàng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật nội bộ...

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Riêng với các doanh nghiệp bất động sản - lĩnh vực được cho là chịu nhiều tác động từ dịch bệnh khi không thể mở bán, tư vấn trực tiếp cho khách hàng hay đưa khách hàng tham quan dự án, nhà mẫu, cũng đã có rất nhiều những biến động đã diễn ra.

Theo đó, một số doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược tư vấn cũng như vận hành hệ thống, số khác đẩy mạnh review dự án thông qua kênh livestream của mạng xã hội Facebook, Youtube, một số tập đoàn lớn thì đã phát triển các ứng dụng mua bán online, sàn giao dịch trực tuyến.

Ngay sau làn sóng dịch đầu tiên, nhiều đơn vị tiên phong đã sớm nghiên cứu, phát triển nền tảng giao dịch online, tiêu biểu trong đó là Vinhomes với sàn giao dịch trực tuyến Vinhomes Online, kết nối trực tiếp giữa chủ đầu tư và khách hàng thông qua màn hình máy tính hoặc điện thoại, hay như Sunshine Group đã ra mắt ứng dụng Sunshine App tích hợp hai nhu cầu lớn của khách hàng là mua nhà và đầu tư bất động sản; Gamuda Land - chủ đầu tư bất động sản đến từ Malaysia cũng đã cho ra mắt trang giao dịch bất động sản trực tuyến riêng.

Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã nghiên cứu đầu tư và phát triển nền tảng platform nhằm thích nghi và bứt phá với việc đưa ứng dụng công nghệ hiện đại vào kinh doanh bất động sản.

Về giải pháp đối phó với làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, chia sẻ với báo chí, đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho hay, doanh nghiệp luôn xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển thành nhiều giai đoạn. Trong ngắn hạn là kế hoạch từng năm, trung hạn là kế hoạch 5 năm.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 lần này, Hưng Thịnh đã kịp thời, linh động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường (về dòng sản phẩm, tiêu chí sản phẩm…). Tiến độ thanh toán cũng được điều chỉnh hợp lý, cạnh tranh hơn. Trường hợp khách hàng đã ký hợp đồng trước giai đoạn dịch bệnh, doanh nghiệp cũng hỗ trợ điều chỉnh giãn tiến độ thanh toán để giảm áp lực tài chính cho khách hàng.

Đối với Hải Phát Land, dịch bệnh là "cơ trong nguy" khi đơn vị này đã đẩy mạnh việc chuyển đổi số, áp dụng cả hình thức bán hàng lẫn tổ chức talkshow trực tuyến (online), nhằm tư vấn, cập nhật nhanh nhất các thông tin thị trường, dự án. Thông qua hoạt động livestream trực tiếp trên facebook, khách hàng có thể trực tiếp trao đổi với chủ đầu tư, đơn vị phân phối hay các chuyên gia, giải đáp mọi thắc mắc ngay lập tức như trong một sự kiện offline.

Hay như Cengroup, đơn vị này cũng đã chi 1 triệu USD để đầu tư vào nền tảng công nghệ Revex - đầu tư bất động sản trực tuyến.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 chính là một "phép thử" khốc liệt cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, ở góc độ nhìn nhận tích cực, thì đây cũng chính là một thử thách cần thiết để doanh nghiệp vượt qua "vòng an toàn" của mình, nắm lấy cơ hội thay đổi, sáng tạo và bứt phá, áp dụng công nghệ một cách quyết liệt hơn để hòa mình vào sự vận động của nền kinh tế số.

Đánh giá về sự linh động của doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh ấy, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay: "Nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ, tận dụng “cơ trong nguy” để có những hoàn thiện về giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh, môi giới sản phẩm". 

Cụ thể hơn, theo vị chuyên gia, đối với mỗi loại hình doanh nghiệp khác nhau thì đều có cách thức để ứng dụng công nghệ vào hoạt động. Với doanh nghiệp phát triển dự án, họ sử dụng công nghệ để thu gọn quá trình xử lý thủ tục, các vấn đề liên quan tới giấy tờ bán hàng; với sàn giao dịch, nhà môi giới, họ dùng công nghệ để tiếp cận thị trường, khách hàng, rút ngắn không gian, khoảng cách giữa sản phẩm với thị trường, qua đó tăng tính quyết định mua của khách hàng.

"Nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mà dù trong quá trình giãn cách xã hội, nhiều sàn giao dịch, môi giới bất động sản vẫn có thể tư vấn, chào bán, marketing sản phẩm. Bởi vậy mà ngay sau khi kết thúc các đợt bắt buộc phải giãn cách thì quá trình ấy mang lại hiệu quả ngay, khách hàng được tiếp cận luôn sản phẩm, không cần thời gian chờ mà sẵn sàng đưa ra quyết định, 'xuống tiền' với sản phẩm phù hợp", ông Đính phân tích./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top