Doanh nghiệp địa ốc chạy nước rút thu hút khách hàng dịp cuối năm
“Khi mua một căn nhà 120 m2 dự án bên em có giá 10 tỷ đồng, anh sẽ được tặng gói nội thất lên tới 1,5 tỷ đồng kèm theo những gói chuyển nhà miễn phí”, Hoàng, nhân viên môi giới chào mời khách hàng tới thăm quan dự án khu đô thị lớn nhất quận Thủ Đức (TP.HCM). Đặc biệt, gói khuyến mãi này được Hoàng cho biết, chỉ áo dụng từ tháng 9 tới tháng 12 năm nay.
Không chỉ dự án mà công ty Hoàng đang bán, việc khuyến mãi khủng cũng là chiêu mà các chủ đầu tư dự án tại TP.HCM áp dụng 2 tháng trở lại đây để thu hút khách hàng, đặc biệt ở phân khúc căn hộ cao cấp.
Đơn cử, Khu đô thị Vạn Phúc của Tập đoàn Đại Phúc, để hút khách những tháng cuối năm, mới đây, chủ đầu tư đã có thông báo, từ tháng 9 sẽ áp dụng chính sách bán hàng có lợi nhất cho khách hàng là hỗ trợ ưu đãi lãi suất 0% trong năm đầu tiên, ký hợp đồng linh hoạt, hay tặng các chuyến du lịch châu Âu và còn nhiều chương trình hấp dẫn khác…
Tương tự, Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) đưa ra chính sách đóng trước 30% giá trị căn hộ để nhận nhà ngay và trả góp tới 6 năm với mỗi tháng 17 triệu đồng. Hung Thinh Land thì đưa ra chính sách giảm 3- 5% giá trị căn hộ cho khách hàng mua dự án của mình...
Bên cạnh việc chiết khấu lớn, nhiều dự án khi mở bán bắt đầu tính đến phương án tặng khách hàng những phần quà giá trị nhằm kích cầu như tặng xe máy, vàng, tivi, tủ lạnh, gói nội thất, gói thiết bị điện thông minh, điện thoại cao cấp...
Chẳng hạn, chủ đầu tư Cát Tường Đức Hòa đang đưa ra chính sách, khi khách hàng đặt cọc mua nhà dự án Cát Tường Phú Sinh sẽ được bốc thăm trúng tivi, tủ lạnh.
Còn Tập đoàn Novaland đưa ra chính sách mua nhà sẽ được tặng gói nội thất 300 triệu đồng, cùng 20 chỉ vàng, hoặc gói cam kết cho thuê 360 triệu đồng cho các khách hàng mua căn hộ do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư tại khu vực quận Phú Nhuận, Tân Bình.
Trong khi đó, Công ty Phát Đạt đưa ra gói hỗ trợ vay ngân hàng 0%, tặng nội thất cao cấp lên tới 400 triệu đồng. Công ty An Gia tung ưu đãi cho các khách hàng ở các quận 1, 5, 7 và Bình Thạnh 1% giá bán khi mua căn hộ thuộc dự án River Panorama. Những khách hàng mua 2 - 3 căn được chiết khấu thêm 1% giá bán, 4 - 5 căn chiết khấu 1,5% và từ 6 căn trở lên chiết khấu 2%.
Xem chi tiết tại đây.
Không đánh thuế căn nhà thứ 2, làm gì để tăng thuế cho Nhà nước?
Nếu ý tưởng đánh thuế nhà ở thứ hai được thực hiện thì ngay lập tức sẽ tác động đến thị trường BĐS. Nếu ý tưởng này không được thực hiện thì vẫn cần những giải pháp thay thế để chống nguy cơ thị trường phát triển nóng, đầu cơ, lệch pha cung cầu... đồng thời giúp tăng nguồn thu thuế cho Nhà nước.
Đó là 2 tình huống được đặt ra tại Tọa đàm "Hai kịch bản từ việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2" tổ chức tại Hà Nội sáng 7/9.
Ở tình huống đầu tiên, đa số các chuyên gia đều cho rằng việc đánh thuế căn nhà thứ 2 thời điểm này là chưa phù hợp. Phía doanh nghiệp cho rằng, việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2 sẽ "giết chết" thị trường cho thuê BĐS, người thuê sẽ phải gánh thêm thuế căn nhà thứ 2.
Vậy thì, giải pháp nào để tăng thu thuế cho Nhà nước thay vì đánh thuế căn nhà thứ 2? Trả lời câu hỏi này, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, vì chúng ta đang phải tìm thêm nguồn thu cho ngân sách vì vậy việc cần thiết là cải cách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
“Trong luồng cải cách thuế thì việc sửa đổi sắc thuế này là hết sức quan trọng. Tôi vẫn giữ quan điểm không đánh thuế đầu tư trên đất. Bên cạnh đó, để thị trường BĐS phát triển thì quản trị công phải vững, công khai minh bạch các thông tin tới xã hội. Thị trường sơ cấp đang thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý, do đó phải đảm bảo hệ thống quản trị công tốt”, ông Võ nói.
Ngoài ra, theo ông Võ, cần đưa ra quy trình điều chỉnh quy hoạch chặt chẽ, minh bạch... đây là một số việc cần làm sớm để tạo ra quá trình vốn hóa đất đai, nhằm khai thác quỹ đất tốt hơn. Ông Võ nhận định, Đà Nẵng đã làm được việc này và làm rất tốt.
Xem chi tiết tại đây.
Thị trường BĐS Việt Nam đang ở giữa cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ
Thị trường BĐS là một trong những thị trường giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường xây dựng, thị trường nguyên vật liệu thiết bị, thị trường lao động.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, thị trường BĐS cả nước và TP.HCM đã manh nha hình thành ngay từ năm 1987 sau khi thành phố thực hiện chủ trương bán hóa giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê sử dụng, nhưng thực sự hình thành từ năm 1993 sau khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai đầu tiên và Pháp lệnh Nhà ở, đã tạo khuôn khổ pháp lý ban đầu cho thị trường quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Đánh giá về sự chuyển động của thị trường BĐS trong hơn 20 năm qua, ông Châu cho rằng, hoạt động của thị trường BĐS đã từng bước chuyển sang cơ chế thị trường dưới sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Theo quy luật phổ biến, thị trường BĐS thường diễn biến theo hình sin bất đối xứng, phụ thuộc vào Quy luật giá trị; Quy luật cạnh tranh; Quan hệ cung - cầu; Chính sách, cơ chế điều tiết vỹ mô của Nhà nước; Hành vi đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư dưới sự tác động của chính sách, cơ chế, hoặc do yêu cầu của thị trường”, ông Châu nhận định.
Xem chi tiết tại đây.
Tao lập quỹ đất sạch, cuộc chiến mới trên thị trường
Nhìn lại thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay cho thấy, số lượng dự án căn hộ tung ra thực sự giảm mạnh. Có những nhận định cho rằng, thị trường đang gặp khó khăn, các doanh nghiệp ém hàng, song theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại nhiều khu vực cũng như các sàn môi giới, trên thực tế, mãi lực thị trường hiện nay vẫn rất lớn, nhưng nguồn cung dự án hoàn thiện thủ tục pháp lý để đưa ra thị trường đang bị khan hiếm nghiêm trọng.
Khác với thời điểm này của năm 2016, dự án tung ra ồ ạt, từ đầu năm đến nay, ghi nhận các dự án chào bán ra thị trường rất ít, đáng chú ý chỉ có Hưng Thịnh và Him Lam Land, Đất Xanh, Phú Long… đưa ra thị trường từ 3 đến 4 dự án, nhưng do nguồn cung không nhiều, nên dự án vừa tung ra đã được bán sạch.
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù trước đó, một số doanh nghiệp địa ốc lớn tại TP.HCM có quỹ đất sẵn với kế hoạch trong năm 2017 này sẽ đưa ra thị trường ít nhất từ 3 đến 4 dự án, tuy nhiên hiện nay đã bước vào tháng 9, nhưng vẫn chưa tung được dự án nói trên ra thị trường. Nguyên nhân được tìm hiểu là do hầu hết các dự án nằm trong kế hoạch giới thiệu, mở bán đều bị vướng thủ tục.
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, với thị trường căn hộ trong giai đoạn hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vẫn ưu tiên xử lý lượng căn hộ còn tồn kho, còn với các dự án mới chủ yếu còn đang thăm dò là chính.
Xem chi tiết tại đây.
Vi phạm trật tự xây dựng đang có dấu hiệu “nhờn” thuốc
Chung cư Tân Bình Apartment (Q Tân Bình, TP HCM) cũng trong tình trạng tương tự khi xây vượt 4 tầng so với giấy phép, thay vì đập bỏ phần xây dựng sai phạm thì Sở Xây dựng TP HCM lại đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc TP hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng mặc dù dự án này trước khi được cấp phép, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đã được phê duyệt.
Không những vậy, các cơ quan chức năng còn hỏi ý kiến những người mua nhà tại đây có muốn đập hay không vì trong giấy phép xây dựng dự án có 14 tầng nhưng chủ đầu tư đã bán những căn hộ đến tầng 18 và hiện dự án đang trong giai đoạn xây dựng.
Câu chuyện phạt xong để đó cũng đang diễn ra tại nhiều chung cư như: Hồ Gươm Plaza (Hà Đông) tự ý chia nhỏ diện tích căn hộ; Dự án Chung cư Star (283 Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) biến tầng kỹ thuật thành văn phòng; chung cư cao cấp BMM (Hà Đông) xây thêm tầng; Dự án Golden West Lê Văn Thiêm biến ô thoáng thành căn hộ...
Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thừa nhận căn nguyên là ở Thông tư số 02/2014/TT-BXD, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, do Bộ Xây dựng ban hành ngày 12/2/2014, với nội dung một số những công trình xây dựng không phép, sai phép, trong một số trường hợp sẽ vẫn được tồn tại hợp pháp, nếu chủ đầu tư chịu đóng tiền phạt.
"Việc xác định mức độ vi phạm là “điểm mờ” trong thông tư và điều này rất khó được quy định rõ ràng, cụ thể. Vì ranh giới giữa các mức độ vi phạm như thế nào thì hiện đang lờ mờ” – ông Chiến cho biết.
Xem chi tiết tại đây.
Quảng cáo nhà đất dễ dãi: Lợi bất cập hại
Tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” diễn ra khá nhiều tại các khu vực vùng ven Thành phố. Nhiều “cò đất” quảng cáo đất giáp ranh với TP.HCM, chỉ cách trung tâm TP.HCM khoảng 15 km, nhưng đưa khách hàng xuống tận Đức Hòa - Long An... để xem đất, xem nhà.
Anh Hoàng (quận 3, TP.HCM), một nạn nhân của trò này chia sẻ, đang có nhu cầu mua đất nền nên khi thấy những quảng cáo treo ở thân cây ven đường rao bán đất nền ở Nguyễn Văn Bứa, Hóc Môn với diện tích 250 m2, xây dựng tự do, gần khu công nghiệp lớn, gần chợ, trường học, đường nhựa 12 m, cách ngã tư An Sương 20 phút, giá 600 triệu đồng/nền khá hợp túi tiền, anh đã liên hệ theo số điện thoại ghi trên đó để đi xem đất. Nhưng sau gần 1 h chạy xe, anh được môi giới đưa xuống xem một mảnh đất ở tận Khu công nghiệp Mỹ Hạnh, Đức Hòa - Long An.
Anh Hoàng bức xúc: “Đáng nói là tôi được cò dẫn đến xem mảnh đất ruộng được phân lô, đường đi tạm bợ và chưa có giấy tờ hợp lệ nào cả”.
Những dự án đang triển khai trong nội thành thì cách thức quảng cáo càng “đẳng cấp” hơn. Để thu hút người mua, không ít môi giới nhà đất cố tình mập mờ trong việc niêm yết giá căn hộ như rao giá chưa thuế, chưa có các loại phí, bàn giao thô… nhằm hạ thấp mức giá và không quên kèm những lời quảng cáo hấp dẫn như “bán giá gốc, suất ngoại giao”..., hay cùng một dự án nhưng có rất nhiều loại giá.
Đơn cử, dự án Green Hill Bình Tân có đến cả chục mức giá, rao bán từ 12,6 - 20,5 triệu đồng/m2, nhưng khi bàn giao cho khách thì giá này lên đến 22 - 24 triệu đồng/m2.
“Đừng nhìn vào những lời rao quảng cáo hấp dẫn mà nghĩ rằng giá khu này là rẻ, giá đó chưa bao gồm thuế và phí gì đâu”, chị Lan, một khách hàng đang xem dự án cùng phóng viên chia sẻ.
Xem chi tiết tại đây.
Nhồi nhét cao ốc vào trung tâm, hạ tầng nào chịu nổi?
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, chỉ đạo này của TP.HCM rất đáng hoan nghênh bởi nó sẽ giúp hạn chế tình trạng kẹt xe tại các tuyến đường trung tâm cũng như các tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc.
“Hiện nay, TP.HCM đang nén nhiều chung cư trong khu trung tâm như quận 1, quận 3, quận 4, quận Bình Thạnh, quận 10 và Tân Bình… Hơn 20.000 căn hộ dưới tên gọi mỹ miều officetel và shophouse đã phá vỡ hạ tầng kỹ thuật, khiến kẹt đường, thiếu trường học, chỗ vui chơi…. Điển hình như đường Nguyễn Hữu Cảnh, Phổ Quang, Ba tháng Hai…
Do đó, việc cấm xây các cao ốc ở những tuyến đường thường xuyên gây kẹt xe là một trong những giải pháp hạn chế việc các chung cư, cao ốc, trung tâm thương mại… mọc đầy ở các ngã ba, ngã tư, vòng xoay vốn đã quá tải xe cộ”, ông Đực nói.
Mặc dù vậy, theo ông Đực, khi áp dụng quy định này, những doanh nghiệp đi trước đón đầu hạ tầng sẽ có lợi, những doanh nghiệp đi sau sẽ bất lợi hơn. Tuy nhiên đây là quy luật chung của thị trường. Ông Đực cho rằng những dự án đã phê duyệt sẽ không bị ảnh hưởng do các hồ sơ xin cấp phép xây dựng đều có thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, quy hoạch dân cư…. nên nếu đảm bảo và phù hợp với hạ tầng giao thông sẽ được cấp phép xây dựng.
Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng nhận định đối với các dự án đã làm xong hồ sơ, chỉ chờ thủ tục cấp phép xây dựng thì thành phố vẫn phải tiếp tục cấp phép. Bởi lẽ, khi doanh nghiệp đã làm đến bước này thì phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Xem chi tiết tại đây.