Chưa có diễn biến mới về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế
Đã gần hết năm 2022 nhưng dường như tiến độ giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng vẫn rất chậm, con số mới nhất về tiến độ giải ngân vẫn chưa được cập nhật.
Còn nhớ, để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đầu năm 2022, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định công bố các gói hỗ trợ về chính sách với khoảng 350.000 tỷ đồng từ ngân sách. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất; 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
Dù vậy, tốc độ triển khai các hỗ trợ vẫn rất chậm. Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào ngày 9/6 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, tính đến hết tháng 5/2022, Chính phủ đã giải ngân khoảng 33.500 tỷ đồng trong gói phục hồi kinh tế - xã hội. Trong đó, miễn, giảm thuế, phí 22.600 tỷ đồng (đạt khoảng 35% kế hoạch). Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4.869 tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách của chương trình. Các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Giải ngân vốn đầu tư công cũng rất chậm. Tính đến 31/5/2022, đã giải ngân 22,37% kế hoạch, trong đó, vốn trong nước đạt 23,53%, vốn ODA đạt 6,26%.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 2/9, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình sơ bộ đạt 55.500 tỷ đồng, đạt 16% trong tổng gói hỗ trợ là 350.000 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân lớn nhất trong nhóm chính sách hỗ trợ thuế, chiếm 63% cơ cấu giải ngân. Gói hỗ trợ lãi suất 2% đạt chưa đến 1% cơ cấu giải ngân…
Những con số này cho thấy việc giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỷ dường như vẫn “ì ạch”. Trong bối cảnh đó, khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt doanh nghiệp, vào những tình thế hết sức cấp bách, khó khăn.
Báo cáo của Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) do Trưởng ban Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT ký gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 12/11 viết: Khó khăn này đang ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước.
Trong đó, thách thức về việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là thách thức lớn nhất, đặc biệt với khu vực doanh nghiệp tư nhân. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh.
Một là, doanh nghiệp ngành thép đối diện với “khủng hoảng lớn” khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30 - 40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao, trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo;
Hai là, doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn nhưng hiện nay các ngân hàng không giải ngân do áp lực về room tín dụng nên doanh nghiệp cũng không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới.
Mặt khác, đối với một số thị trường khó tính, do những cải tiến về quy mô, cam kết môi trường và chất lượng sản phẩm, khách hàng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư máy móc, công nghệ mới nhưng do thiếu vốn, doanh nghiệp cũng không thể đáp ứng yêu cầu này, dẫn tới nguy cơ không thể duy trì vị trí trong chuỗi.
Ba là, doanh nghiệp nông nghiệp phản ánh về việc thiếu vốn để thu mua nguyên liệu trong khi một số nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) lại có kỳ thu mua tập trung ở các tháng cuối năm và đầu năm 2023. Thời gian thu mua gấp, lượng vốn cần lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không thể tiếp cận tín dụng nên dự báo rất khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Thứ tư là, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền, không vay được ngân hàng để trả cho doanh nghiệp cung ứng vật liệu. Bên cạnh đó, việc xây dựng bằng vốn đầu tư công cũng đang đình trệ, khiến nhóm doanh nghiệp này thực sự khủng hoảng.
Đáng chú ý, sự sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình doanh nghiệp khác, khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp doanh nghiệp thu hút được các nhà đầu tư trong ngắn hạn để giải quyết các bài toán cấp bách.
Nhận định về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp đang đối diện với loạt khó khăn khi khả năng tiếp cận vốn tín dụng bị hạn chế do điều kiện tín dụng đòi hỏi như thiếu tài sản thế chấp, các điều kiện về nợ xấu và phương án kinh doanh có độ tin cậy cao. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó về sự thiếu hụt nhân công; sự gia tăng chi phí đầu vào, từ các nguyên vật liệu, đến giá nhân công; sự khan hiếm, thiếu hụt các đơn hàng mới do khách hàng gặp khó khăn tiêu thụ; các chi phí không chính thức cao do nhũng nhiễu và thủ tục quản lý phức tạp, tốn kém; sự chậm trễ và khó tiếp cận các chính sách ưu đãi hiện hành của Chính phủ và địa phương…
TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá: “Tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng vẫn tương đối chậm. Việc chậm trễ tất yếu sẽ làm giảm đi những động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, doanh nghiệp và người dân nói riêng. Đáng lẽ trong bối cảnh khó khăn, thì dòng tiền của các gói hỗ trợ, kể cả đầu tư phát triển phải được hấp thu ngay vào nền kinh tế trong năm nay mới có thể phát huy hiệu quả tối ưu”.
Cần đẩy nhanh giải ngân để hỗ trợ doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng triển khai, trong đó tiếp tục hỗ trợ lãi suất và giảm thuế VAT 2% sẽ thực sự là liều thuốc hữu ích để các doanh nghiệp cơ cấu lại nợ và khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh. Đáng chú ý, hầu hết, các doanh nghiệp đều rất mong mỏi gói hỗ trợ sớm được triển khai bởi họ đang gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, cũng như các vấn đề lạm phát, thắt chặt tín dụng…
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho biết, nhiều quan điểm của giới chuyên gia và doanh nghiệp cho biết sự vào cuộc của các ngành trong việc triển khai Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 43 của Quốc hội nhưng vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc khiến cho những chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Doanh nghiệp và người dân vẫn chưa được thụ hưởng ưu đãi về vốn, về thuế mà các chương trình mong muốn mang lại. Việc tiếp cận vốn từ các doanh nghiệp vẫn còn rắc rối vì liên quan đến nhiều thủ tục.
Ông Thịnh cho rằng, tinh thần giải ngân gói hỗ trợ kinh tế phải khẩn trương và khẩn trương hơn nữa ngay từ bây giờ. Về lâu dài, các gói hỗ trợ tài khóa cũng cần phải tính toán, để doanh nghiệp cũng như người dân được thụ hưởng một cách thực tế, nhanh nhất, công bằng nhất, giúp giảm bớt các khó khăn trong quá trình hồi phục sản xuất, kinh doanh.
“Trong năm 2023, Chính phủ, các bộ ngành cần liên tục rà soát và kiểm tra tiến độ, trách nhiệm thực hiện chương trình giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỷ đúng nghĩa là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp và người dân”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, từ khi có quyết định của Chính phủ về gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng, doanh nghiệp bất động sản đã nhìn nhận đây là một tin tốt trong bối cảnh thị trường khá trầm lắng kéo dài do dịch bệnh Covid-19. Những kỳ vọng lúc đó được đặt ra rằng, gói hỗ trợ phục hồi này sẽ góp phần tăng tiêu dùng, cải thiện sức mua, thúc đẩy nhu cầu sở hữu nhà đất để ở lẫn đầu tư.
Tuy nhiên, các thông tin số liệu mới nhất vẫn cho thấy việc giải ngân gói hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nhanh nhất. Đồng thời, một năm qua thị trường bất động sản cũng gặp khó về dòng vốn khi ngân hàng hết room tín dụng bất động sản, kênh trái phiếu sụt giảm niềm tin… Thị trường bất động sản đã khó càng chồng thêm khó.
“Nhìn về tổng thể, năm 2023 thị trường bất động sản vẫn hội tụ nhiều cơ hội nếu việc giải ngân đầu tư công và các gói kích thích kinh tế được bơm ra nhanh chóng hơn, thiết thực với các doanh nghiệp và người dân. Tâm lý có thêm vốn sẽ khiến cho thị trường bất động sản tiếp tục ra hàng mới, các giao dịch sẽ sôi động hơn. Cơ hội tăng trưởng của thị trường bất động sản nhà ở và tài sản gắn liền với đất trong năm 2023 được dự báo sẽ cao hơn so với năm 2022”, ông Đính nhận định.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tháng 11, cả nước có gần 12.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 104.500 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 74.000 người. Như vậy, tháng 11 giảm 8,3% số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,3% về vốn đăng ký và giảm 3,7% về số lao động so với tháng trước đó.
Cũng trong tháng này, cả nước có 4.006 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 1,3% so với tháng trước và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021; 5.095 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,3% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ; 1.422 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 11,2% so với tháng trước nhưng tăng 13,2% so với cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 70.200, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2021; gần 45.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14,7%; 16.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi tháng có 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.