Aa

Doanh thu dự kiến sụt giảm 75%, doanh nghiệp cần “tiếp máu“ để qua cơn nguy kịch

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 08/09/2021 - 06:00

Dòng tiền được ví như là dòng “máu” của doanh nghiệp, nhưng kết quả khảo sát cho thấy phần lớn đang thiếu “máu”, cùng với đó là 5 khó khăn về dòng tài chính đè nặng trên vai.

GẦN 70% DOANH NGHIỆP TẠM DỪNG SẢN XUẤT

Từ 12/8 đến 22/8, Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và Báo điện tử VnExpress thực hiện khảo sát nhanh về tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19. Khảo sát online này được sự tham gia từ 21.517 doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Kết quả là 69% (tương đương 14.890 doanh nghiệp) cho biết phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch. Phần lớn đây là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. 16% vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh một phần và còn lại đã giải thể.

Số phải dừng kinh doanh do dịch tập trung phần lớn tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Đây cũng là những địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước hiện nay và thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.

Ngoài ra, có hơn 21% doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do không đáp ứng các yêu cầu phòng dịch. Điều này góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước trầm trọng hơn.

Cơ cấu tình trạng hoạt động của doanh nghiệp
Cơ cấu tình trạng hoạt động của doanh nghiệp.

Gần một nửa doanh nghiệp không ước tính được phải tạm đóng trong thời gian bao lâu. Điều này cho thấy họ khá bị động, không thể dự tính được các kế hoạch sử dụng lao động, đặt nguyên vật liệu sản xuất...

Số đóng cửa trong 1 - 3 tháng là 28,5% và khoảng 2,5% cho biết phải đóng cửa đến nửa năm và còn lại là những doanh nghiệp sẽ phải “ngủ đông” 3 - 6 tháng.

Xét theo lĩnh vực, nhóm ngành thuỷ sản, dịch vụ và nông, lâm nghiệp chiếm tỷ lệ giải thể cao nhất, kế đến là công nghiệp, xây dựng. Số doanh nghiệp xây dựng phải tạm dừng kinh doanh là 76%.

Dịch vụ là ngành có tỷ lệ lao động mất việc cao, trên 50%. Trong đó, dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chỉ còn 4% duy trì hoạt động từ tháng 5 đến nay do dịch lan rộng buộc nhiều địa phương giãn cách xã hội, các khách sạn, nhà hàng tiếp tục đóng băng.

Cơ cấu doanh nghiệp theo tình trạng hoạt động và phân theo tiểu ngành dịch vụ
Cơ cấu doanh nghiệp theo tình trạng hoạt động và phân theo tiểu ngành dịch vụ.

ĐÓNG CỬA DO GIÃN CÁCH XÃ HỘI

Lý do khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời nhiều nhất là do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, tỷ lệ này là chiếm tới 35,4%. Do việc thực hiện phong tỏa, cách ly, giãn cách tại nhiều tỉnh, thành phố. Đặc biệt là khi dịch bùng phát, các văn bản chỉ đạo của nhiều tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương chỉ cho phép “hàng thiết yếu” được lưu thông qua địa bàn, các chốt chặn, kiểm tra được dựng lên trên khắp cung đường với các điều kiện đối với lái xe, hàng hóa được lưu thông khác nhau.

Điều này đã tạo ra rất nhiều bất cập trên thực tế vì khái niệm “hàng thiết yếu” được các cấp thực thi ở mỗi địa phương, địa bàn hiểu một kiểu. Ngay cả khi có văn bản chỉ đạo của Chính phủ cho phép hàng hóa được phép lưu thông “trừ hàng cấm” thì các địa phương vẫn mỗi nơi đưa ra một quy định, hướng dẫn khác nhau khiến việc lưu thông hàng hóa hết sức khó khăn.

 Lý do khiến doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động trong bối cảnh dịch bùng phát
Lý do khiến doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động trong bối cảnh dịch bùng phát.

Điều này còn làm gia tăng chi phí vận chuyển vì thời gian lưu thông tăng gấp nhiều lần chưa kể hàng loạt chi phí phát sinh để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, bao gồm chi phí xét nghiệm của lái xe.

Vấn đề lưu thông nguyên liệu, phụ liệu cho sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa thành phẩm hết sức khó khăn ngay trên lãnh thổ Việt Nam được báo chí liên tục phản ánh trong thời gian qua đồng thời cũng thể hiện trong nhiều nội dung phản ánh, kiến nghị mà các Hiệp hội và doanh nghiệp gửi khẩn tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành.

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp “Buộc phải đóng cửa do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống dịch của địa phương” cũng chiếm tới hơn 21%. Điều này góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước trầm trọng hơn, vì các doanh nghiệp không thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện các đơn hàng cho các doanh nghiệp khác.

DOANH NGHIỆP CHẬT VẬT KHI THIẾU TIỀN

Dòng tiền được ví là “máu” của doanh nghiệp, nhưng kết quả khảo sát cho thấy phần lớn đang thiếu “máu”. Trong đó, 40% đơn vị tạm dừng kinh doanh vì Covid-19 cho hay chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng. Tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần so với doanh nghiệp đang cố duy trì hoạt động.

Hộ kinh doanh là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, với 45% cho biết có dòng tiền duy trì dưới 1 tháng. Tỷ lệ này ở công ty TNHH, cổ phần là 39,5%; doanh nghiệp Nhà nước 30%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 23,5%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp phải đóng cửa dài hơn 1 tháng mà không có hỗ trợ từ bên ngoài, thì khả năng giải thể là rất cao.

Doanh nghiệp còn “đủ lực” để “sống” trong 1 - 3 tháng, khoảng 46%. Nhưng tỷ lệ này giảm dần và khả năng họ phải giải thể nếu thời gian giãn cách tại các địa phương liên tục kéo dài. Tỷ lệ doanh nghiệp đang duy trì sản xuất có dòng tiền hoạt động hơn 6 tháng là 17%.

Dòng tiền của doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động trong khoảng thời gian dự kiến
Dòng tiền của doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động trong khoảng thời gian dự kiến.

Do đó, Ban IV cho rằng, tháng 9 là thời điểm có tính chất quyết định để cứu nguy cho số doanh nghiệp này thông qua hỗ trợ từ chính quyền hoặc hoặc tự thân các doanh nghiệp tổ chức được sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp có thể giải quyết khó khăn về dòng tiền là việc đi vay từ ngân hàng thương mại. Nguồn vay thứ hai đó là vay từ tổ chức tài chính vi mô hoặc cá nhân. Nguồn vay thứ ba mà cả hai nhóm doanh nghiệp này đã thực hiện là “vay gói hỗ trợ của Nhà nước” để giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phản ánh họ “không thể tiếp cận được gói hỗ trợ của nhà nước”, “không thể vay”, “lên tivi vi mà vay”, “xin vay từ năm ngoái đến năm nay không được”...

5 KHÓ KHĂN VỀ TÀI CHÍNH

Các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, có 5 khó khăn lớn nhất đối với vấn đề tài chính mà họ đang phải đối diện.

Thứ nhất là trả tiền lương cho người lao động. Trên 71% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó khăn này.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp phải trả lãi vay cho ngân hàng.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp vướng khó về trả tiền thuê đất, kho bãi, nhà xưởng, văn phòng.

Thứ tư là khó khăn về đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn

Khó khăn thứ năm mà nhiều doanh nghiệp gặp phải là trả nợ gốc cho ngân hàng. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ gốc cho ngân hàng là 37%.

Để giải quyết khó khăn về dòng tiền bị thiếu hụt, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, với 52% doanh nghiệp dừng hoạt động do dịch và chỉ 31% doanh nghiệp đang duy trì sản xuất chọn cách này.

Chỉ khoảng 4% nhóm doanh nghiệp duy trì sản xuất cho biết họ không cắt giảm lao động và tranh thủ tuyển thêm người. Đây cũng là điểm sáng nhưng hiếm hoi trong bức tranh tổng thể.

Đặc biệt, doanh thu của doanh nghiệp cũng dự kiến sụt giảm, trong đó có gần 50% doanh nghiệp cho rằng doanh thu của họ dự kiến giảm trên 75%.

DOANH NGHIỆP HIẾN KẾ GỠ KHÓ

Chính sách được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất là “Hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất 1 - 3%/năm để trả lương”, với tỷ lệ lựa chọn là 62%. Đề xuất này khá nhất quán so với kết quả thống kê 5 gánh nặng tài chính lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Vì trong bối cảnh dừng hoạt động, doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho người lao động để giữ chân họ, chờ cơ hội phục hồi. Nhu cầu tuyển lao động mới sau dịch lớn hơn, nhất là với nhóm nhân sự quản lý, kỹ thuật cao.

Ngoài lương, bảo hiểm, họ còn chịu nhiều chi phí phát sinh khác để duy trì chuỗi cung ứng, giữ khách hàng, thị trường. Bình quân doanh nghiệp duy trì “3 tại chỗ” phải trả thêm khoảng 9,3 triệu đồng một tháng cho mỗi nhân viên, tức là chi phí cho lao động tăng gấp đôi.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được 65% doanh nghiệp duy trì hoạt động và 60% phải tạm đóng vì Covid-19, chọn lựa. Ban IV phân tích, khi chi phí tăng, đặc biệt chi phí lao động, vận chuyển hàng hóa hay chi phí bị phạt hợp đồng do không đảm bảo thời hạn giao hàng, nhiều doanh nghiệp có thể cũng “không còn lợi nhuận”.

Trường hợp này, không có cơ hội để hưởng lợi từ chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng nếu doanh nghiệp có khả năng quản trị tốt, chèo lái vượt qua khó khăn lúc này..., đây lại là chính sách “đồng hành của Nhà nước với doanh nghiệp”, giúp họ có thêm dòng tiền để tích lũy, mở rộng đầu tư trong nước, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Giảm tiền điện, nước, nhiên liệu là chính sách hỗ trợ từ Nhà nước được hơn 50% doanh nghiệp chọn. Khoảng 48% doanh nghiệp duy trì sản xuất và 46% đang tạm đóng cửa vì Covid-19 chọn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) là nhóm chính sách hỗ trợ cần thiết từ Nhà nước với họ lúc này.

Mặc dù VAT là thuế gián thu, không phải thuế trực thu như thuế TNDN, họ vẫn mong được giảm loại thuế này để hạ giá thành hàng hóa, tăng cạnh tranh và sức cầu hàng hoá của người dân, góp phần phục hồi, phát triển sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp muốn giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội xuống thấp hơn. Khi tỷ lệ đóng góp này giảm, doanh nghiệp có thể dùng để đóng bảo hiểm tự nguyện cho người lao động - một cách thức giúp giữ chân và mang lại nguồn dự phòng cho họ. Khảo sát cho thấy, gần 30% các doanh nghiệp cho là chính sách “hoãn đóng bảo hiểm xã hội từ 3 - 6 tháng” hoặc “giảm thuế thu nhập cá nhân” sẽ đem lại hiệu quả cho họ.

Để duy trì đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ có giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt. Bởi nếu bị mất thị trường, mất khách hàng thì doanh nghiệp khó phục hồi sau dịch.

Họ cũng muốn Chính phủ nghiên cứu xây dựng thêm các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn (như mô hình vùng xanh kinh tế) để họ chủ động lựa chọn, áp dụng trong bối cảnh việc duy trì mô hình 3 tại chỗ kéo dài hiện quá tốn kém.

Với chiến lược vaccine, doanh nghiệp muốn nhà chức trách có chính sách phù hợp cho những người đã tiêm 2 mũi vaccine được trở lại làm việc; chuẩn bị, xác định phương án sống chung với dịch bệnh sau tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng 70%.

Nhiều ý kiến đề xuất tăng tốc độ tiêm chủng vaccine bằng cách có cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào dịch vụ tiêm. Khi Nhà nước lo vaccine miễn phí cho người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, thì tư nhân sẽ san sẻ, góp phần với Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ tiêm vaccine cho những lao động trong các doanh nghiệp. Việc này giúp phần nào san sẻ gánh nặng với các cơ sở y tế công cộng, nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng, đồng thời giúp doanh nghiệp có cơ hội tái mở cửa và hoạt động lại bình thường.

Đồng thời, doanh nghiệp kiến nghị tích hợp phần mềm khai báo y tế, di biến động dân cư, tận dụng IT để giảm bớt thủ tục giấy. Trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Chính phủ và Bộ Công an nghiên cứu cơ chế tích hợp dữ liệu liên quan tới tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo, tầm soát y tế... và cho phép các địa phương, doanh nghiệp được kết nối, sử dụng nhằm quản lý và phân loại người lao động theo các thang đánh giá mức độ an toàn trong dịch bệnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top