Aa

Doanh nghiệp khó “ngược sóng” trong cơn bão khủng hoảng?

Thứ Hai, 24/08/2020 - 06:00

Nguồn tiền kinh doanh âm, hàng tồn kho lớn, bức tranh tương lai mịt mờ… là những điều mà doanh nghiệp địa ốc đang phải đối mặt.

Tác động của dịch Covid-19 bùng phát trở lại càng đẩy doanh nghiệp địa ốc vào tình trạng khó chồng khó. Từ năm 2019, bức tranh thị trường bất động sản đã không mấy tươi sáng do lo ngại bước vào giai đoạn lặp lại của cuộc khủng hoảng chu kỳ khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc lao đao

2019 cũng là năm nhiều dự án bị đình trệ do cuộc rà soát và thanh kiểm tra của cơ quan chức năng. Mặt khác, quá trình siết tín dụng và sự dè dặt trong bỏ vốn của nhà đầu tư đã kéo theo hệ lụy tồn kho nặng nề trong lĩnh vực bất động sản. Tình trạng này bước sang năm 2020 với sự xuất hiện của đại dịch càng khoét sâu hơn nỗi khó khăn của doanh nghiệp.

Một báo cáo mới đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang chứng kiến con số tồn kho tăng lên hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2020. Đơn cử như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG), giá trị hàng tồn kho tính của doanh nghiệp này đến cuối năm 2019 là 2.611 tỷ đồng. Đến tháng 6/2020, hàng tồn kho tính của AGG là 4.906 tỷ đồng, tăng gần 88% so với hồi đầu năm.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng là một ông lớn nằm trong danh sách các doanh nghiệp sở hữu hàng tồn kho lớn. Tính đến 30/6/2020, giá trị hàng tồn kho của DXG là 8.844 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2 nghìn tỷ so với hồi đầu năm và chiếm 43% tổng tài sản doanh nghiệp.

Trong khi đó, tình trạng dòng tiền kinh doanh âm của doanh nghiệp cũng đang diễn ra phổ biến. Tại DXG, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh tại thời điểm cuối tháng 6/2020 âm hơn 1.540 tỷ đồng. Trong khi con số này cùng kỳ năm trước là âm 653 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp địa ốc khác cũng ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm là Công ty Cổ phần Địa ốc 11. Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của D11 là âm 99 tỷ đồng.

doanh-nghiep-dia-oc
Ảnh minh hoạ

Điều đáng nói, các doanh nghiệp địa ốc không chỉ xoay xở với việc duy trì hệ thống và dự án mà còn phải tính toán đến phương án dự phòng trong thời gian tới, nhất là khi kịch bản cho nền kinh tế còn phụ thuộc vào sự bùng phát của Covid-19. Nếu như khả năng kiểm soát Covid-19 vẫn chưa rõ ràng, kinh tế lao đao, tâm lý giữ tiền mặt của người dân tiếp tục gia tăng, nhu cầu trên thị trường bất động sản sẽ sụt giảm.

Phân tích về thị trường, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện sẽ đưa doanh nghiệp đứng trước 2 kịch bản: Một là doanh nghiệp tìm thấy trong "nguy" có "cơ hội"; hai là doanh nghiệp không thể chờ được nữa, buộc phải kinh doanh.

Đối với kịch bản thứ nhất, vị chuyên gia này cho rằng, doanh nghiệp buộc phải có tới 3 yếu tố bao gồm: tung ra được sản phẩm mới trong khi những doanh nghiệp khác tạm hoãn lại các kế hoạch ra hàng; sản phẩm ra mắt phải thỏa đáng với những điều kiện về chất lượng, giá cả, vị trí tốt…; có được một đối tác (đại lý bán hàng) có uy tín và năng lực bán hàng tốt để cùng đồng hành với doanh nghiệp.

“Nếu hội đủ 3 yếu tố nêu trên thì doanh nghiệp có thể vững vàng trong việc kinh doanh và có thể đi "ngược sóng" trong giai đoạn này”, ông Hiển nhấn mạnh.

Ở kịch bản thứ hai, theo ông Hiển, với những dự án không thể dừng do doanh nghiệp bị sức ép về lãi vay ngân hàng cũng như nhu cầu thu hồi vốn để tái đầu tư, doanh nghiệp buộc phải kinh doanh. Trong hoàn cảnh này, doanh nghiệp sẽ dễ đi vào những sai lầm do phải đẩy mạnh quảng cáo, hình thành một khoản chi phí truyền thông rất lớn, tạo ra những thông điệp, thậm chí sẽ hứa hẹn những điều tốt đẹp và hấp dẫn cho các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế có thể doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng hết những hứa hẹn này dẫn đến nhiều khó khăn và dễ thất bại.

“Trong trường hợp chủ đầu tư chào bán dự án mới, họ có thể tìm thấy cơ hội trong việc bán hàng do tự tin về sản phẩm và không có dự án cạnh tranh. Lý do này xuất phát từ việc những chủ đầu tư khác chưa dám mở bán, sợ tốn chi phí quảng cáo mà bán không được thì vừa tốn kém, lại vừa "ế" dự án, sau này khó bán lại. Tuy nhiên, cũng có thể họ buộc phải mở bán vì nếu không là kẹt tiền lắm, ngân hàng siết nợ ráo riết...”, ông Hiển nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top