Aa

Doanh nghiệp kỳ vọng "nới độ khó" tiếp cận vốn sau những công điện của Chính phủ

Thu Thu
Thu Thu thuthu157ajc@gmail.com
Thứ Tư, 08/11/2023 - 06:00

Sau hai Công điện số 990 và 993 của Thủ tướng được ban hành, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giản lược thủ tục rườm rà trong việc tiếp cận vốn ngân hàng trong những tháng cuối năm.

Trong hơn một năm qua, việc thắt chặt tín dụng khiến doanh nghiệp bất động sản luôn trong tình trạng "khát vốn" để triển khai thực hiện dự án hoặc không thể tái đầu tư để phát triển doanh nghiệp. Để giải quyết việc nguồn vốn bị “nghẽn”, Chính phủ đã liên tục có những nhiều cuộc họp, chỉ đạo nhằm gỡ vướng cho thị trường.

Cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành liên tiếp 2 công điện: Công điện số 990/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023; Công điện số 993/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản và có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất. Đồng thời, tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nửa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. 

Ngoài ra, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi, thông thoáng kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. 

Kỳ vọng việc tiếp cận vốn dễ dàng hơn

Sau khi 2 công điện của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng sẽ có những tín hiệu vui với thị trường bất động sản và tin tưởng Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Chia sẻ với Reatimes, ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc phát triển dự án, Công ty cổ phần đầu tư Bất động sản Lộc Sơn Hà cho biết: “Trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam ảm đạm, nhiều chủ đầu tư gần như không thể tiếp cận nguồn vốn. 2 công điện này ra đời tại thời điểm này rất kịp thời và quyết liệt để hỗ trợ cho thị trường bất động sản có nhịp hồi phục sớm, giúp kinh tế tăng trưởng trở lại, doanh nghiệp sẽ có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn”. 

Ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc phát triển dự án, Công ty cổ phần đầu tư Bất động sản Lộc Sơn Hà. Ảnh: NVCC

Theo ông Tú, Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Lộc Sơn Hà hiện có hai mảng hoạt động chính là phân phối sản phẩm bất động sản và phát triển dự án. Hai công điện trên sẽ đem lại những ảnh hưởng tích cực cho cả hai mảng này. 

“Khi việc vay bất động sản hoặc vay để kinh doanh dễ dàng hơn, niềm tin của người dân sẽ quay trở lại và họ sẽ sẵn sàng chi tiêu để mua hàng, do đó các hàng hoá chúng tôi kinh doanh sẽ thuận lợi hơn. Ngoài ra, một số dự án bất động sản của chúng tôi cần được vay vốn. Hai công điện này ra đời cũng là tín hiệu tốt để chúng tôi có những thuận lợi nhất định trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và triển khai các dự án đang phát triển”, ông Tú nhấn mạnh.

Ông Tú cho biết giai đoạn này, các doanh nghiệp rất cần niềm tin về việc thị trường sẽ sớm hồi phục trở lại thông qua các tín hiệu hồi phục, để từ đó, doanh nghiệp có động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

“Nới độ khó” các thủ tục vay tín dụng ngân hàng

Ông Nguyễn Chí Thanh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cao ốc quốc tế Hồ Tây cho hay, ngoài việc Luật vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc cần sớm được tháo gỡ thì hiện các quy định vay vốn vẫn còn quá phức tạp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. 

Ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cao ốc quốc tế Hồ Tây - Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Thực tế, về khách quan, các thủ tục pháp lý còn rất nhiều quy định phức tạp và các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn e ngại về trách nhiệm khi Luật chưa được đồng bộ và còn nhiều vướng mắc. Do đó, xuất hiện hiện tượng “tiền ế” do có rất ít doanh nghiệp có các dự án có đủ điều kiện để vay vốn, đặc biệt gần như các doanh nghiệp nhỏ không thể tiếp cận được nguồn vốn mặc dù được ngân hàng tạo điều kiện.

Về chủ quan, số lượng sản phẩm bất động sản cao cấp còn chiếm đa số, trong khi những sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình còn khá ít. Do đó, các dự án đủ điều kiện pháp lý để được vay thì cần giải quyết bài toán về việc điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với nhu cầu ở thực của người dân.

Bàn về những kỳ vọng trong thời gian tới sau khi 2 công điện được ban hành, ông Thanh cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng việc sửa Luật sớm được diễn ra để doanh nghiệp “dễ thở” hơn. Chẳng hạn, thông thường, doanh nghiệp sẽ phát triển dự án nhà ở dựa trên các khu vực được quy hoạch từ đất nông nghiệp trở thành đất ở hoặc đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, việc đặt ra yêu cầu là doanh nghiệp phải triển khai dự án tại đất nông nghiệp hoặc đất ở rồi không chỉ gây khó cho doanh nghiệp, mà còn mâu thuẫn với công tác quy hoạch. Bởi, nếu khu vực ấy đã là đất ở hoặc đất phi nông nghiệp, thì không còn là quy hoạch đi trước mà là quy hoạch đi sau. 

Điều này sẽ càng gây khó khăn hơn cho những dự án đã xây dựng xong nhưng còn đang vướng pháp lý nên chưa thể tung ra thị trường, bởi vì những dự án này đều được xây dựng trên đất nông nghiệp, và không thể đáp ứng theo yêu cầu của dự thảo Luật, dẫn đến việc thị trường bất động sản càng trở nên ách tắc nguồn cung.    

Bên cạnh đó, hiện nhà nước chưa có nhiều biện pháp để điều tiết giá bất động sản khiến doanh nghiệp khó tiếp cận đất để làm dự án. Trong khi đó dư địa đất đai mới trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất gần như bị “tắc” trong ít nhất 1 năm trở lại đây, khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm kiếm các mảnh đất để làm dự án”.

Ông Thanh cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách rõ ràng và những hướng dẫn cụ thể trong việc giải phóng mặt bằng để có thể yên tâm cho doanh nghiệp vay. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, và doanh nghiệp cũng cần có phương án tái cơ cấu để đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc phát triển dự án, Công ty cổ phần đầu tư Bất động sản Lộc Sơn Hà cho rằng các ngân hàng cần lược bỏ một số chỉ số rủi ro không cần thiết để doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn. 

“Các doanh nghiệp có tài sản và đủ điều kiện ban đầu để tiếp cận vốn thì luôn gặp khó trong các điều kiện tiếp theo để được vay vốn từ ngân hàng. Chúng tôi cho rằng việc nếu ngân hàng có thể điều chỉnh và nới một số các quy định, tiêu chuẩn, giảm lược thủ tục vay vốn rườm rà thì doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn rất nhiều”, ông Tú nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top