Đại biểu Nguyễn Duy Thanh nhận định, đất đai đã thực sự được coi trọng bằng những quy định cụ thể theo hướng không chỉ là tài sản mà là nguồn lực, nguồn vốn mang tính thị trường hơn phục vụ cho sản xuất kinh doanh cho cả người dân và doanh nghiệp. Đó là việc phát triển quỹ đất với các cơ chế công khai, minh bạch hơn để Nhà nước tạo quỹ đất, chủ động điều tiết cung - cầu thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để người dân và doanh nghiệp chủ động được nguồn vốn đầu tư, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh huy động vốn từ ngân hàng gặp nhiều khó khăn, trở ngại như bao năm nay.
Đại biểu Thanh đánh giá, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định quyền được thế chấp, cho thuê lại quyền thuê đất trong trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm, bán tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất. Ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, với dự thảo mới này, người sử dụng đất nông nghiệp cũng được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Dự thảo đã mở rộng hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp; mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đồng thời dự thảo đã quy định đã khắc phục được nhiều tồn tại về đất nông nghiệp khi tạo cơ chế cho việc tích tụ, tập trung đất đai, cơ chế góp quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Dự thảo cũng đã phân quyền cho UBND cấp huyện được quyết định giá đất cụ thể phù hợp với thẩm quyền trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng. Quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch cũng đã được quy định ngay trong dự thảo luật đất đai lần này...
Với một quốc gia đi lên từ nông nghiệp, tích lũy phát triển, mở rộng kinh doanh và nâng cao đời sống gắn liền với đất như nước ta, những thay đổi đó thực sự có ý nghĩa và mang tính thực tiễn cao.
Vị đại biểu đoàn Cà Mau nhấn mạnh vào 4 vấn đề vì ý nghĩa và tầm quan trọng quá lớn của nguồn lực đất đai đối với người dân và doanh nghiệp nên đề nghị lần sửa đổi lần này cần cụ thể hóa hơn nữa Nghị quyết 18, cần đưa ra quy định, giải pháp căn cơ, lâu dài, tránh biến động quá lớn như trên thị trường bất động sản thời gian qua, gây hậu quả nặng nề với doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Thứ nhất, vừa qua, Chính phủ liên tục có những giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, Nghị quyết số 33/NQ-CP được ban hành với mục tiêu thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, từng bước gỡ khó cả về câu chuyện pháp lý các dự án, trái phiếu và dòng vốn, nhưng ở góc độ nào đó thì đây vẫn là biện pháp tình thế can thiệp vào thị trường. Muốn thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, chúng ta cần có Luật Đất đai, Luật kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở… đồng bộ, ổn định, nhất quán, phù hợp với quy luật thị trường để cán bộ công quyền yên tâm thực thi không sợ sai, yên tâm vì không phải lạm dụng áp dụng “linh hoạt” để rồi bị xử lý trách nhiệm. Người dân và doanh nghiệp không phải cầu cứu tháo gỡ, thay vào đó họ được yên tâm đầu tư, kinh doanh, yên tâm biến đất đai thành nguồn vốn lớn phục vụ kinh doanh, nâng cao thu nhập, mức sống.
Thứ 2, trong quy định của Nghị quyết 18 tại mục 2.5 có yêu cầu sửa đổi luật đất đai lần này cần có chính sách ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, phù hợp với địa bàn ưu đãi đầu tư, đây cũng là yêu cầu của Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhưng chưa có trong nội dung dự thảo luật.
Thứ 3, về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất từ Điều 64 đến Điều 67 đang dự thảo thì quy hoạch cũng bao gồm chỉ tiêu về diện tích giao đất cho các địa phương, điều này gây khó khăn cho địa phương cấp tỉnh và huyện, sẽ phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nhiều lần trong quá trình thực hiện vì khi làm quy hoạch thì nhà đầu tư chưa xuất hiện và theo Nghị quyết 18 thì quy hoạch chỉ là phân vùng không gian do vậy quy hoạch mà xác định chỉ tiêu cụ thể các loại đất là chưa chất chắn, chưa đủ độ tin cậy.
“Do vậy, tôi đề nghị tách quy hoạch và kế hoạch ra hai nội dung riêng, chỉ tiêu thì nằm trong kế hoạch”, ông Thanh nêu quan điểm.
Thứ 4, về phân loại sử dụng đất Điều 9 tôi thấy phân loại rất nhiều loại đất nông nghiệp, sẽ gây khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện, ví dụ hiện trong dự luật thì đang phân chia đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, nhưng ở Cà Mau và một số tỉnh Đồng bằng song Cửu Long thì đất trồng cây Đước, cây lâu năm, nuôi tôm, nuôi cua, nuôi cá, là một loại đất hoặc trồng Sen và nuôi cá là cùng một loại đất.
“Tôi đề nghị phân loại đất theo mục đích quản lý của nhà nước, không phân loại theo mục đích sử dụng của người dân, để quản lý chặt chẽ nhưng không làm khó cho người dân”, ông Thanh nói.