Aa

Cần dựa vào nội lực của nền kinh tế để vượt “cơn gió nghịch“ trong năm 2023

Thứ Năm, 12/01/2023 - 06:09

Năm 2023, chúng ta xoay chuyển như thế nào khi nền kinh tế sẽ có “cơn gió thuận” để vươn lên nhưng cũng có không ít “cơn gió nghịch” đang đón đợi?

Sau đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam năm 2022 tiếp tục đối diện với nhiều biến động khó lường, nhưng qua đó cũng thể hiện khả năng chủ động ứng biến, xoay chuyển tình thế của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Để phát triển ổn định trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải phát linh hoạt trong điều hành để xây dựng một nền kinh tế tự lực, tự cường, giảm lệ thuộc vào các nguồn vốn FDI.

Thiếu liên kết giữa khu vực sản xuất và tiêu dùng nội địa

Tại "Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam 2023" ngày 11/1, ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, quyết định chuyển hướng chống dịch linh hoạt của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022 đã tạo ra sự phục hồi về tiêu dùng nhanh chóng. Vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng không mạnh như các khu vực khác, do đó kiểm soát lạm phát tốt hơn. Năm vừa qua, lạm phát đã đạt đến đỉnh và bắt đầu đi xuống, nhưng rủi ro vẫn còn. Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính trầm lặng, phần lớn đồng tiền của các nước trong khu vực có xu hướng mất giá so với USD, trung bình khoảng 10%, đồng Việt Nam cũng chịu tác động nhất định.

“Có thể thấy những “cơn gió ngược” đã tác động đến nhiều nền kinh tế và mỗi nước bộc lộ ra các điểm yếu khác nhau về cơ cấu nền kinh tế”, ông Cường nói.

Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ảnh: Người đưa tin

Theo đó, dù đơn đặt hàng giảm nhưng Ấn Độ cùng với Indonesia, Thái Lan, Philipines chuyển sang chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trên 50, trong khi Việt Nam, Malaysia vẫn nằm ở mức dưới 50. Lý do là các nước có sự liên kết giữa khu vực sản xuất và tiêu dùng nội địa, trong khi Việt Nam thiếu hẳn sự kết nối, hỗ trợ này.

“Với Việt Nam, sự thiếu liên kết giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu được bộc lộ rất rõ khi mà tổng cầu tiêu dùng nội địa tăng lên nhưng PMI vẫn lao dốc. Sự mất cân đối trong cơ cấu nền kinh tế khi khu vực xuất khẩu phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI là lý do khiến tổng cầu xuất khẩu giảm, PMI lập tức đi xuống”, ông Nguyễn Minh Cường nhận định.

Kinh tế trưởng ADB đánh giá cao những chính sách điều hành tiền tệ  của Việt Nam trong năm 2022. Tuy nhiên, việc thắt chặt thị trường vốn đã khiến lòng tin của nhiều nhà đầu tư suy giảm, từ đó tác động lớn đến đến thị trường tài chính, gây sức ép lên chính sách tiền tệ.

Do đó, khuyến nghị chính sách tiền tệ trong năm 2023, Kinh tế trưởng ADB cho rằng, một mặt chính sách tiền tệ vẫn nên tiếp tục tập trung vào kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả như năm 2022, mặt khác liên kết chặt chẽ hơn với chính sách tài khóa để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế.

“Điều quan trọng nhất của thị trường vốn, thị trường tài chính là giải quyết vấn đề lòng tin, chỉ riêng chính sách tiền tệ không giải quyết được vấn đề này, không thể đảm bảo chống lạm phát, tính thanh khoản cho nền kinh tế và duy trì lòng tin mà cần sự liên kết với các chính sách khác, trong đó có chính sách tài khóa”, ông Cường phân tích.

Đâu là những nội lực phải khơi thông?

Không phủ nhận những lợi ích mà FDI mang lại về mặt vốn, công nghệ, thị trường, con người và phương thức sản xuất, song tại diễn đàn, ông Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam đã nêu lên quan điểm cẩn trọng.

“Trong năm 2022, Việt Nam thu hút hơn 18 tỷ USD, tương đương với nguồn vốn đầu tư công đã giải ngân trong năm. Khu vực FDI hiện chiếm đến 73% trong tổng khối lượng xuất khẩu. Như vậy, chúng ta lại tiếp tục trông chờ vào nguồn lực từ bên ngoài để thúc đẩy nền kinh tế. Đâu là những nội lực mà chúng ta phải khơi thông, để xây dựng một nền kinh tế tự lực, tự cường, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào các nguồn vốn FDI?”, ông Bình nêu vấn đề.

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, ông đồng ý FDI đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhưng cần thận trọng với mặt trái của nó.

“Một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang tận dụng các hiệp ước thương mại tự do mà Việt Nam đã ký để đầu tư vào xuất khẩu, biến Việt Nam thành vùng đệm để xuất khẩu. Cho nên câu chuyện FDI chúng ta phải thận trọng và sàng lọc”, ông Lâm nêu.

Ông Trần Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: TTXVN

Ông Trần Bích Lâm nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2023 có rất nhiều khó khăn và trông chờ vào các động lực thể chế, đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước. Vấn đề là phải khơi thông và kích thích được các nội lực này.

“Rất may đối với Nhật Bản, năm 2022 chúng ta xuất siêu 870 triệu USD và xuất khẩu vẫn là động lực rất lớn của nền kinh tế. Trong năm 2023, xuất khẩu của chúng ta không bị ảnh hưởng nhiều đối với nhóm sản phẩm từ nông nghiệp. Qua tính toán, chúng ta đã xúc tiến sản phẩm nông nghiệp rất tốt, xuất siêu sang thị trường EU và sắp tới sẽ còn phát triển”, ông Lâm nói.

Ngoài ra, đối với thể chế của nền kinh tế, ông Trần Bích Lâm cho rằng, dù khẳng định việc xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh và ban hành các luật rất đầy đủ, nhưng vẫn cần tiếp tục sửa đổi phù hợp với sự phát triển. Nếu vấn đề này được thông suốt thì giải ngân đầu tư công năm 2022 đã cải thiện và chắc chắn tăng trưởng kinh tế sẽ rất cao, đồng thời tạo đà phát triển cho năm 2023 và những năm tiếp theo bởi đầu tư công chính là một trong những nội lực của nền kinh tế.

“Nếu môi trường thể chế được tháo gỡ, tôi tin rằng đây là động lực rất lớn của nền kinh tế trong năm 2023”, ông Lâm đánh giá.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ông Trần Bích Lâm cho rằng, ngoài doanh nghiệp lớn, kênh vốn chúng ta hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ bằng chính sách của Chính phủ, thông qua việc giãn thuế, giảm thuế. Đồng thời, phải có chính sách về vốn để đẩy mạnh nhu cầu trong nước, để dù thị trường bên ngoài có giảm, chúng ta vẫn có thị trường trong nước nâng đỡ và phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam. Ảnh: VnEconomy

Đồng tình với động lực giãn, giảm thuế, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam cho rằng, đây là chính sách có thể thực hiện nhanh nhất bởi không cần quá chú trọng tới bộ máy thực thi. Đồng thời, cũng là chính sách hiệu quả nhất trong ngắn hạn bởi doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi ngay. Để nâng cao hiệu quả chính sách, Chính phủ phải linh hoạt từng quý và khi đã có chính sách, cần nhanh chóng đưa vào áp dụng.

Trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung thế giới, ông Thành nhận định, Việt Nam cần đổi mới chích sách và giải quyết được những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế khi các điều kiện bên ngoài cho phép.

Song, ông Thành cho rằng, Việt Nam không thể thụ động chờ đợi diễn biến thuận lợi từ việc FED hạ lãi suất hay Trung Quốc mở cửa thị trường.

“Quý I, quý II/2023 vẫn khó khăn, do đó theo tôi, “cửa hẹp” sẽ rơi vào tháng 5, 6. Trong cạnh tranh chiến lược, chúng ta kỳ vọng vào đầu tư công, tiêu dùng dân cư trong nước để bù đắp cho suy giảm xuất khẩu, nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng cần phải giải ngân vốn FDI cùng với giải ngân đầu tư công thì mới có bức tranh sáng”, ông Thành nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top