Nguy cơ phá sản, vỡ trận vì giá vật liệu xây dựng
Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) mới đây đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ khẩn thiết kiến nghị cơ quan này có giải pháp tháo gỡ trước tình trạng giá thép xây dựng tăng đột biến.
Theo VACC, các nhà thầu xây dựng trên cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý 1, đặc biệt ở tháng 4/2021. Cụ thể, giá thép phi 6 Việt Mỹ trong quý 4/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay, giá thép này ở Đà Nẵng được bán 18.370 đồng/kg, tăng 40%. Trong khi đó, giá thép do Sở Xây dựng Đà Nẵng công bố với nhà thầu áp dụng thanh quyết toán cũng chỉ là 13.805 đồng/kg. Không riêng thép Việt Mỹ mà tất cả các thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30% đến 40% so với quý 4/2020.
“Các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước, đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng), nên các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này. Còn các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các Sở Xây dựng, mà các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời, nên các nhà thầu cũng phải tự xử lý phần thâm hụt này”, VACC cho biết.
Trước tình hình này, VACC kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các Bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến. Đồng thời, với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách, VACC đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu các Sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường, để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu để tránh những tổn thất không đáng có cho các doanh nghiệp khi giá thép liên tục tăng cao.
Đáng chú ý, mới đây, 40 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở Cà Mau cũng đã ký đơn cầu cứu gửi đến UBND tỉnh này và các ngành có liên quan kiến nghị xem xét, điều chỉnh lại giá cả của một số vật liệu xây dựng như sắt, thép, đá, cát... phù hợp với thị trường. Giá của Sở Xây dựng, Sở Tài chính Cà Mau báo ở tháng 1 và tháng 2 rất thấp so với giá hiện tại. Giá cát thị trường đang tăng gần gấp đôi so với thông báo này, trong khi các hợp đồng của doanh nghiệp theo hình thức trọn gói, đơn giá cố định. Khi chủ đầu tư lập dự toán chưa có thông báo giá tăng sát với thực tế kịp thời.
Trong thời gian tới, theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội xi măng Việt Nam, nhiều khả năng, giá thép và giá xi măng vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quý 2/2021, thậm chí có thể kéo dài sang quý 3/2021.
Doanh nghiệp xây dựng sụt giảm lợi nhuận nghiêm trọng
Việc giá vật liệu xây dựng tăng mạnh đang ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhiều nhà thầu xây dựng lớn. Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong quý 1/2021 của nhiều doanh nghiệp đang sụt giảm nghiêm trọng. Năm nay, dù cho các doanh nghiệp xây dựng đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng dương so với năm 2020, nhưng vẫn chưa thể quay về với mức tăng trưởng của giai đoạn trước đó.
Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, trả lời cổ đông, ông Michael Trần, Phó Tổng giám đốc Coteccons khẳng định, việc giá vật liệu xây dựng tăng mạnh đang ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Coteccons. Việc giá thép tăng là khó khăn chung của cả ngành chứ không riêng gì Coteccons.
Theo thống kê thì mức lợi nhuận quý 1/2021 của Coteccons thấp nhất kể từ quý 2/2013 tới nay và biên lợi nhuận gộp quý này chỉ đạt gần 4,7% trong bối cảnh giá thép xây dựng tăng phi mã. Năm 2021, Coteccons lên kế hoạch doanh thu 17.413 tỷ đồng, tăng 20%, lợi nhuận 340 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020. Tuy vậy, mức này vẫn kém xa với năm 2019 và thời kỳ đỉnh cao của Coteccons 2016 -2018.
Kế hoạch này của Coteccons được xây dựng trên kịch bản từ nửa cuối năm 2020 Coteccons đã không có dự án nào mới. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, gần đây, Coteccons ký được khoảng 10 hợp đồng với tổng trị giá 2.500 tỷ đồng nhưng với tình hình kinh tế như hiện nay cũng khó có được biên lợi nhuận cao.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, trong quý 1, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 2.442 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm 95% xuống chỉ còn 5,47 tỷ đồng. Đây là con số lợi nhuận thấp nhất của Hòa Bình kể từ quý 3/2014 tới nay.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ trong báo cáo thường niên rằng, suốt ba năm 2018, 2019 và 2020 thị trường xây dựng đầy khó khăn do không có nhiều dự án đầu tư địa ốc được cấp giấy phép xây dựng, cộng thêm những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, khiến các chủ đầu tư trong lĩnh vực du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng đều bị thiệt hại rất lớn. Sang tới đầu năm 2021, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát khi liên tiếp có tới hai đợt dịch bùng phát từ đầu năm. Bên cạnh đó, giá thép xây dựng đang tăng phi mã cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Còn tại Ricons, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trong quý đầu năm cũng giảm 28% còn 23,6 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần tăng 11%, đạt 1.217 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ giá vốn tăng 12%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 63%.
Theo các chuyên gia, ngành xây dựng vốn có biên lợi nhuận mỏng, lại chịu sự cạnh tranh khốc liệt, hay bị chiếm dụng vốn… nay lại phải đối mặt với việc giá vật liệu xây dựng tăng đột biến. Điều này dẫn đến nguy cơ lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp xây dựng bị “ăn mòn”, dự án đội chi phí dẫn tới lỗ nặng.