Aa

Doanh nghiệp ngành thép lường trước quý I hiệu quả thấp

Thứ Bảy, 21/03/2020 - 14:00

Nhiều doanh nghiệp ngành thép chia sẻ, kết quả kinh doanh quý I/2020 dự kiến giảm mạnh, thậm chí thua lỗ.

Ngành thép đang trong giai đoạn thử thách nhất

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng (Thái Hưng) cho biết, dịch Covid-19 đang tác động đến toàn bộ nền kinh tế và mỗi ngành, mỗi loại hàng hóa sẽ có những ảnh hưởng riêng biệt.

Sự đình trệ trong sản xuất, ách tắc giao thông đang ảnh hưởng rất lớn đến ngành thép nói chung, Thái Hưng nói riêng. Ở thời điểm này, doanh nghiệp đang nỗ lực để trụ vững.

“Trong tháng 1 và tháng 2/2020, doanh thu và lợi nhuận của Thái Hưng ước chỉ hoàn thành khoảng 85% kế hoạch tháng. Uớc tính, quý I/2020, con số lợi nhuận chỉ đạt tối đa 85% kế hoạch quý. Nếu dịch bệnh kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh trong quý II/2020”, bà Vinh chia sẻ.

“Chúng tôi hiểu, Chính phủ đang rất cố gắng trong việc dùng nhiều phương thức để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc giảm, giãn lãi vay, nhưng không phải ngành nào cũng được hỗ trợ như nhau, nên cốt yếu vẫn là sự tự thân của doanh nghiệp”, bà Vinh nói.

Ông Lê Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thép Việt Ðức (VGS) cho rằng, nhiều doanh nghiệp ngành thép đang ở trạng thái tồn kho thành phẩm ngày càng tăng, nhưng lãi vay ngân hàng vẫn phải trả, chi phí bảo quản và lưu kho bãi tăng…, nên chắc chắn hiệu quả kinh doanh sẽ ghi nhận sụt giảm.

Ảnh minh họa.

Ðối với VGS, dù chưa có con số cụ thể, nhưng sự sụt giảm lợi nhuận quý I/2020 so với cùng kỳ năm ngoái là khó tránh khỏi, khi mà số lượng tiêu thụ giảm mạnh, giá thép giảm.

“Trong quý đầu năm 2020, do nhu cầu yếu nên giá thép xây dựng có xu hướng giảm, trong khi giá một số nguyên liệu sản xuất có xu hướng tăng do hạn chế của nguồn cung từ Trung Quốc như than cốc, quặng sắt, than điện cực…, khiến các doanh nghiệp trong ngành thép lao đao”, ông Hải nói và cho hay, khó khăn chủ yếu đến từ việc các thị trường kiểm soát dịch bệnh, khiến hoạt động nhập khẩu nguyên phụ liệu, thiết bị phụ tùng cho sản xuất thép trong nước và xuất khẩu hàng hóa đều gặp khó.

Chưa kể, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại do tác động từ bệnh dịch, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thép ở các công ty sản xuất lớn nhất thế giới và có tác động gián tiếp đến giá thép ở Việt Nam.

Không chỉ lợi nhuận suy giảm, không ít doanh nghiệp trong ngành tiếp tục thua lỗ. Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS) đã công bố kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2020 với tổng doanh thu ước đạt hơn 3.634 tỷ đồng và dự kiến lỗ 65,5 tỷ đồng.

Trong đó, con số lợi nhuận lỗ trong quý I/2020 của doanh nghiệp này ước lên đến vài chục tỷ đồng. Trước đó, VIS công bố lỗ 219 tỷ đồng trong năm 2019.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ðại Thiên Lộc (DTL) nhận xét, ngành thép đang trong giai đoạn khó khăn nhất khi càng làm càng thua lỗ.

Ðối với DTL, doanh thu quý I/2020 ước đạt hơn 300 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các chi phí không đổi, dẫn đến thua lỗ. Công ty ước lỗ 4 - 5 tỷ đồng trong 1 tháng, mức lỗ trong quý 1 ước tính hơn 12 tỷ đồng.

“Doanh nghiệp ngành thép vô cùng khó khăn và đang không có lối ra khi bị chặn cả hai đường xuất, nhập khẩu, trong khi hoạt động tiêu thụ trong nước đìu hiu khi mọi công trình gần như đình trệ bởi dịch bệnh”, ông Nghĩa nói và cho biết, với sự cạnh tranh gay gắt, cung vượt cầu, việc kinh doanh càng trở nên khó khăn, bít lối.

Giá thép trong và ngoài nước giảm, hiện chưa có dấu hiệu hồi phục, cùng lượng hàng tồn kho cao đang là khó khăn chung của các doanh nghiệp, nhiều công nhân buộc phải cho nghỉ việc vì không có việc làm.

Ở nhóm doanh nghiệp thép tôn mạ, sau một thời gian liên tục chạy đua tăng công suất trong năm 2019 đã bắt đầu xuất hiện tình trạng dư cung.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty cổ phần Thép Nam Kim, Công ty cổ phần Thép Pomina chia sẻ, lợi nhuận quý I/2020 ước tính giảm mạnh, ít nhất 30% so với quý I/2019.

Giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp?

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dịch Covid-19 khiến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành giảm sút, thậm chí thua lỗ.

Trước hết, dịch làm tắc nghẽn thị trường lưu thông hàng hóa. Hiện nhiều công trình và các dự án đầu tư xây dựng sử dụng đến mặt hàng thép dừng thi công.

Một số nhà máy thép có cán bộ, công nhân trong vùng dịch và các vùng lân cận phải dừng hoạt động, tiết giảm sản xuất do lao động chưa ổn định hoặc do gián đoạn nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Số liệu của VSA ghi nhận, 2 tháng đầu năm 2020, tình hình sản xuất và bán hàng của ngành thép giảm 30 - 35% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, trong tháng 1/2020, hoạt động sản xuất và bán hàng thép giảm lần lượt 22,3% và 31% so với cùng kỳ.

Trong đó, xuất khẩu thép các loại là 283.134 tấn, giảm 38% so với cùng kỳ và giảm 21% so với tháng 12/2019.

Sang tháng 2, tiêu thụ thép các loại đạt 1.608.229 tấn, tăng 17,86% so với tháng 1, nhưng giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 345.705 tấn, tăng 21,9% so với tháng 1, nhưng giảm 17% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, VSA cho biết, Hiệp hội và các doanh nghiệp thành viên đã quán triệt triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong phòng, chống dịch.

Theo đó, các doanh nghiệp thành viên đã và đang thực hiện các giải pháp để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động cũng như chủ động tìm nguồn nguyên liệu thay thế, điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Ông Nghiêm Xuân Ða, Chủ tịch VSA cho hay, để tháo gỡ khó khăn, giảm bớt áp lực cho ngành thép, VSA kiến nghị 2 giải pháp lên cơ quan chức năng.

Một là, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng như giãn và kéo dài thời gian các khoản nợ vay sắp đến hạn thanh toán; đồng thời giảm lãi suất giúp doanh nghiệp thép vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hai là, kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương giãn thời gian nộp thuế và các khoản thu ngân sách của các doanh nghiệp thép để tránh gây áp lực thêm cho doanh nghiệp, trong đó có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chủ tịch Thép Việt Ðức chia sẻ, ở thời điểm này, điều doanh nghiệp mong muốn từ phía Chính phủ là sự hỗ trợ bằng những chính sách cụ thể, thiết thực. “Chỉ cần các doanh nghiệp được giảm mức thuế nhu nhập doanh nghiệp 5% cũng là điều đáng mong mỏi, việc này đã được một số nước áp dụng”, ông nói.

Theo tổng giám đốc một doanh nghiệp ngành thép, gói hỗ trợ kép của Chính phủ (gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng) là rất lớn nếu nhìn vào con số, song nếu chia nhỏ ra theo mức vay thì mỗi doanh nghiệp chỉ được chia sẻ một phần rất nhỏ so với mức vay “khổng lồ” mà các doanh nghiệp đã vay để đầu tư, xây dựng các dự án.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top