Aa

Ngành xi măng gia tăng sức cạnh tranh

Thứ Hai, 17/02/2020 - 13:38

Năm 2020, Bộ Xây dựng dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng sẽ tăng từ 4 - 5%.

Các chuyên gia cho rằng, con số dự báo này khá “khiêm tốn” và sát với thực tế bởi bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn phải tiếp tục phát triển cho phù hợp với nhu cầu của xã hội về đầu tư xây dựng và sự phục hồi tích cực của thị trường bất động sản. Do đó mức tăng trưởng này theo các chuyên gia là hợp lý.

Tiêu thụ chưa như kỳ vọng

Tiến sỹ Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận xét, trước đây, xi măng thường có mức tăng trưởng cao hơn GDP. Nhưng vài năm gần đây, số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng của mặt hàng này đã thấp hơn GDP.

Nguyên nhân được chỉ ra là xi măng phục vụ cho nhiều lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; bất động sản, xây dựng dân dụng…

Thế nhưng, những năm gần đây, xây dựng cơ sở hạ tầng triển khai chậm, bất động sản có dấu hiệu “chững”, xây dựng nhà dân tăng nhưng mức độ tăng chưa nhiều nên tiêu thụ xi măng chậm lại và có xu hướng đi ngang.

Ông Cung cho rằng, Việt Nam chưa đến thời kỳ tiêu thụ xi măng giảm sút vì nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn rất lớn. Nếu cải tiến cơ chế chính sách, đẩy mạnh đầu tư thì tiêu thụ xi măng nội địa sẽ tăng lên.

Hiện Việt Nam vẫn đang dành 1/3 lượng xi măng để xuất khẩu. Nếu tiếp tục đẩy mạnh phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng trong nước, nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa tăng lên thì lúc đó sẽ chuyển xuất khẩu sang tiêu thụ trong nước.

Do đó, nguồn cung xi măng vẫn rất dồi dào và hoàn toàn đủ phục vụ như cầu phát triển đất nước.

Ảnh minh họa.

Điểm lại năm 2019 đã qua, trong bức tranh chung của thị trường vật liệu xây dựng, xi măng vẫn là điểm sáng với mức tăng trưởng toàn ngành vượt 2% so với năm 2018.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất không ngừng tăng cũng như sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường với quá nhiều thương hiệu khác nhau..., thế nhưng tiêu thụ xi măng cả trong nước và xuất khẩu đều tăng.

Tổng sản lượng xi măng, clinker tiêu thụ năm 2019 khoảng 98 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2018; trong đó, xi măng tiêu thị nội địa khoảng 67 triệu tấn, tăng 1%; sản phẩm xi măng và clinker xuất khẩu khoảng 32 triệu tấn với giá trị xuất khẩu ước đạt 1,27 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Quang Cung, con số của năm 2019 không có đột biến. Tuy nhiên, so với kỳ vọng của người làm xi măng thì mức tăng thị trường nội địa chưa đạt như kỳ vọng bởi mong muốn mức tăng ở thị trường này đạt từ 5 - 7%, thay vì 1 - 2% như năm qua. Còn xuất khẩu chỉ đặt mục tiêu ở mức từ 25 - 27 triệu tấn/năm là hợp lý thì thực tế lại vượt lên 31 - 32 triệu tấn/năm.

Nhận diện khó khăn

Nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2020 được Bộ Xây dựng dự báo ước sẽ đạt khoảng 101 - 103 triệu tấn, tăng từ 4 - 5% so với năm 2019; trong đó tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 69 - 70 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 32 - 34 triệu tấn.

Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong năm 2020 dự kiến sẽ có 2 dây chuyển sản xuất xi măng đi vào vận hành, đưa tổng số dây chuyền sản xuất xi măng của cả nước lên con số 86 với tổng công suất đạt 105,84 triệu tấn. Với quy mô này, ngành xi măng hoàn toàn có khả năng sản xuất và đáp ứng như cầu tiêu thụ nội địa cũng như clinker, xi măng cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Cung lại đưa ra cảnh báo, thị trường liệu xây dựng năm 2020 vẫn sẽ tương đương năm 2019, thậm chí có xu hướng tăng chậm lại do quy luật và điều này ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ, xuất khẩu xi măng của Việt Nam.

Do đó, một xu hướng mà doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành xi măng nói riêng có thể hướng đến trong thời gian tới là giảm sản lượng, đổi mới công nghệ để tăng chất lượng.

Bởi đã đến thời kỳ doanh nghiệp không nên chỉ coi trọng doanh thu mà phải coi trọng lợi nhuận và đặc biệt là chất lượng sản phẩm.

Đây cũng chính là điểm mấu chốt mà các doanh nghiệp xi măng Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế để luôn đối diện, chủ động giải quyết khó khăn thách thức trong quá trình phát triển.

Các khó khăn hiện hữu được chỉ ra là giá nguyên nhiên liệu tăng, tiền lương tăng, vấn đề môi trường, công nghệ…

Đặc biệt, đã có đề xuất đánh thuế môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất xi măng với việc nộp thuế cho rừng vì rừng là nơi tiêu thụ CO2 cho xi măng. Tất cả những khó khăn này sẽ dồn gánh nặng lên giá thành sản phẩm, đòi hỏi doanh nghiệp đương đầu với thách thức.

Gia tăng sức cạnh tranh

Bộ Xây dựng cũng nhận định, hiện lượng xuất khẩu của Trung Quốc và Thái Lan có thể tăng khiến xuất khẩu xi măng của Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh nhiều hơn.

Nhà máy xi măng Hoàng Mai. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng - giảm nguồn cung hợp lý để tránh bị ép giá; giữ giá bán ổn định và có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để thực hiện tốt việc bình ổn, cân đối cung - cầu và kiềm chế tốc độ tăng giá năm 2020, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Công Thương, Tổ điều hành thị trường trong nước báo cáo Chính phủ có chính sách hợp lý trong việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu như: điện, than, xăng, dầu.

Cụ thể, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có kế hoạch cung cấp đủ than theo nhu cầu sản xuất và đảm bảo chất lượng than cho các nhà máy xi măng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam cấp đủ điện cho sản xuất xi măng…

Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp xi măng vẫn là mấu chốt quyết định “thành” hay “bại”.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp xi măng Việt Nam cần nhận diện đầy đủ các khó khăn, phải luôn đổi mới và nâng cao, cải tiến công nghệ cho ra chủng loại sản phẩm có tính năng cao hơn, chất lượng tốt hơn, gia tăng phụ gia, giảm clinker; hướng đến sản xuất xi măng có hàm lượng phát thải các bon thấp.

Trong cuộc cạnh tranh này, ông Nguyễn Quang Cung cho rằng, các doanh nghiệp xi măng nên chủ động nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, cục diện thị trường cũng sẽ có những thay đổi. Doanh nghiệp lớn, quy mô lớn, làm ăn chuyên nghiệp có khả năng cạnh tranh sẽ tốt hơn.

Ngược lại, những doanh nghiệp nhỏ, yếu sức cạnh tranh sẽ kém hơn. Và quy luật đào thải là tất yếu – chuyên gia này khuyến cáo.

Cải tiến trong sản xuất xi măng là liên tục và áp lực cạnh tranh là mãi mãi, không có điểm dừng. Nhưng điều này cũng có lợi cho các doanh nghiệp bởi đây sẽ là động lực giúp doanh nghiệp xi măng phát triển, đem lại hiệu quả cho chính họ - ông Nguyễn Quang Cung khẳng định.

Một số doanh nghiệp xi măng lớn chia sẻ, giai đoạn này, họ không chỉ tập trung phát triển sản xuất kinh doanh mà đang hướng đến nền sản xuất xanh, thông minh, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Điều này cũng góp phần khẳng định, ngành xi măng chỉ có một hướng lựa chọn duy nhất là phát triển bền vững gắn với sản xuất xanh, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường trong bối cảnh nhu cầu xi măng phục vụ cơ sở hạ tầng gia tăng nhưng tài nguyên hữu hạn và ngày càng cạn kiệt./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top